(Gr 15:10.16-21; Mt 13:44-46)
Trong bài đọc 1 hôm nay, ngôn sứ Giêrêmia đối diện với kinh nghiệm hoàn toàn thất vọng khi bị nguyền rủa vì làm chứng cho Đức Chúa. Sự mệt mỏi này được diễn tả trong thái độ chất vấn về sự hiện hữu của mình trên trần gian này: “Con vô phúc quá, mẹ ơi, mẹ sinh con ra làm gì, để cho người ta chống đối, cho cả nước gây gổ với con? Con chẳng cho ai vay, cũng không mượn của người, thế mà vẫn cứ bị nguyền rủa (Gr 15:10). Những lời này cho thấy cảm giác đau khổ của một “người tốt” khi phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, những đau khổ phải chịu vì danh Chúa thì khác với đau khổ do chính mình tạo ra khi sống bất công mà bị chống đối. Ngôn sứ Giêrêmia đã cho chúng ta thấy niềm vui khi để lời Chúa chiếm lậy đời mình, niềm vui vì được mang danh Chúa: “Gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thoả lòng con, vì con được mang danh Ngài, lạy Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh” (Gr 15:16). Niềm vui vì được mang danh Chúa trở nên động lực để ngôn sứ của Chúa đứng vững trước những chống đối. Chúng ta có vui khi được mang danh Chúa hay không? Chúng ta có tin là Chúa luôn ở bên chúng ta để trở nên thành đồng kiên cố cho chúng ta không?
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thêm hai dụ ngôn về Nước Trời: dụ ngôn kho báu và dụ ngôn ngọc đẹp. Hai dụ ngôn này và dụ ngôn về lưới cá là những dụ ngôn về Nước Trời đặc thù của Thánh Mátthêu. Trong hai dụ ngôn kho báu và ngọc đẹp, chúng ta sẽ gặp vấn đề trong việc giải thích. Vần đề hệ tại việc chúng ta nhấn mạnh đến tính vô giá của kho tàng hoặc ngọc đẹp hay là cách hành xử của người tìm thấy và bán mọi sự để mua chúng. Theo các học giả Kinh Thánh, lối giải thích nhấn mạnh đến cách hành xử của người tìm mua khi kho báu hoặc ngọc đẹp được ám chỉ cách rõ ràng trong hai dụ ngôn, nhất là dụ ngôn ngọc đẹp.
Hai dụ ngôn này có chung một cấu trúc sau: (1) Nước Trời được ví như một thực tại trần thế [“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng”//“Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp”]; (2) có người tìm kiếm và gặp được [“Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại”//”Tìm được một viên ngọc quý”]; (3) vui mừng, đi bán tất cả những gì mình có và mua [“rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy”//”ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy”]. Tuy nhiên, trong những yếu tố này, yếu tố “vui mừng” là yếu tố chính mà Chúa Giêsu muốn nhắm đến khi nói cho dân chúng hai dụ ngôn này. Theo Chúa Giêsu, Nước Trời là một kho tàng vô giá mà một người khôn ngoan sẵn sàng bán hết những gì mình có để sở hữu nó. Đây là cơ hội chỉ xảy ra một lần trong đời. Những người có con tim “nửa vời” sẽ không bao giờ nhận ra giá trị thật của Nước Trời. Để sở hữu được Nước Trời, chúng ta phải đi tìm kiếm, phải vất vả đổ mồ hôi, sôi nước mắt để tìm thấy Nước Trời. Những người tìm thấy Nước Trời là những người vui mừng. Đối với họ, không có gì lấy mất niềm vui chiếm hữu được Nước Trời của họ. Họ sẵn sàng bán hết mọi sự [xem mọi sự là rác rưởi], để chiếm hữu Nước Trời. Chúng ta thế nào? Chúng ta đã tìm thấy Nước Trời chưa? Dấu chỉ để chúng ta biết mình đã tìm được Nước Trời là chúng ta có được niềm vui sâu xa trong tâm hồn, không ai và không có bất cứ điều gì có thể cướp mất niềm vui đó. Hơn nữa, khi tìm được Nước Trời, chúng ta không còn xem của cải vật chất là quan trọng nhất, nhưng là những mối tương quan mang đậm tình người và tình yêu. Nếu chúng ta đã tìm thấy Nước Trời [Chúa Giêsu], tại sao chúng ta lại chưa “bỏ hết mọi sự” để có được Ngài trong cuộc đời chúng ta? Điều gì ngăn cản chúng ta bán hết mọi sự để sở hữu được niềm vui có Chúa?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB