Cuộc tĩnh tâm kết thúc ngày 10.10.1662 và do chưa thể đi Đàng Trong lúc này, Đức cha tạm cư trú tại Ayutthaya để điều hành công việc. Khởi đầu, ba nhà thừa sai lo học tiếng: hai cha Deydier và De Bourges học tiếng Trung Hoa, Đức cha Lambert học tiếng Đàng Trong từ hai người được viên quan trưởng giao dịch Hòa Lan gởi tới. Đức cha cũng tìm hiểu phong tục, văn hóa dân bản xứ để có thể thi hành sứ vụ cách hữu hiệu. Khi được biết trong trại người Đàng Trong có khoảng 40 người Công giáo, Đức cha Lambert rất vui mừng. Các ngài tới đó mỗi tuần ba lần để dạy giáo lý và ban các bí tích cho họ. Đức cha đã cử hành Lễ Giáng sinh đầu tiên ở trại người Đàng Trong, ngài giảng một bài ngắn bằng tiếng Bồ Đào Nha về bổn phận phải yêu mến Thiên Chúa và được một người thông dịch sang tiếng Đàng Trong.
Trong việc loan báo Phúc Âm tại đây, Đức cha Lambert và các thừa sai tông tòa cố gắng thể hiện đúng tinh thần của một nhà truyền giáo đích thực, để có thể điều chỉnh lại lối sống buông thả của các thừa sai thuộc chế độ bảo trợ Bồ Đào Nha. Vì thế các ngài gặp rất nhiều khó khăn: những phản ứng không thân thiện từ các thừa sai thuộc chế độ bảo trợ, thái độ ác cảm của người Bồ tại Xiêm, cũng như sự chống đối của chính quyền Bồ Đào Nha với các thừa sai tông tòa[1].
Khi hay tin Đức cha đang bị người Bồ Đào Nha đe dọa tính mạng, những người Đàng Trong đã đến đón ngài, hai cha, các gia nhân về trại của họ. Họ dựng cho ngài một nhà ở và một nhà nguyện trên bờ sông. Chính nơi đây, Đức cha đặt bản doanh vĩnh viễn của sứ vụ người Pháp mà ngài đặt tên là trại Thánh Giuse.
Từ trại Đàng Trong, các ngài đón nhận những Kitô hữu đầu tiên, mở đầu cho sứ vụ thừa sai của các ngài tại Đông Á.
Trong một bối cảnh truyền giáo khó khăn và đau khổ như thế, Đức cha Lambert đã có được tâm tình như Thánh Phaolô:“Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta (Rm 8, 38-39).
[1]HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM (HĐGMVN), Tiểu sử Đức Cha François Pallu & Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, nxb Tôn Giáo, 2020, trang 78-79.
Trích Tập Sách “52 Bài Đọc Thiêng Liêng về Đức Cha Lambert de la Motte”
Ban Linh Đạo Hội dòng Mến Thánh Giá Huế