Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Sáu sau Chúa Nhật XXV Thường Niên – Đối Với Tối, Chúa Giêsu Là Ai ?

(Gv 3:1-11; Lc 9:18-22)

Tác giả của sách Giảng Viên trình bày cho chúng ta mọi sự dưới bầu đều có thời của chúng, không có gì là vĩnh viễn. Hay nói cách khác, mọi sự xảy ra đều có ý nghĩa của chúng: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà” (Gv 3:1-8). Nhìn lại cuộc sống của mình, chúng ta thấy mỗi người cũng đã kênh qua những thời khắc khác nhau. Ngay cả trong một ngày sống, có khi chúng ta vui, có khi lại buồn, có khi quảng đại nhưng cũng có khi keo kiệt. Mỗi sự kiện xảy ra nối kết với nhau để tạo nên ý nghĩa của ngày sống. Chúng ta thường nghe, “không ai giàu ba họ mà cũng không ai khó ba đời.” Có chăng điều quan trọng là thái độ của chúng ta trước những sự kiện xảy ra trong cuộc sống như thế nào. Nếu luôn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận ra rằng: “Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử” (Gv 3:11). Mọi sự xảy ra đúng thời đúng lúc hầu theo thánh ý Ngài. Chỉ với con mắt đức tin chúng ta mới nhận ra được điều này vì dù trí hiểu chúng ta có siêu phàm đến đâu, chúng ta cũng không thể hiểu được mầu nhiệm thánh ý Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta cần phải vui trồng thái độ tín thác yêu thương, hoàn toàn đặt mình trong bàn tay hiền từ quan phòng của Thiên Chúa.

Như chúng ta đã thấy trong bài Tin Mừng hôm qua việc Hêrôđê “tò mò” để biết Chúa Giêsu là ai. Câu hỏi của ông được trả lời trong Tin Mừng hôm nay. Chi tiết đầu tiên mà chúng ta cần lưu ý trong hành trình “tìm cách để biết Chúa Giêsu” là việc “ở lại với Chúa Giêsu”: “Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người” (Lc 9:18). Các môn đệ cũng ở đó, trong giây phút cầu nguyện với Chúa Giêsu. Nói cách khác, Chúa Giêsu và các môn đệ đang cùng thực hiện một hành động, đó là cầu nguyện – kết hiệp mật thiết với Chúa Cha. Chính trong giây phút kết hiệp với Chúa Cha mà Chúa Giêsu “ý thức” mình là ai và như thế Ngài hỏi các môn đệ xem họ có biết Ngài là ai không: “Người hỏi các ông rằng: ‘Dân chúng nói Thầy là ai? Các ông thưa: ‘Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.’ Người lại hỏi: ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ Ông Phêrô thưa: ‘Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.’Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai” (Lc 9:18-21). Trong những lời này, chúng ta nhận ra hai giai đoạn trong việc đạt đến “kiến thức” chính xác về căn tính của Chúa Giêsu. Giai đoạn 1 là “biết về” Chúa Giêsu. Trong giai đoạn này, kiến thức được thu tập qua việc lắng nghe [hoặc đọc] những người biết về Chúa Giêsu. Chúng ta thấy điều này giống với bài Tin Mừng hôm qua. Kiến thức thu tập được trong giai đoạn này cũng quan trọng, nhưng không phản ánh cách trung thực về Chúa Giêsu vì nó mang tính “lý thuyết.” Giai đoạn 2 bắt đầu với lời mời gọi “gặp gỡ cá vị.” Giai đoạn này được gọi là giai đoạn “biết Chúa.” Yếu tố quan trọng trong giai đoạn này là “gặp gỡ cá vị” trong cùng một hành động với Chúa Giêsu [trong tương quan với Chúa Cha]. Kiến thức đạt được trong giai đoạn này là “một tương quan” chặt chẽ với Thiên Chúa chứ không phải là một mớ kiến thức trừu tượng.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý rằng dù chúng ta có được kiến thức chân thật về Chúa Giêsu trong việc gặp gỡ cá vị của Ngài, kiến thức của chúng ta vẫn giới hạn và chưa hoàn toàn đầy đủ. Trong câu trả lời của Phêrô, chúng ta nhận thấy một cái nhìn “phiến diện” về “Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Phêrô và các môn đệ “biết” đúng về Chúa Giêsu là Đấng Kitô, nhưng “hiểu” chưa đúng về Ngài. Họ hiểu Ngài là Đấng Kitô theo truyền thống Con Người Vinh Quang trong sách Đanien. Cái hiểu này chưa phản ánh trung thực về căn tính của Chúa Giêsu, nên Ngài nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. Để bổ sung cho cái hiểu phiến diện của các môn đệ, Chúa Giêsu trình bày khía cạnh thứ hai về căn tính của Ngài, đó là Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Isaiah: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9:22). Như vậy, một hình ảnh hoàn hảo về căn tính của Chúa Giêsu được thiết lập, đó là một Đức Kitô đạt đến vinh quang qua con đường đau khổ, đạt đến phục sinh qua sự chết. Đây là hai khía cạnh không thể tách rời trong “căn tính” của Chúa Giêsu và cũng là hai yếu tố không thể tách rời trong đời sống người môn đệ Chúa Giêsu.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB