Bài 13. Một sự can thiệp mang tính quyết định
Cũng tại Paris, vào ngày cha Lambert được mời tham dự Hội nghị Truyền giáo, ngài không khỏi ngạc nhiên khi thấy tên mình đứng thứ hai sau tên François Pallu và trước tên Guillaume Bouin, trong danh sách ứng viên được đề cử với Thánh Bộ vào chức vụ Đại diện Tông tòa ở châu Á.
Hai ngày sau khi Hội nghị kết thúc, cha Pierre Lambert lên đường đi Roma. Đến nơi ngày 18.11.1657, các cha Vincent de Meur, François Pallu và ba người trong Nhóm bạn Hiền đã chờ ngài ở đó. Từ hơn năm tháng qua, họ thương lượng với Tòa Thánh về việc bổ nhiệm các Đại diện Tông tòa với nhiều khó khăn nhưng vẫn không có kết quả.
Tại Roma, cha Lambert, nguyên là một luật sư chỉ mới 33 tuổi, vừa giàu có, lại khá nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình với việc rao giảng Tin Mừng nơi xa xôi, ngài đã dốc hết tâm lực cùng với cha Pallu vận động Tòa Thánh gửi các Giám mục đi Đông Ấn. Cha Lambert đích thân trình bày với Thánh Bộ Truyền giáo, xin dâng tài sản tiền bạc của ngài để cấp dưỡng cho các Giám mục sẽ được cử đi. Vậy là cản trở cuối cùng làm cho Thánh Bộ trong năm 1656 chưa dám xúc tiến công việc do thiếu tiền của, thì nay không chần chừ nữa, cũng chẳng còn đòi điều kiện là phải đặt quỹ này trong lãnh thổ Tòa Thánh, tại Roma hoặc Avignon.
Sự việc tiến hành rất tốt nên đầu năm 1658, cha Lambert rời Roma, về tới Paris tháng 4.1658; riêng cha Pallu một mình ở lại Roma theo dõi công việc[1].
Ơn riêng Thiên Chúa đã ban cho cha Lambert, cha đã dùng dùng để phục vụ người khác. Nên cha đích thực là người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. (x.1 Pr 4,10).
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống quảng đại bằng cách dùng hết tài năng, mọi kỹ năng và óc sáng tạo của mình để làm những điều tốt cho đời, cho chính Chúa và Giáo hội của Người.
[1] F. FAUCONNET BUZELIN, Người cha bị lãng quên…, sđd, trang 152tt.
Trích Tập Sách “52 Bài Đọc Thiêng Liêng về Đức Cha Lambert de la Motte“
Ban Linh Đạo Hội dòng Mến Thánh Giá Huế