Suy Niệm Lời Chúa – Thánh Alphongsô – Sống Kiên Nhẫn Và Khoan Dung

(Gr 18:1-6; Mt 13:47-53)

Trong bài đọc 1 hôm nay, ngôn sứ Giêrêmia được Đức Chúa sai đến nhà thợ gốm để ở đó, ngôn sứ sẽ nhận được lời của Đức Chúa: “Ngươi hãy trỗi dậy và xuống nhà thợ gốm, ở đó Ta sẽ cho ngươi nghe lời Ta” (Gr 18:2). Những lời này cho thấy Đức Chúa có thể sử dụng những hình ảnh và công việc thường ngày để nói cho chúng ta biết sứ điệp của Ngài. Ngôn sứ Giêrêmia đã vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa và đến nhà thợ gốm. Ở đây, ngôn sứ Giêrêmia thấy người thợ gốm đang sử dụng chiếc bàn xoay hai bánh để nặn ra chiếc bình như anh thấy cần làm dù một vài lần anh không thành công (x. Gr 18:3-4). Qua hình ảnh này, Đức Chúa nói cho Giêrêmia biết kế hoạch tái thiết lại Israel của Ngài: “Bấy giờ có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: “Hỡi nhà Israel, đối với các ngươi, Ta lại không thể làm được như người thợ gốm này hay sao? Sấm ngôn của Đức Chúa. Này hỡi nhà Israel, đất sét ở trong tay người thợ gốm thế nào, các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy” (Gr 18:5-6). Cuộc sống của chúng ta cũng có những thất bại đau thương, những lần không trung thành với Đức Chúa, nhưng Ngài luôn muốn “tái thiết lại” giao ước tình yêu với chúng ta. Ngài làm điều đó qua những sự kiện trong đời sống thường ngày. Chúng ta cần nhạy bén với tiếng nói của Ngài để mau mắn đáp lại.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta về dụ ngôn chiếc lưới.  Chúng ta có thể thấy trình thuật Tin Mừng hôm nay có hai phần: phần 1 là dụ ngôn chiếc lưới (câu 47-50) và phần 2 là cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với các môn đệ về sự hiểu biết liên quan đến những điều Chúa Giêsu dạy (câu 51-52). Theo các học giả Kinh Thánh, dụ ngôn chiếc lưới mang tính cánh chung và như là đỉnh cao cho những ai đi tìm kho tàng vô giá là Nước Trời. Chúng ta có thể thấy ở đây kiễu mẫu của dụ ngôn cỏ lùng mà chúng ta nghe tuần trước: “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên sứ sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 13:47-50). Chúng ta thấy rõ ràng hai phần trong dụ ngôn này, nội dung của dụ ngôn (câu 47-48) và giải thích dụ ngôn (câu 49-50). Hình ảnh được sử dụng trong dụ ngôn [chiếc lưới và mẻ cá bắt được, việc phân loại cá sau khi đánh bắt] rất quen thuộc với người nghe vì đó là những thực tại họ nhìn thấy hằng ngày. Sứ điệp của dụ ngôn này phần nào giống với dụ ngôn cỏ lùng, đó là Nước Trời là một sự hỗn hợp của thánh nhân và tội nhân (cá tốt và cá xấu). Việc phân loại cuối cùng thuộc quyền Thiên Chúa và các thiên sứ của Ngài. Trong khi đang còn sống, sự chịu đựng trong kiên nhẫn phải là kim chỉ nam cho những người sống trong Nước Trời. Nói cách cụ thể hơn, việc thưởng phạt Nước Trời thuộc về Thiên Chúa trong ngày sau hết. Khi sống với nhau, chúng ta không nên xét đoán và kết án anh chị em mình, nhưng kiên nhẫn chịu đựng những trái ý phật lòng để rèn luyện nhân đức, hầu có thể đi qua cửa hẹp mà vào Nước Trời khi thiên sứ của Thiên Chúa đến tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính.

Chúa Giêsu kết lời dạy của mình bằng câu hỏi: “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” (Mt 13:51). Các môn đệ mau mắn trả lời là họ hiểu. Chúng ta biết rằng hiểu lời dạy của Chúa Giêsu là một đặc tính của người môn đệ tốt trong Tin Mừng Thánh Mátthêu. Như chúng ta biết, để hiểu một điều gì, thái độ cần thiết đầu tiên là thinh lặng lắng nghe với trọn con người. Người môn đệ của Chúa Giêsu khi đến với Ngài cần có sự thinh lặng nội tâm mới có thể nghe và hiểu điều Ngài muốn nói với mình. Trước câu trả lời chắc chắn về sư hiểu biết của các môn đệ, Chúa Giêsu khẳng định với họ rằng: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13:52). Theo các học giả Kinh Thánh, câu này quan trọng dưới một vài khía cạnh: (1) Trong bối cảnh gần, câu này là một dụ ngôn dùng làm kết luận của chương chứa đựng bảy dụ ngôn khác. Nó là dụ ngôn tạo ra các dụ ngôn, là dụ ngôn tổng hợp mời gọi người đọc và người nghe đi vào trong tiến trình mang tính dụ ngôn qua việc tạo ra những dụ ngôn mới để thêm vào những dụ ngôn đã được kể. Theo cách nhìn chung, vấn để của “cũ và mới” được hiểu như sau: “cái cũ” là Cựu Ước và “cái mới” chính là những lời dạy của Chúa Giêsu về Nước Trời. (2) Câu này chỉ ra sự hiện hữu và hoạt động của các kinh sư Kitô hữu trong cộng đoàn của Thánh Mátthêu. (3) Câu này được xem như là tiểu sử hoặc bút danh của thánh sử [câu này cũng thích hợp với Thánh Phaolô). Tóm lại, câu này mời gọi chúng ta biết sử dụng những kinh nghiệm sống hằng ngày để học hỏi về Nước Trời. Không có kinh nghiệm nào [dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai] lại vô dụng cho việc học hỏi về Nước Trời. Nhiều lần, chúng ta đã để phí những kinh nghiệm sống mà không rút ra được bài học quý giá nào cho cuộc sống. Chúng ta để cho những kinh nghiệm thành công làm chúng ta trở nên kiêu ngạo; những kinh nghiệm đau buồn đè bẹp làm chúng ta trở nên thất vọng. Kinh nghiệm thành công dạy chúng ta biết tạ ơn và trở nên khiêm nhường, còn kinh nghiệm thất bại dạy chúng ta tin tưởng, phó thác và vươn lên với ơn Chúa giúp.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *