Thăm Vùng Lũ Ở Gia Viễn Và Nho Quan

Ngày 11 tháng 9, từ sáng sớm, chúng tôi tiếp tục hành trình trở lại thăm các giáo xứ vùng lũ ở Gia Viễn và Nho Quan sau cơn bão lịch sử Yagi. Đó là các giáo xứ Vô Hốt, Sơn Luỹ, Ngọc Cao (giáo hạt Vô Hốt- huyện Nho Quan, Ninh Bình) cùng hai giáo xứ Mỹ Thuỷ và Liên Phương (giáo hạt Đồng Chưa, huyện Gia Viễn, Ninh Bình).

Cha quản hạt Gioan B. Đỗ Văn Đoan đang trao quà của Ban Caritas Phát Diệm.

Mấy hôm nay lượng mưa đã giảm nhiều, chỉ còn mưa nhẹ, nhưng hầu hết đường tới các giáo xứ này đã chìm trong biển nước. Nhiều chỗ không còn nhận ra đâu là đường, đâu là sông. Cách tiếp cận duy nhất là phải đi bằng thuyền. Khi đang ngồi trên thuyền vào thăm giáo xứ Mỹ Thủy, thôn Kênh Gà, rồi khi chèo thuyền thong dong vào giáo xứ Ngọc Cao nằm sâu trong các dãy núi, chúng tôi cứ ngỡ như đang được du hành trên vịnh Hạ Long. Nếu khu du dịch Tràng An ở Ninh Bình từng được ví như Hạ Long trên cạn, thì phong cảnh mấy giáo xứ vùng lũ này cũng đẹp không kém. Vâng, một khung cảnh núi non trùng trùng điệp điệp hiện ra trước mắt vừa buồn mà đẹp làm sao!

Cùng với giáo xứ Đồng Đinh, đây là các giáo xứ nằm bên lưu vực sông Hoàng Long, hàng năm thường xuyên bị lũ lụt do thượng nguồn đổ về. Địa hình nơi này đan xen đồi núi, sông ngòi, bán sơn địa và đồng chiêm trũng. Con sông Hoàng Long thường ngày vốn nhẹ nhàng uốn lượn quanh các dãy núi như vẽ lên trời một bức tranh thủy mặc.  Ấy vậy mà giờ đây lòng sông như giận dữ đỏ ngầu, kéo nước ở đâu về như muốn nhấn chìm cả những ngôi nhà nhỏ nép mình bên vách núi.

Cách chung, quý cha xứ nơi đây nhận thấy tình hình lũ lụt năm nay đến khá bất ngờ so với các năm trước. Mực nước dâng cao chỉ kém một chút so với trận lụt lịch sử năm 2017. Do có kinh nghiệm “sống chung với lũ” hàng năm, bà con nơi đây không để xảy ra thiệt hại về nhân mạng, cũng không ảnh hưởng trầm trọng như các tỉnh phía Bắc sau cơn bão Yagi. Tuy nhiên, chỉ cần hình dung một điều đơn gian, những ngày qua hàng ngàn hộ gia đình sống trong trong tình trạng mất điện, thiếu nước sạch, nhà bị ngập lụt từ 50cm đến 2m. Sinh hoạt của anh chị em gặp phiền phức ra sao khi phải chạy đồ, kê đồ lên gác, chạy ở nhờ, nhiều gia đình không có gác cao hoặc nhà tầng, đành phải chịu ngâm đồ đạc trong nước lũ.

Một điều rất tích cực, rất đẹp, ai cũng nhận thấy có lẽ chính là tình người trong cơn gian nan khốn khó. Ai nấy yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Những ngày qua đã có nhiều đoàn thể xã hội cũng như các tổ chức tôn giáo tới động viên thăm hỏi, chia sẻ những gói mỳ tôm, những chai nước sạch…vv. Dẫu biết chỉ như muối bỏ biển. Nhưng điều đó thật ấm lòng, một miếng khi đói bằng một gói khi no trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Vâng, trong tình cảnh này không gì quý hơn những tấm lòng, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều.

Cách chung bà con không phải đói ăn, tuy nhiên khi nước lụt kéo dài, anh chị em nơi đây rất cần các nhu yếu phẩm như thuốc khử trùng, thuốc nhỏ mắt, phèn chua lọc nước, đèn pin…vv. Rồi đây khi nước rút, công việc vệ sinh môi trường, tránh dịch bệnh, sửa chữa khôi phục lưới điện, đường nước sạch là một bài toán nan giải.

Cha Gioan Đỗ Văn Khoa, Giám đốc Caritas Phát Diệm chèo thuyền rời giáo xứ Ngọc Cao.

Chúng tôi rời giáo xứ Ngọc Cao, giáo xứ cuối cùng trong chuyến thăm trong cảnh hoàng hôn không nhìn rõ mặt trời, với những hạt mưa bay bay. Hình ảnh sơn thủy hữu tình lại lưu luyến tâm trí chúng tôi.Thật buồn mà đẹp. Đẹp mà buồn!

Buồn mà đẹp bởi có ai ngờ giữa cảnh tang thương bão lũ, người ta lại được chiêm ngắm cảnh thiên nhiên đẹp như vậy. Nhưng đẹp mà buồn vì thấp thoáng bên những dãy núi thơ mộng ấy chúng tôi phải chứng kiến những mái nhà của các anh chị em đồng bào, đồng đạo đang chìm trong nước lũ.

Chắc hẳn còn nhiều cái buồn và cái đẹp nữa còn đeo bám mảnh đất nơi này. Chúng tôi đến thăm rồi đi, nhưng đồng bào sẽ sống ra sao khi năm nào cũng phải “sống chung với lũ”?

Có lẽ như ai đó viết:

“Chẳng mong gì quá cao sang

Chỉ mong một chút bình an mỗi ngày”.

Mong thay!

Nguồn: phatdiem.org