Linh Đạo Mến Thánh Giá Trong Bút Tích, Di Cảo Của Đức Cha Lambert

  1. Dẫn nhập

Hiện nay, ước tính có trên 300 dòng tu với Đặc sủng và Linh đạo khác nhau, đang hoạt động trong Giáo Hội Công Giáo. Mỗi Linh đạo và Đặc sủng đều hướng đến việc họa lại nét chân dung của Đức Giêsu Kitô và là một ơn lớn Thiên Chúa đã trao ban cho Giá Hội qua Đấng Sáng Lập. Tuy nhiên, để nhận ra và đáp trả lời mời gọi của Chúa, đòi hỏi các vị phải trải qua hành trình khám phá, học hỏi và cầu nguyện không ngừng. Đức Cha Lambert cũng là một trong những vị được Thiên Chúa tuyển chọn và trao ban sứ mạng khám phá đặc sủng – linh đạo Mến Thánh Giá và thành lập Dòng nữ đầu tiên tại Việt Nam mang bản sắc Á Đông.

Có thể nói, trước khi Đức Giêsu Kitô là đối tượng duy nhất của hơn 8000 nữ tu Mến Thánh Giá, thì Ngài đã chiếm trọn lòng trí của Vị Đại Diện Tông Tòa tiên khởi; cuộc Khổ Nạn và Cái Chết đau thương trên Thập Giá của Con Thiên Chúa đã là đối tượng chi phối cuộc đời, ơn gọi và sự nghiệp thừa sai của Ngài. Như đã nói, việc hình thành và phát triển đặc sủng – linh đạo Mến Thánh Giá là một quá trình tiệm tiến, là hành trình thiêng liêng của cả một đời người. Đấy là một hạt giống nhỏ bé Thiên Chúa gieo vào lòng cậu Lambert 9 tuổi[1], rồi dần dần nẩy nở, ẩn hiện trong các giờ nguyện ngắm, trong những suy tư và kinh nghiệm thiêng liêng, của Vị Giám Mục hiệu tòa …. tất cả được trình bày cụ thể, sâu sắc trong các Di cảo – di sản quý giá mà Đức Cha đã để lại cho Giáo Hội và Dòng Mến Thánh Giá.

Vì thế, việc học tập và nghiên cứu Tuyển Tập Bút Tích của Đức Cha Pierre Lambert De La Motte là một trong những phương thế hữu hiệu nhất hổ trợ việc khám phá và đào sâu Đặc Sủng – Linh Đạo Dòng Mến Thánh Giá. Với khả năng hạn chế, người viết chỉ phần nào nêu lên một vài nét Linh đạo Mến Thánh Giá trong Bút Tích, Di cảo của Đức Cha Lambert.

  1. Linh Đạo
    • Khái niệm

Theo từ điển Công Giáo, Linh Đạo là con đường thiêng liêng đưa con người đến với Thiên Chúa, Đấng Thánh Thiện, qua Đức Kitô, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Trong một định nghĩa khác, linh đạo “là một cách thế sống và thể hiện Tin Mừng. Linh Đạo giống như những phương pháp và những kim chỉ nam, để giúp Kitô hữu đem hết tâm lực là cho Giáo Hội, qua con người của họ, thực sự biểu dương Đức Kitô ngày một hoàn hảo hơn, cho các tín hữu cũng như cho lương dân”.[2]

  • Linh đạo được khắc họa trong các Di Cảo

Ngay từ những ngày đầu ấp ủ việc hình thành Hội Tông Đồ và Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá, Đức Cha đã có những ý niệm rất rõ ràng về con đường mà các hội viên phải đi. Linh đạo Mến Thánh Giá, mạng đậm đặc tính Kitô trung tâm[3] và tập trung vào ba chiều kích mà ngày nay các nữ tu Mến Thánh Giá đã chọn làm phương tiện cụ thể để sống ơn gọi và đặc sủng mà Thiên Chúa đã thương ban qua Đấng Sáng Lập.

Chiều kích chiệm niệm

Qua các bài chiêm niệm, đặc biệt là bài tự sự được viết vào năm 1668, Đức Cha cho thấy đời sống chiêm niệm là một trong những phương thế hữu hiệu nhất để “chứng tỏ một tình yêu phi thường đối với Chúa Giêsu Kitô”[4]. Đức Cha nhấn mạnh việc lắng nghe Thần Khí là điều vô cùng quan trọng trong đời sống chiêm niệm vì thế linh hồn người môn đệ luôn phải “tin Thần Khí đang ngự trong lòng mình nên linh hồn hoàn toàn chú tâm vào việc lắng nghe Thần Khí”[5] và như thế họ “chỉ cần làm theo sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần là Đấng sẽ ở lại và sư ngụ trong họ”[6]. Không những thế, một tâm thế thụ động cũng điều không thể thiếu cho những ai muốn sống đời chiêm niệm. Đối với Đức Cha, nguyện ngắm thụ động, sự tập chú nội tâm và liên lỉ là cách nguyện ngắm đầy tinh thần phó thác và tinh thần đức tin. Khi đó, con người sẽ ở trong tình trạng chết và cuộc sống của mình được ẩn dấu trong Chúa Giêsu Kitô. Đến nổi Thiên Chúa Cha của Người khi nhìn vào thân xác và cánh tay Người mượn, thì chỉ thấy trực diện các đau đớn của Con mình. Đức Cha khẳng định: “đây phải là quy tắc hướng dẫn tôi về cách ứng xử đối với trường hợp đó và dạy tôi phải giữ tâm thế hoàn toàn thụ động cả bề trong lẫn bề ngoài.”[7]. Từ đó, Ngài khuyến khích những người gia nhập Hội “Mỗi ngày suy gẫm nửa giờ về cuộc đời đau khổ, sự Thương Khó và cái chết của Đức Giêsu Kitô”[8], để nuôi dưỡng một tâm hồn có tinh thần luôn sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần và mang trong mình tâm thế thụ đồng hoàn toàn phó thác vào Chúa Kitô.

Chiều Kích Khổ Chế

Đối với Đức Cha Lambert, một “tình yêu phi thường” không chỉ hệ tại ở các việc đạo đức thánh thiện, hay lòng cảm thấy sốt mến trong các giờ kinh nguyện ngắm, mà còn hơn thế nữa, tình yêu phi thường phải được diễn tả bằng những cách thế thực sự cụ thể, khi ấy tình yêu được chuyển hóa thành một “tình yêu thực tiễn đối với Thánh Giá Con Thiên Chúa”[9]. Một trong những cách thế tốt nhất để xây dựng và vun trồng một tình yêu thực tĩnh là đời sống khổ chế; đây cũng là một trong ba chiều kích của linh đạo Mến Thánh Giá mà ngày nay các Hội Dòng vẫn đang từng ngày khám phá và hiện thực hóa lối sống cao đẹp ngày. Theo Đức Cha: “ý định của Con Thiên Chúa trong việc thành lập Hội Tông Đồ và Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta, là để tái hiện sự đau đớn và ân sủng gắn liền với cuộc Thương Khó của Người”[10]Bằng việc  “chuyên chú suy gẫm cuộc Thương Khó và thông dự những nỗi khổ đau của Người hằng ngày trong suốt cuộc đời”[11]. Đấy là lối sống khổ chế trong tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Bên cạnh đó, sống tâm tình vâng phục bên trong cũng là cách thế sống chiều kích khổ chế vì tình yêu, vì Đức Cha đã quả quyết rằng: “Khi tự ràng buộc vào đức vâng lời tột cunfgm người ấy không bao giờ được hành động theo sự thúc đẩy của bản tính tự nhiên và lý trí, nhưng chỉ do sự thúc đẩy nội tâm.[12] Quan trọng nhất, sống tinh thần khổ chế là cách bổ túc điều duy nhất còn thiếu nơi hy tế bàn thờ là phải có sự đau khổ. Đấy là con đường tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Đức Kitô trong một thân xác có khả năng chịu đựng đau khổ Chính thân xác do Chúa Kitô mượn lấy để thực hành những việc hãm mình đền tội sẽ trở thành những lễ vật được thần hóa. Bởi Chúa Cha, khi nhìn vào thân xác do Chúa Kitô mượn lấy, thì chỉ thấy trực diện các đau đớn của Con mình.[13]

Khi linh hồn kết hợp với Chúa Kito và để cho tinh thần liên lỉ thâm nhập vào tinh thần của Chúa Kitô, hoàn toàn tan biến trong Người, thì chính Chúa Kitô, không những chiếm lấy các năng lực của linh hồn, mà còn trở thành chủ nhân của thân xác người ấy, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ và đau khổ nhờ những hy sinh lao nhọc mà Người thực hiện theo ý muốn qua các lễ vật được thần hóa đó.[14] Lúc đó, linh hồn sẽ “trở nên một lễ vật hiến dâng, một lễ vật được chiếu nhận và với số phận sẽ bị tan biến vào một ngày nào đó”[15]. Đức Cha cho rằng tất cả đều được mời gọi sống tinh thần khổ chế: “Mọi hạng người đều có nghĩa vụ tối cần: phải biết ơn Chúa Cứu Thế, Đấng đã gánh chịu nhiều nỗi đau thương. Vậy, không một ai phải bị loại trừ, bất luận thuộc phái tính hay địa vị nào, miễn là họ nhiệt tình khao khát uống chén đắng Con Thiên Chúa.[16]  và “vui lòng tiếp nối nơi Ngài các việc hy sinh trong cuộc đời đau khổ của Người”. Đức Cha xác tín “Con Thiên Chúa tiếp tục cuộc đời đau khổ của Người bằng con đường tuyệt vời ấy”[17] . Vì thế “mục đích chính của Tu Hội các con là tiếp nối nơi bản thân mình cuộc đời đau khổ của Chúa Giêsu Kitô”[18]. Ngoài ra, phát xuất từ nhận thức sâu xa về sựu yếu hèn, tội lỗi của mình Đức Cha Lambert cảm thấy cần phải quyết tâm sống đời đền tội công khai bằng những thực hành cụ thể như đánh rội, ăn chay kiêng thịt suốt nắm, bệnh không dùng thuốc,…vì thế, tất cả những việc thực hành đạo đức trên đều để hãm mình, đền tội cho chính mình và cầu nguyện cho tha nhân.[19]

Chiều Kích Tông Đồ

Đời sống tông đồ là phương thế thứ ba để người nữ tu Mến Thánh Giá sống theo tinh thần đặc sủng và linh đạo của Đức Cha Lamert. Chúng ta có thể nhận thấy rằng, ngay từ những ngày đầu của lịch sử thành lập các Hiệp Hội và Hội Dòng Mến Thánh Giá, Đức Cha đã có những ý niệm, việc làm cụ thể để sống tinh thần đông đồ qua việc chuyển cầu; như có lần Ngài nói với Hai Nữ Tu đầu tiên: “hằng ngày dâng việc suy gẫm cầu nguyện của các con, nước mắt của các con, các việc làm của các con và các hy sinh của các con, để cầu xin ban cho lương dân và những Kitô hữu bất hảo được ơn ăn năn trở lại”[20].  Ngài đã từng tỏ bày : “tôi sẽ không đạt được sự trọn lành cao độ mà Chúa Giêsu Kitô đòi hỏi nơi tôi nếu tôi không thể hiện ra bên ngoài ý nghĩa của ban lời khấn nội tâm mà tôi tuân giữ hết sức mình với sự trợ giúp của ơn thánh Chúa.”[21]. Ngoài ra, thực hành những việc hãm mình: “kiêng thịt và ăn chay suốt đời”[22]. Người tông đồ có sứ mạng: “tiếp nối cuộc đời lữ thứ và hy sinh của Người cho đến tận thế ” qua việc “dâng hiến, trao gởi và cống hiến thân xác cho Đức Giêsu Kitô”[23]. Bên cạnh đó, tinh thần trung gian cũng là yếu tố quan trọng giúp người Nữ Tư sống sung mãn ơn gọi Mến Thánh Giá. Về khía cạnh này, dựa vào dự kiện của bài tự sự chương IV, nhóm nghiên cứu linh đạo đã có những nhận định rất sâu sắc như sau:Thiên Chúa đã dùng Đức Kitô làm trung gian giao ước mới và vĩnh cửu, đem lại cho loài người ơn tha tội, ơn nghĩa tử, ơn bình an và hiệp nhất để làm Nhiệm Thể Người là Hội Thánh. Người tông đồ sống theo linh đạo của Đức Cha Lambert được mời gọi thông dự vào tinh thần trung gian của Đức Kitô. Tinh thần đó phải được thể hiện trong đời sống cụ thể bằng cách phấn đấu liên lỉ, để sống trong trạng thái được giải hòa với Thiên Chúa và mọi người; thực thi giới luật bác ái và tha thứ, cách riêng đối với kẻ thù ghét và làm hại mình; đồng thời kiến tạo hòa bình và hòa giải trong môi trường mình sống và hoạt động.[24]

  • Linh đạo của Dòng Mến Thánh Giá

Đấng Sáng Lập vẫn luôn mời gọi mỗi chị em đặt đời sống chiêm niệm ở vị trí cao nhất trong Hiến chương cũng như trong đời sống mỗi người chị em Mến Thánh Giá. Bên cạnh đó, người nữ tu Mến Thánh Giá cũng được mời gọi mỗi ngày vun trồng tinh thần nguyện ngắm, để đời sống được kết hiệp mật thiết hơn với Đấng Chịu Đóng Đinh. Nhờ đó, chị em quy hướng mọi sự về Người và chọn Người là đối tượng duy nhất của lòng trí.

  1. Kết luận

Trên đây chỉ là những nét cơ bản của Linh đạo Mến Thánh Giá của Đức Cha Lambert nhằm khắc họa và mời gọi mỗi tín hữu đặt Đức Kitô là trung tâm đời sống qua ba chiều kích: chiêm niệm, khổ chế và tông đồ. Tất cả những ý định, đường hướng tốt đẹp trên, đều đã được các Hội Dòng Mến Thánh Giá hiện nay ghi nhận và đưa vào hiến chương, nội quy, định hướng phát triển của Hội Dòng. Tất cả là nền tảng, là kim chỉ nam cho con cái thiêng liêng của Đức Cha Lambert, đến nổi ta có thể thấy hình ảnh của Đấng Sáng Lập vẫn còn sống mãi trong mỗi chị nữ tu Mến Thánh Giá.

-Anawim-

Học viện Hội dòng Mến Thánh Giá Huế

[1] Nhóm NCLĐMTG, “Bài nguyện ngắm 3”, trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, tr.50

[2] HĐGMVN, “Linh đạo Đức Cha Lambert…”, trong Hiệp Thông- bản tin của Hội đồng Giám Mục Việt Nam, số 116, tr.99

[3] Kitô trung tâm, theo định nghĩa của nhóm NCLĐ trong Hiệp thông số 116.

[4] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Tự Sự”, trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, I-1 tr.58

[5] Nt,Nguyện Ngắm 4, tr12

[6] Nt, Nguyện Ngắm 1, tr46

[7] Nt, Bài Tự Sự, I,11. tr.59

[8] Nt, Bài Tự Sự V,3 tr.66

[9] Nt, Bài Tự Sự tr.64

[10] Nt, Bài Tự Sự VI,1 Tr.68

[11] Nt, Luật Tiên Khởi I,4, tr.28

[12] Nt, Nguyện Ngắm 4, tr.140

[13] HĐGMVN, “Linh đạo Đức Cha Lambert…”, trong Hiệp Thông- bản tin của Hội đồng Giám Mục Việt Nam, tr.120

[14] NT, tr.120.

[15] Nhóm NCLĐMTG, “Bài nguyện ngắm 2”, trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, tr.48

[16] Nt, “Bài tự sự”, IV,1-3 tr.59

[17] Nt, “Bài tự sự”, VII 5.8. tr. 71,72

[18] Nt, “Bức Tâm Thư”, tr. 41

[19] Nt, “Nguyện ngắm 1”, tr.460

[20] Nt, “Bức tâm thư”, tr.41

[21] Nt, “Nguyện ngắm 2”, tr.49

[22] Nt, “Nguyện ngắm 2”, tr.49

[23] Nhóm NCLĐMTG, “Bài tự sự”, trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, I,4 tr.58

[24] HĐGMVN, “Linh đạo Đức Cha Lambert…”, trong Hiệp Thông- bản tin của Hội đồng Giám Mục Việt Nam, số 131