(Ed 16:1-15.60.63; Mt 19:3-12)
Trong lời sấm hôm nay, Đức Chúa qua miệng ngôn sứ Êdêkiên chỉ ra những điều ghê tởm của Giêrusalem: “Gốc gác ngươi, dòng họ ngươi phát xuất từ đất Canaan; cha ngươi là người Emôri, mẹ ngươi là người Khết. Lúc chào đời, ngày mới sinh ra, ngươi không được ai cắt rốn cũng không ai lấy nước tắm rửa cho sạch, chẳng được ai xát muối và lấy tã bọc cho. Không người nào ái ngại đưa mắt nhìn ngươi mà làm cho ngươi chỉ một trong những điều ấy vì xót thương ngươi. Ngày mới sinh ra, ngươi bị quẳng ra giữa đồng vì ai cũng ghê tởm ngươi” (Ed 3-5). Những lời này trình bày tình trạng “ô uế” ngay từ nguồn gốc và những ngày đầu hiện hữu của Giêrusalem. Nhưng Đức Chúa đã ghé mắt nhìn đến. Ngài đã chăm sóc, nuôi dưỡng và làm cho Giêrusalem trở nên vinh quang để muôn dân chiêm ngắm. Không những thế, Đức Chúa đã thề nguyền và lập giao ước với Giêrusalem và Giêrusalem thuộc về Ngài (x. Ed 16:6-14). Nhưng Giêrusalem đã không muốn thuộc trọn về mình Đức Chúa mà “đã cậy có nhan sắc, ỷ vào danh tiếng của ngươi để đàng điếm và hoang dâm với mọi khách qua đường” (Ed 16:15), chạy theo những ngẫu tượng khác mà quên Đức Chúa. Dù như thế, Đức Chúa vẫn yêu thương Giêrusalem: “Còn Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước đã lập với ngươi thời ngươi còn thanh xuân. Ta sẽ thiết lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu, để ngươi nhớ lại mà lấy làm xấu hổ và, trong lúc phải tủi nhục, ngươi sẽ không còn mở miệng nói gì được nữa, khi Ta tha thứ cho ngươi tất cả những việc ngươi đã làm – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng” (Ed 16:60,63). Hình ảnh này có thể là hình ảnh của mỗi người chúng ta, những người lập giao ước thuộc trọn về Chúa khi lãnh nhận bí tích rửa tội. Nhưng rồi, chúng ta chạy theo những ngẫu tượng khác mà quên Đức Chúa. Nhưng Ngài vẫn luôn trung thành với lời hứa của Ngài. Vì vậy, chúng ta cũng được mời gọi trở về với Chúa và sống trung thành với giao ước của mình. Đây cũng là sứ điệp mà Chúa Giêsu dạy chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
Bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng lời dạy của Chúa Giêsu về vấn đề ly dị. Chúng ta cũng tìm thấy trình thuật này trong Tin Mừng Thánh Máccô (10:1-12). Lời dạy về ly di được đặt trong bối cảnh địa lý mới sau khi Chúa Giêsu rời Galilê. Chúa Giêsu tiếp tục huấn luyện các môn đệ của Ngài bắt đầu với vấn đề hôn nhân và độc thân, trẻ em, giàu và nghèo, cuộc thương khó mà Ngài sẽ chịu trong tương lai và nhất là cám dỗ về ước muốn sai lạc (x. chương 19-20). Thánh Mátthêu sử dụng chuỗi những sự kiện được Thánh Máccô trình thuật và sẽ theo thứ tự của chúng cho đến cuối cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Thánh sử chỉ thêm vào những chi tiết cần thiết khác mà hữu dụng cho cộng đoàn của mình.
Vấn nạn về gia đình, ly dị và ly thân là vấn nạn của mọi thời. Theo triết gia Aristotle, “Đối với đời sống gia đình, ly dị được ví như chiến tranh xảy ra cho một nước.” Vấn nạn về ly dị được mấy người Pharisêu đặt ra cho Chúa Giêsu. Vấn đề được giả định ở đây là họ biết tất cả những luật liên quan đến vấn đề ly dị được viết trong Cựu Ước (x. Đnl 24:1-4). Sách Đệ Nhị Luật đã đưa ra những lý do để “rẫy vợ.” Nhưng những người Pharisêu không muốn dừng lại ở những lý do đó, họ muốn đi xa hơn khi hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” (Mt 19:3). Những lời này ám chỉ đến cuộc tranh luận giữa Hilel và Shammai về vấn đề ly dị. Thay vì chiều theo yêu cầu của họ là chọn một trong hai quan điểm họ đưa ra, Chúa Giêsu đưa họ về với ý định ban đầu của Thiên Chúa: “Các ông không đọc thấy điều này sao: thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: ‘Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:4-6). Chúa Giêsu đưa họ về với thuở ban đầu để chỉ ra cho họ biết hôn nhân được thiết lập ngay từ đầu bởi Thiên Chúa khi tạo dựng con người chứ không phải được con người thiết lập. Vì vậy, đời sống hôn nhân phải được giải thích trong ánh sáng ý định của Thiên Chúa, chứ không phải được giải thích theo ý định của con người. Theo Chúa Giêsu, trong ý định ban đầu của Thiên Chúa, hôn nhân là sự hợp nhất mang tính vĩnh cửu. Như vậy, con người không thể thay đổi ý định đó thành “tạm thời.”
Như chúng ta đã trình bày, những người Pharisêu biết luật rất rõ, nên họ trích Kinh Thánh để chất vấn Chúa Giêsu: “Thế sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” (Mt 19:7). Lại một lần nữa, Chúa Giêsu lại đưa họ về với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Không những thế, Ngài nêu rõ lý do Môsê cho phép rẫy vợ vì “các ông lòng chai dạ đá” (Mt 19:8). Ở đây Chúa Giêsu khẳng định lại ý định của Thiên Chúa là hôn nhân không bao giờ thay đổi. Con người không sống theo ý định của Thiên Chúa là vì họ lòng chai dạ đá. Điều này thường xảy ra trong xã hội ngày hôm nay. Nhiều người biện minh cho những việc sai trái của mình [trong vấn đề ly dị hoặc xuất tu] bằng cách đổ lỗi cho người khác. Trái tim họ thật sự không còn chút yêu thương nào vì nó đã trở nên chai đá. Khi con tim trở nên chai đá, không còn rung động theo nhịp đập của tình yêu mà Chúa muốn, con người không còn nhìn thấy vẻ đẹp hoặc không còn nhận ra những điều tốt người khác làm cho mình. Điều duy nhất họ nhìn thấy là sai phạm của người khác [ngay cả khi người khác đúng]. Khi chúng ta bắt đầu nhìn thấy tất cả những gì người khác làm là sai, chúng ta hãy xem lại con tim của mình để điều chỉnh lại cho đúng nhịp với ý định ban đầu của Thiên Chúa.
Lời dạy về đời sống gia đình của Chúa Giêsu cho các môn đệ kết thúc với cuộc đối thoại mang tính riêng biệt giữa Ngài với các môn đệ. Nhưng lần này, không phải là những người Pharisêu chất vấn Ngài, mà chính là các môn đệ. Nói đúng hơn, các môn đệ không chất vấn Chúa Giêsu cho bằng nhận định trên câu trả lời của Chúa Giêsu cho những người Pharisêu: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn” (Mt 19:11). Nắm bắt lấy cơ hội này, Chúa Giêsu nói đến khả thể độc thân vì Nước Trời điều mà “chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.” Khả thể này là một trong ba khả thể mà một người có thể không lập gia đình: (1) bẩm sinh không có khả năng lập gia đình; (2) bị người khác làm cho không có khả năng [loại này đa số gồm những người phục vụ trong cung cấm của vua chúa ngày xưa]; (3) những người cố ý không lập gia đình để dấn thân phục vụ Nước Trời. Loại thứ ba là loại mà Chúa Giêsu đề nghị với các môn đệ và muốn họ hiểu. Tuy nhiên, họ chỉ hiểu khi được Chúa Cha cho hiểu. Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định rằng, chính Thiên Chúa là Đấng ban cho những người Ngài chọn khả năng để sống độc thân vì Nước Trời. Nói cách khác, khả năng sống độc thân vì Nước Trời không phải là ước muốn của con người, cũng không phải là điều con người có thể tự mình sở hữu. Nhưng là một món quà của Thiên Chúa. Điều này nhắc nhở những người sống độc thân vì Nước Trời về món quà tuyệt đẹp mà Thiên Chúa đã ban cho mình. Họ chỉ gìn giữ được món quà đó khi họ cậy dựa vào Thiên Chúa, Đấng cho họ hiểu giá trị đích thật của nó.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB