(1 Cr 15:12-20; Lc 8:1-3)
Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu Côrintô điểm “đặc trưng” của niềm tin Kitô giáo, đó là niềm tin vào việc Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại. Đây là một trong những vấn đề làm xáo động trong cộng đoàn Côrintô. Thánh Phaolô khẳng định rằng: “Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15:13-14). Đức tin Kitô giáo và lời rao giảng của người Kitô hữu được chứng thực với việc Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết. Nếu Đức Kitô không trỗi dậy từ cõi chết, thì lời đức tin của người Kitô hữu trở nên trống rỗng và lời chứng của người Kitô hữu trở nên giả dối. Chính qua sự chết và phục sinh của mình mà Chúa Giêsu mang ơn tha thứ đến cho con người, đã mở lối cho chúng ta bước vào sự sống muôn đời. Niềm tin này giúp chúng ta sống từng giây phút trên dương thế này cách tròn đầy và với trọn tình yêu dành cho Chúa và cho nhau. Tuy nhiên, làm thế nào để chứng minh cho người khác về sự phục sinh của Chúa Giêsu? Chúng ta phải sống một cuộc sống thánh thiện, tốt lành, một đời sống mới đầy yêu thương và tha thứ mà mầu nhiệm vượt qua đã mang lại cho chúng ta – chết đối với con người cũ, chết đối với tội để sống với tình yêu và tha thứ trong Đức Kitô. Chúng ta phải diễn tả điều này qua từng lời nói và hành động hằng ngày của mình.
Chúng ta thấy từ đầu Tin Mừng cho đến bây giờ, Thánh Luca nói về ơn gọi và vai trò của những người môn đệ Chúa Giêsu. Họ luôn là những người nam. Bài Tin Mừng hôm nay nói về những người môn đệ nữ của Chúa Giêsu. Đoạn trích này là một bản tóm tắt rất đặc trưng của Tin Mừng Thánh Luca, trong đó thánh sử nói về vai trò quan trọng của những người nữ. Như thường lệ, Thánh Luca bắt đầu với câu nói về mục đích chính của Chúa Giêsu, đó là “rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa” (Lc 8:1). Vương quyền của Thiên Chúa được rao giảng qua lời của Chúa Giêsu và được “nhập thể” trong nhóm người đi theo Ngài. Thánh Luca cho biết trong số những người đi theo Ngài thì nhóm Mười Hai là những thành viên đầu tiên. Họ là những người nam, là biểu tượng nói lên ý định của Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, tái thiết lại mười hai chi tộc Israel (x. Cv 26:7). Bên cạnh nhóm Mười Hai [là những người nam], là nhóm những người nữ. Đây là một yếu tố kỳ lạ vì nó sẽ đánh mạnh vào đọc giả người Hy Lạp – Rôma với cùng sức mạnh như thực tại của cộng đoàn Thánh Luca [bao gồm những người dân ngoại] đánh mạnh vào những người Do Thái cùng thời Chúa Giêsu. Nói cách khác, trong thời gian đó những người phụ nữ thường không cung cấp cho các rabbi và môn đệ của họ tiền, của cải hoặc thức ăn. Việc họ bỏ gia đình để đi theo các rabbi là điều không bao giờ nghe thấy. Hơn nữa, điều đó còn là xicăngđan. Như vậy, việc các phụ nữ được xem như những “môn đệ” đi theo Chúa Giêsu là một điều không thể tưởng tượng cho những người thời đó. Điều này cho thấy, đường lối của Thiên Chúa khác với đường lối con người. Những ai không sẵn sàng ra khỏi lối suy nghĩ hạn hẹp và quen thuộc của mình sẽ khó nhận ra và hiểu được đường lối của Thiên Chúa.
Một chi tiết khác mà chúng ta cần lưu ý là tình trạng sức khoẻ thể lý của những người nữ đi theo Chúa Giêsu. Họ được Chúa Giêsu trừ quỷ và chữa bệnh. Điều này là dấu chứng hữu hình về quyền lực của Nước Thiên Chúa được thể hiện nơi Chúa Giêsu. Thánh Luca đưa ra một hình ảnh cụ thể về quyền lực của Chúa Giêsu trên thần dữ trong trường hợp của bà Maria Mácđala. Ngài đã khôi phục sức khoẻ cho bà bằng việc giải thoát bà khỏi bảy quỷ (x. Lc 8:2). Những chi tiết này cho thấy rằng tất cả những ai đến với Chúa Giêsu đều được trử khỏi quỷ và chữa khỏi bệnh. Nói ngược lại, những ai để cho quyền năng nước trời hoạt động nơi Đức Kitô xâm chiếm mình sẽ được chữa lành mọi bệnh tật và trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta đã để Ngài trừ quỷ và chữa lành bệnh cho mình chưa?
Qua nhóm người theo Chúa Giêsu, nam và nữ, Thánh Luca ám chỉ đến Nước Thiên Chúa. Trong nước này sẽ có sự hòa giải giữa người nam và người nữ, giữa người lập gia đình và người độc thân, giữa người mạnh khoẻ và người đau yếu, giữa người giàu có và người nghèo khổ. Trích đoạn này không chỉ giàu hình ảnh về Kitô học [trình bày một Chúa Giêsu không loại trừ ai ra khỏi tình yêu của Ngài], nhưng còn giàu hình ảnh về Giáo Hội học [Giáo Hội bao trùm hết mọi người, không loại trừ ai]. Những người nữ trong Tin Mừng hôm nay là những chứng nhân của những gì Chúa Giêsu đã làm ở Galilê, trên đường lên Giêrusalem, và trong Giêrusalem, ngay cả trong bữa tiệc ly. Họ rao giảng ý nghĩa của Tin Mừng về những gì họ đã chứng kiến (x. Lc 24:7-10) và đón nhận lời hứa được đón nhận Chúa Thánh Thần (x. Cv 1-2).
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB