Những con người già yếu, mắt mờ chân chậm, lang thang giữa phố xá không người thân, cũng chẳng có được một mái nhà. Rồi một ngày được đưa vào đây, sống chung với những con người cùng cảnh ngộ, nương tựa nhau dù không phải bạn đời, cũng không là bạn đường. Thực ra, nếu có cơ hội trò chuyện, lắng nghe và nhìn thấu chiều sâu của những cảnh đời nơi đây, thì sẽ dễ dàng nhận ra chốn nương thân đích thực của các ông bà già này, mọi lúc mọi nơi, chính là vòng tay yêu thương của Con Thiên Chúa làm người.
Thật vậy, có mấy ai ngờ rằng giữa những khuôn mặt và những bờ vai kia có sẵn một bờ vai để nâng đỡ tất cả, có sẵn một con tim thương yêu và nối kết tất cả. Vì mỗi khi đưa tay nắm bắt những bàn tay, người được sai đến đây luôn cảm nhận hơi ấm của Con Thiên Chúa làm người ôm trọn tất cả. Đấng Phục Sinh không chỉ có mặt hôm nay giữa các ông các bà, mà đã cùng với mọi người rong ruổi suốt những tháng ngày lang thang cơ nhỡ.
Nếu Đức Giêsu suốt 40 ngày sau khi Phục sinh, đã chứng tỏ cho các môn đệ thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình, qua những lần hiện ra với các môn đệ, và bằng sự hiện diện vô hình cũa Người, thì dọc suốt hai ngàn năm qua, và cho mãi tới hôm nay, từng người môn đệ của Đức Giêsu không ngừng làm chứng rằng mình vẫn sống với một Giêsu vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình. Chứng nhân hùng hồn của người môn đệ, khi có mặt giữa các cụ ông cụ bà lúc này, có thể nói như Phêrô: Tiền bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, để trao cho mọi người, nghĩa là, đôi tay này, khi nắm lấy những bàn tay: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, thì một không gian tràn ngập niềm vui Tin Mừng rộng mở, một vùng trời để tình yêu và quyền năng Thiên Chúa “phủ bóng mọi người”.
Hội Thánh muôn đời đã bước đi nhân danh Giêsu, qui tụ mọi người trong gia đình Hội Thánh, quanh bàn tiệc Thánh Thể. Thánh lễ hôm nay đặc biệt được cử hành riêng cho các cụ ông cụ bà cơ nhỡ, tuổi đời đã xế bóng,
Dĩ nhiên, trước khi cùng nhau tham dự Thánh Lễ, mọi người cần được chuẩn bị để có được cung cách xứng hợp.
Để giúp ăn mặc tươm tất, nhóm phục vụ bàn thờ đã gọi tên và trao cho mỗi người một áo sơ mi mới. Nhưng còn việc chuẩn bị tâm hồn thì sao? Cha chủ tế đã sẫn sàng đứng ngay hiên nhà để tiếp nhận những ai muốn lãnh nhận bí tích hòa giải, và thánh lễ diễn ra ngay sau đó với bài ca nhập lễ cùng với lời chào mở đầu thân thương : “Chúa ở cùng anh chị em…”,
Vâng Chúa đã chờ đợi anh chị em và đang ở đây với chúng ta.
Chúa Giêsu, Đấng đổ đầy ân sủng của Người trên chúng ta, Đấng giải thoát chúng ta, Đấng biến đổi chúng ta, Đấng chữa lành và an ủi chúng ta là Đấng đang sống. Và bất cứ nơi nào anh chị em đến, Người sẽ chờ đợi anh chị em ở đó. Bởi vì không những Người đã đến, mà còn đang đến và sẽ tiếp tục đến mỗi ngày để mời anh chị em tiến bước đến một chân trời luôn mới mẻ.
Ngắm nhìn các ông và các bà trong vòng tay của Ngôi Lời nhập thể, tôi thực sự ngỡ ngàng trước những cảnh đời bất thường lại có thể tiến bước đến một chân trời luôn mới mẻ, và đây chính là nghịch lý của Tin Mừng. Thật vậy, một khi ánh sáng đã chiếu soi trong bóng tối thì đâu còn cảnh tối tăm, một khi Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta đã lấp đầy mọi sự bằng sự hiện diện vô hình của Người, thì cái không gían bên ngoài có giới hạn tới đâu chăng nữa cũng tràn ngập niềm vui và sự sống. (x. Tông Huấn Vui Mừng Hân Hoan)
Phụng vụ lời Chúa hôm nay đặt mọi người trước cảnh vực thần linh. Phải chăng đây là một chân trời xa lạ, mấy ai hiểu thấu? Người ta cứ hay nói đầu đội trời chân đạp đất: Trời đâu chẳng thấy chỉ thấy nắng mưa giãi dầu, còn đất thì ôi thôi chứa đựng biết bao gian khổ.
Nghĩ thì khó chứ sống thì dễ lắm. Điều quan trong là phải xác định rõ chốn nương thân. Nhận lấy hành trang cuộc đời là lời Chúa, vì “lời Chúa mới tác sinh chứ xác thịt nào ích gì”. Chính lời Chúa sẽ dẫn dắt con người trên những nẻo đường ân sủng, để chân bước đi giữa đời thường, sống phận người, nhưng hình hài lại là con cái Thiên Chúa, có thể buông mình theo dòng chảy của ân sủng thần linh.
Thật tuyệt vời, những con người lang thang cơ nhỡ, chẳng mấy khi họ nhớ đến Chúa, ngay cả khi có dịp tới nhà thờ thì cũng đứng xa xa. Vậy mà sáng nay, khi biết 9.00 có thánh lễ, khoảng 40 cụ ông cụ bà, dắt theo hơn 20 người nữa chẳng biết thánh lễ là gì, nghe mọi người rủ “đến mà xem”, cũng đi theo, làm cho phòng hội chật kín.
Tình Chúa quá nhiệm màu, đúng như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo :
“Những kẻ không tìm Ta, lại được gặp Ta;
những kẻ không hỏi Ta,
Ta đã xuất hiện cho chúng thấy”.
Từ bàn tiệc lời Chúa, mọi người được dẫn vào bàn tiệc Thánh Thể: ở đó của ăn là chính Mình Máu Chúa Giêsu Kitô.
Nhìn từng người nối gót nhau lên rước lễ, những khuôn mặt in đậm dấu ấn bao tháng ngày cơ cực, với đôi chút tủi hờn, đáng thương và đáng yêu đấy, nhưng biết đâu cũng lẫn những yếu đuối, nhỏ nhen đáng trách.
Chúa Giêsu Thánh Thể, đấng hiến mình làm tấm bánh bẻ ra cho nhân thế đón nhận tất cả, nuôi sống và chữa lành tất cả. Tình yêu của Chúa thì lớn hơn tất cả những mâu thuẫn nhân loại và có sức biến đổi, để cuối cùng, khi mang lấy phận đời của từng người hôm nay, chính Chúa viết nên câu chuyện tình, chuyện về hơn 60 con người trong tuổi xế chiều được Thiên Chúa yêu thương, được Thiên Chúa tạo dáng theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài.
Bởi vì chỉ những gì được yêu mới có thể được cứu.
Chỉ những gì được ôm lấy mới có thể được biến đổi.
Chúa Giêsu Thánh Thể đã yêu đến nỗi hiến trọn thân mình…
Thánh thể đã ôm lấy từng phận người, để sau khi tham dự bữa tiệc thánh hôm nay, thì dù rằng con đường cuộc sống của các cụ nơi đây vẫn là phận người mỏng manh, vai mang thập giá mình hằng ngày, nhưng luôn vững bước trên con đường Giêsu, Đấng đã trở thành tấm bánh được bẻ ra cho chúng ta, được bẻ ra trong chúng ta, để đến lượt các cụ ông cụ bà nơi đây cũng là những tấm bánh được bẻ ra cho nhau, trong Giêsu Thánh Thể.
Chia tay trong một không gian tràn ngập Thánh Thể, mỗi người trở về với mảnh trời riêng tư của mình. Thế nhưng khi cuộc sống mỗi ngày diễn ra trong Thánh Thể, thì ngầm chứa biết bao điều lạ lùng.
Từ nay thập giá mình hằng ngày là màu nhiệm để sống.
Đa-minh Trần Văn Tân, SJ.
Nguồn: dongten.net