Giới Thiệu Sách: Tay Trắng Tay Đen – Nhật Ký Châu Phi Của Linh Mục Cao Gia An SJ

Lần đầu tiên cầm cuốn sách trên tay, tôi bị ấn tượng mạnh bởi trang bìa. Đó là hình ảnh hai bàn tay đan chéo nhau với hai màu sắc đối lập. Thế nhưng khi khám phá nội dung, tôi lại bắt gặp những mảng màu của sự gần gũi như hoà quyện với nhau một cách mềm mại và uyển chuyển. “Tay trắng tay đen – Nhật ký Châu Phi” cuốn sách của tác giả Linh mục Cao Gia An – Dòng Tên. Ngài cũng là tác giả của nhiều cuốn sách đã được xuất bản và rất được yêu mến.

“Tay trắng tay đen” là những chia sẻ, câu chuyện thú vị về những đất nước Châu Phi mà Cha đã đi đến, những trại tị nạn mà Cha đã ở lại, cùng những em nhỏ ở nơi đây. Với một giọng văn khiêm tốn, pha vào đó nhiều chút gia vị của sự hài hước khiến cho người đọc không cảm thấy bị khô khan nhưng bắt gặp một Châu Phi với nhiều màu sắc và sống động ở cả thiên nhiên và cả con người nơi đây.

“Tôi ngồi xuống cho thấp ngang hàng với bọn trẻ” là câu nói khiến tôi ấn tượng rất nhiều. Có lẽ với Cha – một Giêsu hữu, càng ngồi xuống thấp với những đứa trẻ càng thêm giúp Cha trở nên gần gũi hơn với những con người như Linh đạo Dòng Tên của mình: Từ khi vào Dòng Tên và được huấn luyện theo hướng của Dòng Tên, tôi trở thành người thích chơi với trẻ con. Đặt mình chơi với trẻ con, tôi thấy mình là tu sĩ hơn. Trẻ con dạy tôi cách sống đơn sơ và nghèo khó, dạy tôi có một trái tim khiết tịnh để yêu thương, dạy tôi cách vâng phục để đặt mình lệ thuộc” (49. Dòng Tên và trẻ em). Cha đã học được bài học tuyệt vời này nơi Chúa Giêsu, Đấng đã cúi mình để được trở nên gần gũi với chúng ta.

Ước mong những câu chuyện trong cuốn sách sẽ là những trang sách chữa lành cho chúng ta, hay ít hơn cho chúng ta có những cái nhìn lạc quan hơn trong cuộc sống, có những trải nghiệm hơn trong hành trình thi hành sứ vụ. Những nét hoà quyện của màu sắc, những nét hoà quyện giữa con người và thiên nhiên, những hoà quyện của “tay trắng, tay đen” sẽ giúp chúng ta khám phá những chân trời rất riêng và rất mới trong tương quan với thiên nhiên, trong tương quan với các nét văn hoá, và trong tương quan với mỗi người.

Maria Phạm Thị Diễm Mong

Thỉnh sinh Hội dòng Mến Thánh Giá Huế