Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Ba sau Chúa Nhật XXI Thường Niên: Sống Trung Thành Với Sứ Điệp Tình Yêu

Sống Trung Thành Với Sứ Điệp Tình Yêu

(2 Tx 2:1-3a.14-17; Mt 23:23-26)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô nhắc nhở tín hữu Thessalônikha về mối nguy hiểm của việc lắng nghe những lời “lừa dối” của người khác mà bỏ đi đời sống Tin Mừng đòi hỏi. Cụ thể hơn là việc ngày của Chúa đến gần. Ngài mời gọi các tín hữu Thessalônikha trung thành với lời Tin Mừng mà Ngài đã loan báo: “Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng chúng tôi loan báo mà kêu gọi anh em, để anh em được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ” (2 Tx 2:14-15). Trong những lời này, Thánh Phaolô cho biết, kết quả của việc sống trung thành với sứ điệp Tin Mừng là được hưởng vinh quang của Chúa. Tuy nhiên, vinh quang của Thiên Chúa chỉ được tỏ hiện cách trọn vẹn trong thời sau hết. Vì vậy, trong khi chờ đợi ngày của Chúa đến, chúng ta cần “làm và nói tất cả những gì tốt lành” (2 Tx 2:17).

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục thuật lại những lời khiển trách của Chúa Giêsu dành cho các kinh sư và những người Pharisêu. Đoạn trích gồm hai lời khiển trách: Sự bỏ qua những điều quan trọng trong Lề Luật và sự không thanh sạch bên trong của các kinh sư và những người Pharisêu. Những lời khiển trách này cũng nhắm đến mỗi người chúng ta vì cũng không ít lần chúng ta đã bỏ qua những điều quan trọng trong luật Chúa, đó là tình yêu và che đậy những điều không thanh sạch bên trong bằng đời sống trọng bề ngoài của mình.

Trong lời khiển trách thứ nhất, Chúa Giêsu khiển trách các kinh sư và những người Pharisêu về việc “quan trọng hoá” luật lệ hơn là hiểu “tinh thần” của luật. Chúa Giêsu đưa họ về với cốt lõi của luật. Ngài muốn họ [và chúng ta] không chỉ giữ luật vì luật, nhưng sống trọn vẹn tinh thần của luật, đó là “công lý, lòng nhân và thành tín” (Mt 23:23). Nhiều người trong chúng ta cũng thi hành luật [Giáo Hội hay luật dòng], nhưng chúng ta lại không lớn lên trong “công lý, lòng nhân và thành tín.” Nói cách khác, mục đích của luật là giúp chúng ta sống công bình hơn, yêu thương hơn và trung thành với ơn gọi của mình hơn. Khi chúng ta không đạt đến điều này thì thật khốn cho chúng ta, vì chúng ta cũng chỉ là những người đạo đức giả. Chúng ta chỉ giữ luật “theo mặt chữ,” nhưng lại bỏ quên những điều quan trọng nhất trong Lề Luật, đó là mến Chúa và yêu người. Một chi tiết khác chúng ta cần lưu ý trong lời khiển trách thứ nhất là câu: Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ” (Mt 23:23). Câu này ngụ ý nói đến lối nhìn của cộng đoàn Thánh Mátthêu, là cộng đoàn Kitô hữu có gốc Do Thái, về Lề Luật. Theo lối nhìn này, toàn bộ Torah phải được tuân giữ, nhưng không theo lối giải thích của các kinh sư và những người Pharisêu, mà theo lối giải thích của Chúa Giêsu (x. Mt 5:17-20).

Theo các học giả Kinh Thánh, trong lời khiển trách thứ hai chúng ta nhận ra cuộc tranh luận giữa hai trường phái Do Thái Giáo lớn thời đó, đó là hai trường phái của Hillel và Shammai. Cuộc tranh luận này liên quan đến vấn đề rửa chén đĩa. Nhưng nó không dừng lại ở nghi thức, nhưng trở thành một vấn đề luân lý. Chúng ta nhận ra điều này trong những lời sau: “Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ” (Mt 23:25). Sử dụng hình ảnh về “nghi thức rửa” chén bát, Chúa Giêsu nói về việc xem lại “động lực” bên trong khi thực hiện hành vi. Hay nói cách khác, những hành động bên ngoài phải đi đôi với thái độ nội tâm. Nếu động lực làm việc không tốt, thì dù hành động bên ngoài có được “khen thưởng” bởi nhiều người thì hành động đó vẫn không có giá trị gì trước mặt Chúa. Điều này giúp chúng ta hiểu lời khuyến cáo của Chúa Giêsu: “Hỡi người Pharisêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch” (Mt 23:26). Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định về động lực bên trong là yếu tố mang lại giá trị cho việc thể hiện ra bên ngoài. Một hành động phát xuất từ tình yêu thì dù có nhỏ bé vẫn có giá trị hơn một hành động vĩ đại nhưng phát xuất từ việc tìm lợi ích riêng cho chính mình. Chúng ta đang làm việc với động lực gì?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB