(Đnl 4:1-2.6-8; Gc 1:17-18.21b-22.27; Mc 7:1-8a.14-15.21-23)
Bài đọc 1 hôm nay được đặt trong bối cảnh của giao ước trên núi Sinai giữa Thiên Chúa và dân Israel. Môsê đưa ra cho dân Israel những lợi ích mà họ sẽ được khi họ đem ra thực hành những thánh chỉ và quyết định của Thiên Chúa. Những gì Môsê truyền cho dân là mệnh lệnh của Đức Chúa. Họ không được thêm hoặc bớt điều gì, nhưng phải tuân giữ cách trung thành: “Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em” (Đnl 4:2). Một cách cụ thể, họ sẽ được: (1) “sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em (Đnl 4:1); (2) trở thành một “dân khôn ngoan và thông minh!’ (Đnl 4:6); (3) “thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người” (Đnl 4:7). Tuy nhiên, để được những điều ấy, họ phải “ý tứ và cẩn thận giữ mình đừng quên những điều mắt anh em đã thấy, và suốt đời, đừng để cho những điều ấy ra khỏi lòng anh em; trái lại, anh em hãy dạy cho con cháu anh em biết” (Đnl 4:9). Điều mắt họ đã thấy mà suốt đời phải giữ trong lòng và dạy cho con cháu là gì? Đó là những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện để đưa họ ra khỏi nộ lệ Ai Cập và ban cho họ đất hứa làm gia nghiệp. Chỉ khi họ thực hiện điều này, họ sẽ trở nên dân vĩ đại nhất và qua họ Thiên Chúa sẽ chúc lành cho mọi dân tộc trên mặt đất. Nhìn lại cuộc đời của mình, Thiên Chúa cũng đã thực hiện biết bao kỳ công. Liệu chúng ta có nhớ đến và sống tâm tình tạ ơn mỗi giây phút không?
Thánh Giacôbê trong bài đọc 2 hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng: “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Gc 1:17). Những lời này khẳng định rằng mọi sự đến từ Thiên Chúa, chúng ta chỉ là những người cộng tác, những người lãnh nhận những ơn lành Ngài ban. Bên cạnh đó, những lời trên cũng cho chúng ta biết Thiên Chúa luôn trung thành với lời Ngài đã hứa vì nơi Người không hề có sự thay đổi. Còn chúng ta thường không trung thành với lời hứa của chúng ta trong phép rửa tội [hay trong lời tuyên khấn các lời khuyên phúc âm] vì chúng ta thường hay thay đổi ý định và tình yêu của mình dành cho Chúa và dành cho nhau. Chúng ta chỉ có thể sống trung thành với lời hứa của mình khi chúng ta “khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em” (Gc 1:21b). Đón nhận không vẫn chưa đủ, nhưng chúng ta phải đem lời Chúa ra thực hành, như thế chúng ta mới không tự lừa dối chính mình (x. Gc 1:22).
Bài Tin Mừng hôm nay được xem là bước chuẩn bị cho cuộc tranh luận về đề tài “ô uế và không ô uế.” Cao trào của cuộc tranh luận về đề tại này sẽ được tìm thấy trong chương 8 (11-21), khi những người Pharisêu đòi Chúa Giêsu cho họ xem dấu lạ để thử người về quyền bính Ngài có trong việc giảng dạy về đề tài này. Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng nhằm mục đích chuẩn bị cho hành trình giảng dạy của Chúa Giêsu bên ngoài Galilê, trong những vùng đất mà người Do Thái xem là ô uế, những vùng đất của dân ngoại.
Như thường lệ, Thánh Máccô trong bài Tin Mừng hôm nay sử dụng nghệ thuật tương phản trong thái độ để chuyển tải sứ điệp của mình. Cuối chương 6 (Mc 6:53-56), chúng ta thấy thái độ đón nhận Chúa Giêsu của dân chúng. Thái độ này hoàn toàn tương phản với thái độ từ chối của “những người Pharisêu và một số kinh sư.” Nếu chúng ta liên kết với đề tài tương phản giữa “giới răn Thiên Chúa” và “truyền thống của tiền nhân,” chúng ta nhận ra rằng: Trong ý định ban đầu của Thiên Chúa, Ngài muốn “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tim 2:4). Điều này được phản chiếu trong việc mọi người đón nhận Ngài; nhưng theo “truyền thống của những người Do Thái” chỉ những ai được tuyển chọn, là con cháu Abraham thì mới được hưởng ơn cứu độ. Điều này được phản chiếu trong thái độ của những người Pharisêu và một số kinh sư. Còn chúng ta: Chúng ta muốn mọi người được cứu độ, ngay cả những người chúng ta không thích, hay chúng ta chỉ muốn những người trong “nhóm” của chúng ta được cứu độ?
Cấu trúc của bài Tin Mừng hôm nay gồm 2 phần. Phần 1 là thách thức của những người Pharisêu và một số kinh sư về việc các môn đệ Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ăn theo truyền thống của tiền nhân (Mc 7:1-8); và phần 2 là việc Chúa Giêsu chỉ trích những người chống đối Ngài đã dùng truyền thống của con người để thay thế cho các giới răn của Thiên Chúa qua việc thực hành korban: “Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: ‘Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’ và ‘kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử!’ Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là ‘coban’ nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’ rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa (Mc 7:10-12). Theo Chúa Giêsu, họ dùng truyền thống con người để tránh bổn phận của mình trước mặt Thiên Chúa cũng như biện minh cho những lỗi phạm của mình về luật bác ái. Ở đây, Chúa Giêsu một cách gián tiếp tuyên bố rằng: Ngài là Đấng có quyền giải thích luật. Đây chính là một khẳng định mang tính Kitô học. Tuy nhiên, điều chúng ta cần học ở đây là: Đừng tìm cách biện minh cho những lỗi phạm của chúng ta về việc thực hành bác ái.
Đi sâu hơn vào trong vấn đề tranh luận, chúng ta thấy cuộc tranh luận này bắt đầu với việc rửa tay, một hành vì mang tính cách bên ngoài và những người Pharisêu và một số kinh sư chỉ dừng lại ở đó. Nhưng Chúa Giêsu hướng những người chống đối Ngài vào yếu tố bên trong. Ngài trích lời của ngôn sứ Isaia để nói về điều này: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc 7:6-7). Trong câu này, chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn chúng ta phải trở về với ý định của Thiên Chúa khi thờ phượng Ngài. Ngài muốn chúng ta thờ phượng Ngài với cả con người của mình: trọn linh hồn và thân xác. Tóm lại, điều Thiên Chúa muốn chúng ta là không chỉ tôn thờ Ngài bằng môi bằng miệng, nhưng với trọn con tim. Nói cách khác, hãy đến với Chúa như là một “con người thống nhất – hồn và xác” chứ không phải chỉ thân xác như một “thây ma” hoặc chỉ linh hồn như một “bóng ma.”
Phần 2 của bài Tin Mừng hôm nay là phần kết của cuộc tranh luận với những người Pharisêu và biệt phái về việc giữ các truyền thống tiền nhân về thực phẩm [ăn uống] mà chúng ta nghe ngày hôm qua. Nội dung chính của phần này là lời công bố và giải thích của Chúa Giêsu về tính không hợp lý [hợp pháp] của luật Do Thái về thực phẩm [việc ăn uống]. Trong Mc 7:14-16 – Chúa Giêsu dạy và cống bố cho đám đông về tính không hợp lý của luật Do Thái về thực phẩm [việc ăn uống]; và trong Mc 7:17-23 – Chúa Giêsu giải thích riêng cho các môn đệ về tính không hợp lý của luật Do Thái về thực phẩm [việc ăn uống]. Chúng ta thấy ở đây có hai cấp độ: Nghe và hiểu. Có nhiều người chỉ nghe nhưng không hiểu. Điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là tầm quan trọng của thế giới bên trong. Thật vậy, thay đổi bên ngoài dễ hơn thay đổi bên trong: Thay đổi kiểu tóc dễ dàng hơn thay đổi thái độ ghen tỵ. Chúa Giêsu xác quyết rằng: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế (Mc 7:14-15). Vẻ đẹp của con người không hệ tại ở vẻ bề ngoài, nơi thân xác, nhưng nằm bên trong linh hồn, trong con tim tràn đầy yêu thương. Như chúng ta đã trình bày trong những bài chia sẻ trước, khi Chúa Giêsu dùng câu: “Ai có tai nghe thì nghe!” (Mc 7:16), Ngài muốn nhấn mạnh rằng: Hãy để ý! Đây là điều rất quan trọng. Chúng ta thường để ý đến những thay đổi ở bên ngoài để “hấp dẫn” người khác, để gây chú ý hoặc gây ấn tượng cho người khác. Nhiều khi chúng ta thay đổi bề ngoài của mình để làm vui lòng người khác, nhưng bên trong chúng ta lại không có gì thay đổi hoặc chứa đựng những đắng cay và ghen ghét. Hãy làm mình nên đẹp trước mặt Thiên Chúa và người khác với đời sống nhân đức hơn là những thay đổi bên ngoài.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB