Thánh Tử Đạo Jaccard Phan – Thiết lập Phước viện Mến Thánh Giá Dương Sơn

Thánh Tử Đạo Jaccard Phan – Thiết lập Phước viện Mến Thánh Giá Dương Sơn

Thánh Phanxicô JACCARD PHAN (1799- 1838)

Hòa chung tâm tình cùng Giáo Hội Việt Nam và  Tổng Giáo phận Huế, trong tháng 9, chúng ta kính nhớ đặc biệt và mừng lễ các thánh Tử đạo tại Giáo Phận Huế: Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu (17/9), Thánh Phanxicô JACCARD PHAN và Thánh Tôma Trần Văn Thiện (21/9). Đây cũng là dịp để chúng ta đọc lại lịch sử Cha Thánh Tử Đạo Jaccard Phan, người đã thiết lập Phước viện Mến Thánh Giá Dương Sơn.

Năm1828, Linh Mục Thừa Sai Phanxicô JACCARD  PHAN (1799- 1838) người Pháp, khi còn là chủng sinh đã trình bày với Cha Giám đốc chủng viện Thừa sai: “Con tình nguyện vào đây để đi phương xa truyền giáo.” Chịu chức Linh mục ngày 15 tháng 3 năm 1823. Tháng 10 năm 1823 Cha xuống tàu qua Việt Nam, nhưng mãi đến tháng 02.1826  Cha mới đến được địa phận Đàng Trong. Cha lấy tên Việt là Phan, hoạt động mục vụ tại Nhu Lý, Phủ Cam, sau đó giữ chức Giám đốc Chủng Viện An Ninh (Quảng Trị). Tháng 7 năm 1828, vua Minh Mạng (trong ý đồ quản thúc các Thừa sai), cha được mời vào kinh đô (Cung quán) để dịch sách cho vua. Sau đó Cha được vua Minh Mạng ban phép ở tại họ Dương Sơn cách kinh thành Huế khoảng 14 cây số để giúp việc triều đình. Lúc bấy giờ Cha JACCARD PHAN cũng được Đức Cha GB. TABERT TỪ ở Sàigòn chọn làm Cha Chính giáo đoàn kinh đô.

Sau khi đã hội ý với Đức Cha TỪ, Cha Chính JACCARD PHAN đã giải tán và đóng cửa Chủng viện An Ninh để lập một Chủng viện mới tại họ Dương Sơn vào năm 1829. Đồng thời Cha cũng đưa một số Nữ tu Mến Thánh Giá Di Loan mà trước kia đã giúp tại chủng viện An Ninh vào để tiếp tục phục vụ ở Chủng viện mới Dương Sơn. Sau đó Cha Chính JACCARD đã thiết lập tại Dương Sơn một Phước viện Mến Thánh Giá vào năm 1829, đời Minh Mạng (1820-1840).

Tạp chí Truyền Bá Đức Tin cuốn VI trang 433, khi tường thuật vụ tranh tụng điền thổ giữa hai làng Dương Sơn và Cổ Lão, vào tháng 9 năm 1830 đã nói đến việc Phước viện Dương Sơn rất khiếp sợ đối với vụ ẩu đả đó. Các nữ tu đến gặp Cha Chính JACCARD để xin ý kiến Ngài. Cha dạy các nữ tu vào nhà nguyện Phước viện mà cầu nguyện. Nhưng để được đắt lời, Cha dạy các chị phải quỳ lết từ cửa nhà thờ đến bệ bàn thờ chính. Vừa lết vừa đọc kinh cầu nguyện. Một số ít nữ tu sợ giáo dân Dương Sơn bị đập đánh thình lình không kịp lo chuẩn bị gì có lẻ sẽ bị thiệt mạng với kẻ nghịch. Nên các chị đó quăng vài bó củi ra ngoài cửa ngõ Phước viện để giáo dân Dương Sơn dùng mà hộ thân. Biết được hành vi đó, Cha nghiêm trách và dạy các chị đó phải quỳ lết mà cầu nguyện lần thứ hai.

Theo lời của hai vị Thừa sai P. Guillot (CAO) và A. Chapuis (CHÂU), chính các Nữ tu già cả đã sống trong Phước viện Dương Sơn vào năm1840, tức là 10 năm sau khi Phước viện Dương Sơn được xây cất nói rằng: Cha Chính PHAN đã thành lập Phước viện Mến Thánh giá Dương Sơn. (L. Grochet: vie du Vénérable F. Jaccard, trang 107-117, xb năm 1875.(L. Cadière và Báo Lời Thăm số 48/1924).

Phước viện Mến Thánh Giá Dương Sơn bị giải tán

Sau vụ án Dương Sơn – Cổ Lảo (1831), Cha JACCARD bị vạ lây, phủ Thừa Thiên đề nghị bản án : Tử hình giam hậu, nhưng vua Minh Mạng, vì chưa có người thay thế làm thông dịch viên, không muốn phí bỏ tài năng này, “khoan hồng” thành án sung quân, phục vụ quân đội Hoàng gia, buộc vào dinh Cung Quán dịch sách. Tu Viện Mến Thánh Giá Dương Sơn bị giải tán cùng với Chủng viện Dương sơn. Như vậy, Phước viện Dương Sơn mới thành lập được 3 năm thì bị giải tán.

Về sau đã được tái lập nhưng không biết vào năm nào ! Vì theo Lm Stanislaô Nguyễn văn Ngọc trong “Lịch Sử Các Phước Viện Chị em Mến Thánh Giá Địa Phận Huế (1719 -1967) tr.27, khi nói về số nữ tu của Phước viện Dương Sơn cuối đời Minh Mạng (18 chị), đã viết: « Mặc dù vua Minh Mạng bắt đạo gần 8 năm (1833-1840) nhưng các Phước Viện tương đối được ở yên. Cách ăn mặc bề ngoài của các Nữ tu không khác gì những người thế gian, nhà các chị không có nội cấm và mọi người được tự do ra vào với sự thỏa thuận của Bà Bề trên, các nữ tu cũng làm ruộng vườn, bán thuốc viên và làm nghề canh cửi, vá may nên không ai phá rối. Lại nữa, vì thường thường ít người để ý tới đàn bà, hơn nữa luật nhà nước xử tử những ai dám khám phá dưới áo phụ nữ » (Cha St. Nguyễn văn Ngọc).

Lại viết về CHA THÁNH JACCARD PHAN: Nhưng chỉ vài năm sau (1832), người ta tố giác cha tổ chức việc tranh tụng đất ruộng giữa hai làng Cổ – Lão và Dương Sơn, sẳn đã có sự thù ghét giữa hai làng, việc đến tai triều đình, thêm vào việc Tây dương đạo trưởng giảng tà đạo. Cha và một số anh em Công giáo Dương Sơn bị bắt về kinh. Cha ở Dinh Cung Quán (gần đồn Mang Cá) làm thông dịch các tài liệu, có cha Ôđôricô Phương dòng Phanxicô. Nhưng vua Minh Mạng vẫn câm ghét các vị, hai vị bị án xử tử, nhưng nhờ sự can thiệp của Hoàng Thái Hậu Thuận Thiên, bản án đổi thành án tù chung thân tại Lao Bảo. Tháng 5 năm 1834, Cha Ôđôricô bị chết rũ tù… Lúc cha bị giam tại Dinh Cung quán và khám đường ở Huế, các chị MTG Dương Sơn đã  cầu nguyện, lui tới thăm viếng, đem thức ăn, áo mặc và thuốc men cho cha. Từ Lao Bảo, có dịp cha cũng biên thư thăm hỏi khuyên bảo các chị MTG Dương Sơn. Lễ Tro ngày 14 tháng 2 năm 1834 Cha viết cho T.Sai DelaMotte : « …Tôi gởi lời chào thầy Ba, chú Tâm và các chị nữ tu (DS), cách riêng chị bề trên tốt lành Bường và các nữ tu đã cầu nguyện nhiều cho chúng tôi ».(ĐQT)

Tháng 9 năm 1835 vì cần người, vua cho cha về Cam Lộ để dạy tiếng pháp cho một số thanh niên vua gởi đến. Mùa Xuân 1838, Thừa sai Candalh Kim bạo gan mở lại chủng viện An Ninh, không bắt được Cha Kim, vua trút giận lên đầu Cha Jaccard cho ngài  là « kẻ thông đồng ». Họ điệu Cha về Quảng Trị, tại đây cha chịu nhiều hình khổ như: bị đánh đập, bị phơi nắng, bị tra tấn với kìm nóng, kìm nguội… để bắt Cha bỏ đạo. Cha trả lời : « Đạo của tôi không do đức vua, nên tôi không buộc bỏ đạo theo ý vua được ». Từ ngày 18 tháng 7 năm 1938 Cha bị giam chung với chủng sinh Tôma Trần văn Thiện (Trung Quán, Quảng Bình). Cha nói với chú Thiện : «Dù sao đi nữa, chúng ta cũng phải trung kiên cho đến cùng ». Và bản án Hai Vị đã về đến Quảng Trị.(*)

Thánh Tôma Trần Văn Thiện

Ngày 21.9.1838, trời vừa sáng, quan quân đã dẫn Cha Jaccard Phan cùng với chủng sinh Tôma Thiện ra pháp trường Nhan Biều (Quảng Trị). Cha J. Phan muốn thấy tận mắt sự trung thành của môn sinh trẻ tuổi, nên xin quân lính xử chú Thiện trước; sau đó, họ vòng dây qua cổ vị giáo sĩ rồi kéo mạnh hai đầu dây (xử giảo). Thiên Chúa đưa cha về dự tiệc trên trời, năm cha 39 tuổi, sau 12 năm truyền giáo ở Việt Nam, đặc biệt tại Miền Trung. Cha là một trong những vị tử đạo đã chịu cực hình lâu dài và đau đớn nhất. Bà mẹ của Cha Phan, khi hay biết đã reo lên: «Thật là tin vui, gia đình ta có vị tử đạo. Xin chúc tụng Chúa. Tôi đã sợ sẽ buồn khổ biết bao nếu con tôi bị khuất phục trước gian khổ cực hình».

Ngài được nâng lên hàng chân phước ngày 27 tháng 5 năm 1900, va được phong Hiển Thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988 dưới thời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Lạy Cha Thánh Phanxicô Jaccard Phan tử đạo, xin cầu cho chúng con.

Nt. Maria Nguyễn thị Tuyệt

Hội dòng Mến Thánh Giá Huế