Suy gẫm Lời Chúa Xh 3, 11-12
Để cứu độ toàn thể nhân loại, Thiên Chúa đã thực hiện qua nhiều giai đoạn khác nhau trong lịch sử nhân loại. Thông thường, để bước sang một giai đoạn mới, Thiên Chúa luôn bắt đầu bằng việc tuyển chọn. Và điều đặc biệt ở đây là tất cả những chọn lựa của Thiên Chúa đều mang tính bất ngờ, nghĩa là vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người. Ơn gọi của Mô-sê là một ơn gọi cao cả, nhưng không hề dễ dàng. Thiên Chúa muốn chọn Mô-sê là vì sự cứu rỗi cho đoàn dân Chúa, những người Do Thái đang còn chịu áp bức bóc lột của Ai Cập. Sứ mạng Thiên Chúa trao bắt Mô-sê phải quay trở lại chính nơi mà ông đã trốn chạy và né tránh. Ở nơi mà Mô-sê đã bất lực và bỏ đi, Chúa lại muốn thực hiện một công trình vĩ đại. Đi theo tiếng gọi của Chúa chưa bao giờ là một con đường để né tránh hay để thoát ly cuộc đời. Những người theo Chúa luôn là những người được mời gọi phải nhận vào mình nhiều bổn phận và trách nhiệm. Họ không sống cho riêng mình, nhưng là sống cho Chúa. Khi bước theo Chúa, không phải là bước đi một mình nhưng là có Chúa cùng đi. Chúa không bỏ rơi hay sai ta đi trong sự cô đơn, vô vọng, mà Người vẫn luôn song hành và ban ơn trợ lực giúp ta. Thế nhưng, ta có tin và nhận ra lời Chúa hứa “Ta sẽ ở với Con” ngay trong cuộc đời mình?
Thái độ của Mô-sê trước lời mời gọi – lời hứa của Thiên Chúa
Trong sách Xuất Hành, Chúa đã chuẩn bị và chọn gọi Mô-sê trong bối cảnh đặc biệt. Cuộc đời và ơn gọi của Mô-sê đều có khởi đầu kỳ diệu. Giống như những câu chuyện kể về các vị thủ lãnh vĩ đại, cuộc đời Mô-sê đã gặp hiểm cảnh ngay từ thuở lọt lòng mẹ và được cứu sống một cách ly kỳ (Xh 2,1-10). Dù được nuôi dưỡng và lớn lên trong cung đình Pha-ra-ô, nhưng trái tim của Mô-sê lại thuộc về đoàn dân của mình, những người Do Thái phải sống cảnh nô lệ trên đất Ai Cập. Sau cuộc giải cứu một người đồng bào Do Thái và giết chết kẻ áp bức là một người Ai Cập, Mô-sê chạy trốn và làm lại cuộc đời tại miền hoang địa Ma-đi-an (Xh 2,11-15). Chính tại nơi ấy, Thiên Chúa xuất hiện và gọi Mô-sê. Với cuộc gặp gỡ kỳ diệu ấy, Chúa muốn Mô-sê không còn là Mô-sê của ngày cũ nữa. Chúa kéo Mô-sê ra khỏi nơi trú ẩn của ông. Chúa gạt qua một bên cuộc đời có vẻ đã ổn định của Mô-sê, mời ông lên đường sống một cuộc đời mới.
Đoạn Lời Chúa Xh 3, 11-12 là phần đầu cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và ông Mô-sê khi Người ngỏ lời với ông. Phản ứng đầu tiên của Mô-sê là: “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ô và đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập?” (Xh 3,11). Dường như ông đang cảm nhận sự bất xứng quá hiển nhiên của bản thân mình. “Con không thể, con không phù hợp để làm công việc đó, con không đủ khả năng”. Có lẽ kinh nghiệm sống đã giúp ông nhận biết những giới hạn của bản thân mình. Tuy nhiên, chính câu trả lời của Thiên Chúa đã nhắc nhở và bảo đảm với ông “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12). Chúa nhắc ông nhớ rằng: quyền năng và sức mạnh nơi ông không phải của chính ông, nhưng là của Đấng đang gọi ông. Đây là tất cả những gì mà một người được chọn và được sai đi thật sự cần: sự hiện diện và đồng hành của Thiên Chúa. Chúa đòi ông phải hoàn toàn tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa.
Ý Thức Ơn Gọi Của Mình Và Tin Vào Lời Chúa Hứa
Nhìn về ơn gọi của chính bản thân, cảm thức “Tôi là ai mà dám…?” thật hữu ích vì nó giúp tôi khiêm nhường và nhận biết chính mình. Tuy nhiên, đứng trước một lời mời ra đi, một sứ vụ, hay một công việc được giao vượt sức mình,… tôi vẫn còn do dự và tự hỏi “Con là ai mà dám…”- đây là lời tự vấn đầy chân thật của người được chọn và được trao sứ mạng. Thiết nghĩ rằng bất cứ một người nào khi được đặt trước một sứ mạng của Thiên Chúa đều có thể tự hỏi mình như thế. Sứ mạng trước mắt luôn là điều vượt quá sức của bất cứ người nào. Nhìn từ một góc độ nào đó, con đường trước mắt luôn có hai mặt: nó vừa có những điều thú vị cần được khám phá và nó cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ và đe đoạ. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận để tôi bị tê liệt và đóng khung trong nỗi sợ ấy. Nếu đã chọn và gọi, Chúa luôn có cách để đưa ơn gọi ấy đến thành toàn viên mãn. Khi đọc lại hành trình ơn gọi, tôi càng cảm nghiêm sâu xa hơn lời Chúa nói “Ta sẽ ở với con”, đây không phải là một lời hứa suông, nhưng như một lời đảm bảo. Trải qua những khó khăn, thử thách trong đời sống thiêng liêng và trong đời sống cộng đoàn, không ít lần con cảm thấy cô đơn và muốn buông xuôi. Nhưng bằng cách này hay cách khác, Chúa vẫn cho thấy và giúp tôi xác tín hơn vào sự hiện diện, đồng hành của Người trong từng biến cố lớn nhỏ cuộc đời. Và việc trước tiên tôi cần là “TIN”. Chúa mời gọi tôi tin tưởng, phó thác mọi sự trong bàn tay yêu thương, quan phòng của Người. Không phải cậy vào sức riêng, không phải nhìn xem tôi phải làm gì, tôi làm được gì, tôi thiếu điều gì,… nhưng là nhìn xem tôi cần làm gì để cộng tác với ơn Chúa, và để cho Chúa làm chủ đời tôi. Chúa mời gọi tôi nhận ra cảm thức về sự bất xứng của bản thân có thể song hành với một tiếng gọi đích thực từ Thiên Chúa. Việc cảm thấy bất xứng không hề có nghĩa rằng tôi không được kêu gọi. Kinh nghiệm thiêng liêng trong lần được lãnh nhận hồng ân Tiên Khấn là một dấu ấn khó quên. Cảm nhận mình thật yếu hèn và bất xứng, nhưng tôi vẫn được Chúa yêu thương chọn gọi trong muôn người, được Chúa cất nhắc chọn làm nữ tu của Chúa. Cảm nghiệm mình được thương cách nhưng không thôi thúc tôi đáp trả lại lời mời gọi của Chúa trước những sứ vụ được giao. Và cũng giúp tôi xác tín hơn vào ơn Chúa ban cho trong hành trình dâng hiến. Lời hứa của Chúa vẫn luôn còn đó, và đang nhắc nhớ mỗi ngày, giúp tôi ý thức hơn về bản thân và về tương quan giữa mình với Chúa và với tha nhân.
KẾT
Ơn gọi của mỗi người hoàn toàn không phải tình cờ. Không phải ngẫu nhiên mà tôi được chọn bước theo linh đạo Mến Thánh Giá, được sống đời dâng hiến để yêu mến Đức Kitô Chịu Đóng Đinh hơn qua những người tôi có dịp tiếp xúc. Nhưng tất cả đều nằm trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Chúa mời gọi tôi ý thức thân phận yếu đuối của mình để cố gắng sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày. Và Chúa cũng muốn tôi phải xác tín hơn nữa về sự đồng hành, dẫn dắt như lời Người đã hứa “Ta sẽ ở với con.”