Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Tư sau Chúa Nhật XXI Thường Niên – Sống Thánh Và Sống Thật

(2 Tx 3:6-10.16-18; Mt 23:27-32)

Thánh Phaolô trong bài đọc 1 khuyến cáo các tín hữu Thessalonika tránh lối sống vô kỷ luật của những người không tuân theo những điều thánh nhân đã truyền dạy: “Thưa anh em, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền cho anh em phải xa lánh mọi người anh em sống vô kỷ luật, không theo truyền thống anh em đã nhận được từ nơi tôi” (2 Tx 3:6). Những lời này cho thấy trong cộng đoàn Thessalonika có những người dạy người khác những điều, hay đúng hơn là những giá trị, không theo Tin Mừng mà Thánh Phaolô đã rao giảng. Điều này khuyến cáo chúng ta trong đời sống chứng tá của mình. Trong đời sống chung, những lời nói và hành động của mình luôn có tác động trên người khác. Điều quan trọng là chúng ta có sống đời sống kỷ luật theo các giá trị Tin Mừng không?

Bên cạnh đó, Thánh Phaolô lấy đời sống kỷ luật của mình làm gương sáng để cho họ bắt chước: “Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật. Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải là vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho anh em bắt chước. Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” (2 Tx 3:7-10). Trong những lời này, Thánh Phaolô một cách nào đó trình bày cho chúng ta về giá trị của công việc. Công việc giúp chúng ta “giữ kỷ luật” cho cuộc sống của mình, đồng thời không trở nên gánh nặng cho người khác. Làm việc không chỉ để nuôi sống chính mình, nhưng còn dùng để làm gương sáng cho người khác. Nhiều người trong chúng ta [ngay cả những người tận hiến cho Thiên Chúa] nhìn công việc như gánh nặng, chứ không phải là phương tiện để qua đó có được một đời sống kỷ luật hầu trở nên gương sáng cho anh chị em mình. Làm việc với trọn con tim là cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo và cứu độ của Ngài. Hãy hãnh diện và chu toàn công việc của mình với niềm vui thánh.

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục lời khiển trách của Chúa Giêsu về việc “lời nói phải đi đôi với hành động,” hay đúng hơn “vẻ đẹp bên ngoài phải phản chiếu vẻ đẹp bên trong.” Hai lời khiển trách hôm nay sử dụng chung một hình ảnh, đó là hình ảnh mồ mả. Chúng ta lưu ý đến câu điệp khúc: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu đạo đức giả!” (Mt 23:27,29). Những người đạo đức giả là những người “thờ phượng Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, nhưng lòng thì lại xa Ngài.” Họ là những người chỉ lưu ý đến vẻ bên ngoài để che lấp những điều xấu xa bên trong. Nếu thành thật với lòng mình, chúng ta nhiều lần cũng là những người đạo đức giả. Chúng ta đi nhà thờ, làm việc lành bố thí cũng chỉ để cho người khác biết để ngợi khen mình, nhưng lòng chúng ta lại rất xa Chúa vì cuộc sống của chúng ta không có thay đổi gì theo năm tháng. Chúng ta vẫn còn đó những giận hờn ghen ghét, tự ái tự kiêu, nói hành nói xấu hoặc không tha thứ cho anh chị em mình.

Trong lời khiển trách đầu tiên, Chúa Giêsu khuyến cáo các kinh sư và những người Pharisêu về việc không đồng nhất giữa bên trong và bên ngoài [giữa động lực và hành động] qua hình ảnh họ giống “mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế” (Mt 23:27). Hơn thế nữa, lời của Ngài rất thẳng thắn và trực tiếp: “Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là đạo đức giả và gian ác!” (Mt 23:28). Lời khiển trách này cũng nhắm đến mỗi người chúng ta. Không ít lần trong cuộc sống, chúng ta “bằng mặt” [bên ngoài] chứ không “bằng lòng” [bên trong]. Một người sở hữu sự thống nhất giữa vẻ đẹp bên trong và bên ngoài luôn sống thật, nói thật, yêu thật và tha thứ thật. Khi không có sự thống nhất giữa bên trong và bên ngoài, thì chính chúng ta đã sống trong sự lừa dối chính mình trước khi lừa dối người khác. Hãy trang điểm cho vẻ đẹp bên ngoài với những cử chỉ và lời nói nhã nhặn ôn hoà và trang điểm vẻ đẹp bên trong với nhân đức và tình yêu vô điều kiện của Chúa.

Trong lời khiển trách thứ hai, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta vấn đề “cộng tác vào sự dữ” người khác làm. Nói cách khác, Chúa Giêsu muốn nói với họ [và chúng ta] rằng: tránh làm điều xấu cách trực tiếp thì chưa đủ, nhưng còn phải tránh cộng tác vào việc xấu của người khác. Một ví dụ cụ thể để chúng ta dễ hiểu là: tránh không nói xấu người khác là điều cần, nhưng cũng cần là “không thêm dầu vào lửa khi nghe người khác nói xấu một ai đó.” Chúa Giêsu dùng việc xây dựng mồ mả cho các ngôn sứ như là việc cộng tác vào “việc đổ máu các ngôn sứ” mà cha ông họ đã làm. Nói cách cụ thể là: người giết, kẻ xây mồ. Chúa Giêsu lên án hành động cộng tác này, vì qua hành động đó họ chỉ ra mối liên hệ không thể tách rời giữa người làm điều xấu với họ: “Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!” (Mt 23:31-32). Một lối sống hoàn hảo là lối sống không đơn giản chỉ tránh làm việc xấu, nhưng còn không cộng tác vào trong việc xấu của người khác. Một cách cụ thể hơn, sống hoàn hảo là tránh phạm tội và tránh trở thành dịp tội cho người khác.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB