Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Mở Lòng Để Đón Nhận Lời Chúa

 (Is 35:4-7a; Gc 2:1-5; Mc 7:31-37)

Sứ điệp của ngôn sứ Isaia cho dân Israel trong thời lưu đày được trình thuật trong bài đọc 1 hôm nay hàm chứa một cung giọng thật ấm áp và đầy an ủi. Lời kêu gọi hãy vui lên vì Đức Chúa đang đến để cứu thoát dân Người vang vọng trong vùng “sa mạc và đồng khô cỏ cháy” (Is 35:1). Trong khi chờ đợi Đức Chúa đến, con cái Israel được mời gọi “hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng. Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em” (Is 35:3-4). Qua những lời này, Đức Chúa mời gọi con cái Israel trở nên sức mạnh của nhau và nâng đỡ nhau để vượt qua thời gian thử thách đau thương. Đây cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta. Trong đời sống thường ngày, ai trong chúng ta cũng có thánh giá riêng của mình. Hãy trở nên sức mạnh của nhau; hãy nâng đỡ nhau để cùng nhau hoàn thành hành trình vác thập giá mình theo Chúa Giêsu cho trọn; đừng trở nên gánh nặng và thập giá cho nhau.

Chi tiết thứ hai để chúng ta suy gẫm trong bài đọc 1 là hình ảnh bình an vì được chữa lành mà dân Israel sẽ được tận hưởng khi Đức Chúa đến cứu thoát họ: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. Vì có nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu. Miền nóng bỏng biến thành ao hồ, đất khô cằn có mạch nước trào ra.” (Is 35:5-7). Hình ảnh này chỉ cho chúng ta thấy, nơi nào có sự thăm viếng và hiện diện của Thiên Chúa, nơi đó có sự chữa lành và bình an. Nhìn từ khía cạnh thiêng liêng, những tâm hồn được Chúa viếng thăm và cư ngụ sẽ được chữa lành và tận hưởng sự bình an bất tận. Khi được chữa lành và bình an, nơi nào có sự hiện diện của họ, nơi đó có sự chữa lành và cảm nghiệm được bầu khí bình an của tin yêu và tha thứ. Mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa thăm viếng mỗi ngày. Chúng ta có đón tiếp và để cho Chúa chữa lành những vết thương của chúng ta hầu mang lại cho chúng ta sự bình an đích thật không?

Thánh Giacôbê trong bài đọc 2 hôm nay khuyên nhủ các tín hữu yêu thương nhau với tình yêu không thiên tư, không đối xử thiên tư trong các mối tương quan. Thánh nhân đưa ra ví dụ cụ thể như sau: “Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, và giả như anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: ‘Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này,’ còn với người nghèo, anh em lại nói: ‘Đứng đó!’ hoặc: ‘Ngồi dưới bệ chân tôi đây!’ thì bấy giờ, anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?” (Gc 2: 2-4). Khi đọc những lời này, chúng ta không khỏi không dừng lại để xét lại thái độ sống của mình vì nhiều lúc chúng ta cũng có thái độ kỳ thị. Chúng ta thường nghe rằng: thấy sang bắt quàng làm họ. Chúng ta thường có thái độ tôn trong hoặc thích “bắt quàng làm họ” với những người giàu có hay có chức vụ trong Giáo Hội và xã hội. Còn những người nghèo thì chúng ta thường xa lánh hoặc tỏ lòng “thương hại.” Những lời trên mời gọi chúng ta xem xét lại thái độ của mình vì “nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao?” (Gc 2:5).

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta phép lạ thứ hai Chúa Giêsu thực hiện trong lãnh thổ của dân ngoại. Ngày hôm qua, Chúa Giêsu chữa người con gái của một phụ nữ Hy Lạp, và hôm nay Ngài chữa một người điếc và ngọng. Như chúng ta đã trình bày hôm qua, ơn cứu độ Chúa Giêsu mang đến là cho hết mọi người. Như vậy, Tin Mừng Ngài đem đến cũng phải được nghe và công bố bởi muôn người. Đây chính là bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay: Chữa người ngọng hoặc câm [để công bố] và điếc [để lắng nghe]. Phép lạ hôm nay có thể được gọi là phép lạ “hãy mở ra”: “Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: Épphatha, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng” (Mc 7:34-35). Chúng ta cũng cần được mở ra vì nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta đóng tai và miệng trước việc nghe và công bố niềm vui của ơn cứu độ. Hơn nữa, chúng ta không chỉ đóng tai và miệng, mà chúng ta cũng đóng con tim của chúng ta lại trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa, trước việc đón nhận người khác vào trong con tim của mình. Chúng ta cần Chúa chạm đến và mở tai để chúng ta nghe lời Ngài và đem ra thực hành [không nghe những lời nói hành nói xấu nhau], mở mắt để chúng ta nhìn thấy những kỳ công của Ngài, mở miệng để chúng ta nói tốt cho nhau [không nói những điều mất lòng Chúa và mất lòng nhau], mở tay để chúng ta biết trao ban, và mở con tim để chúng ta đón nhận, yêu thuơng và tha thứ cho những người làm tổn thương chúng ta.

Điểm cuối cùng chúng ta quan tâm là việc Chúa Giêsu cấm không cho người ta kể chuyện Ngài chữa người câm điếc. Điều này thường xảy ra trong Tin Mừng của Thánh Máccô như chúng ta đã chia sẻ trước đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh hôm nay, khi Chúa Giêsu cấm không cho họ kể lại là Ngài có ý nói cho họ biết rằng sứ vụ của Ngài không chỉ giới hạn bởi việc chữa bệnh. Đây chỉ là một trong những khía cạnh của Đấng Messia mà Isaia nói đến mà họ trích dẫn: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được” (Mc 7:37; x. Is 35:5-6). Điều này không đúng với chân tính mà Tin Mừng của Máccô muốn trình bày. Theo Thánh Máccô, chân tính thật của Chúa Giêsu là Đấng được xức dầu [Đấng Messia], là Con Thiên Chúa (Mc 1:1), Đấng được mặc khải trọn vẹn trên Thánh Giá và trong sự phục sinh của Ngài (x. Mc 15:39). Điều này nhắc nhở chúng ta về một thực tại trong cuộc sống: Chúng ta không thể đánh giá chân tính một con người chỉ dựa vào một khía cạnh nào đó của cuộc sống họ. Chúng ta phải có toàn bộ bức tranh của cuộc đời họ để có thể nói về họ một cách chính xác nhất. Người ta thường nói: Chân tính của một con người không được tỏ lộ cách rõ ràng cho đến khi người đó nhắm mắt xuôi tay. Như vậy, chúng ta đừng có thái độ kết án người khác. Hãy kiên nhẫn chờ đợi và hãy giữ niềm hy vọng cho đến khi được cùng nhau về thiên đàng thì mọi sự sẽ được tỏ lộ.

Lm, Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB