(Is 66:10-14c; Mt 18:1-5)
Rất nhiều người trong chúng ta ngưỡng mộ vị thánh trẻ mà Giáo Hội mừng kính hôm nay, Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, người được gọi là “Bông Hoa Nhỏ.” Cuộc đời ngắn ngủi của thánh nhân mang lại nguồn cảm hứng yêu Chúa cho nhiều người hơn là hàng ngàn hàng vạn cuốn sách của các thần học gia. Thật vậy, Thánh Têrêxa chết lúc 24 tuổi, sau khi sống trong Đan Viện Dòng Kín chưa đến 10 năm. Thánh nhân chưa bao giờ đi truyền giáo, chưa lập một dòng tu nào, cũng không bao giờ làm phép lạ khi còn sống như những vị thánh khác. Thánh nhân chỉ viết một cuốn sách duy nhất được in sau khi chết, đó là cuốn nhật ký được chỉnh sửa của ngài, “Chuyện Một Tâm Hồn.” Trong vòng 28 năm sau khi thánh nhân qua đời, dân chúng đã yêu cầu ngài được phong thánh. Linh đạo con đường bé nhỏ của thánh nhân được diễn tả trong những lời sau mà thánh nhân đã viết trong nhật ký: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ công nghệ với nhiều sáng chế. Chúng ta không cần phải cố gắng để leo lên các bậc thang. Trong những căn nhà sang trọng, đã có thang máy. Và tôi quyết định tìm một cái thang để đưa tôi lên với Chúa Giêsu, bởi vì tôi quá nhỏ bé để leo lên chiếc thang dài của sự hoàn thiện. Do đó, tôi đã tìm kiếm trong Kinh Thánh một vài ý tưởng về cuộc sống này mà tôi muốn nó sẽ là, và tôi đọc thấy những lời này: ‘Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy.’ Lạy Chúa Giêsu, chính trong vòng tay Ngài, chính là cái thang để đưa con lên Thiên Đàng. Và như thế, tôi không cần phải lớn lên: Tôi phải luôn luôn nhỏ bé và trở nên nhỏ bé hơn mỗi ngày.” Noi gương thánh nhân, chúng ta cũng hãy trở nên nhỏ bé trong vòng tay Chúa Giêsu, để Ngài chăm sóc, yêu thương và tha thứ cho chúng ta.
Cả hai bài đọc hôm nay trình bày cho chúng ta về lối sống “trẻ thơ của thánh nhân.” Đây là lối sống đã giúp ngài nên thánh. Chúng ta cùng nhau để lời Chúa hướng dẫn chúng ta, hầu bắt chước thánh nhân trên con đường nên thánh. Trong bài đọc 1, Ngôn Sứ Isaia nói về niềm vui mà Giêrusalem và những người đã than khóc Thành Đô sẽ được tận hưởng. Niềm vui này là niềm vui của những trẻ thơ được người mẹ chăm sóc: “Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về” (Is 66:12-13). Không một trẻ nhỏ nào không cảm thấy an ủi khi đang khóc mà được mẹ bồng ẵm vào trong vòng tay ấm áp. Chúa cũng luôn giang rộng đôi tay của mình để ôm ấp chúng ta mỗi khi chúng ta mệt mỏi chán chường. Liệu chúng ta có cho phép Ngài bồng ẵm và an ủi chúng ta không?
Bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta cuộc đối thoại về “quyền lực” giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh của trẻ nhỏ để dạy các môn đệ về quyền lực đích thật là gì. Nói cách khác, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh trẻ thơ để dạy các môn đệ về sự vĩ đại đích thật. Đoạn trích này có tương quan chặt chẽ giữa hiện trạng của cộng đoàn Thánh Mátthêu với mục đích cuối cùng của cuộc sống trong Nước Trời. Nó trình bày cho chúng ta về tình trạng thường xảy ra trong đời sống cộng đoàn. Thật vậy, nhiều khi trong đời sống cộng đoàn, chúng ta thường đặt nặng vấn đề quyền bính, ai làm lớn ai làm nhỏ. Nói cách khác, tiêu chuẩn để phân biệt các thành viên trong cộng đoàn là “chức vụ.” Một thực tại mà chúng ta thường cảm nghiệm là ai trong chúng ta cũng muốn được “ăn trên ngồi trước.” Điều này được phản ảnh qua chi tiết “các môn đệ lại gần Đức Giêsu” (Mt 18:1). Các học giả Kinh Thánh bị phân rẽ bởi chi tiết “các môn đệ.” Một số cho rằng “các môn đệ” ám chỉ đến toàn bộ cộng đoàn hoặc toàn bộ những người lãnh đạo trong Giáo Hội. Điều chúng ta cần lưu ý rằng trong cộng đoàn Thánh Mátthêu trong thời gian đó không có “phẩm trật,” nhưng chỉ có những người lãnh đạo có quyền trên cộng đoàn (x. 23:34).
Đứng trước câu hỏi: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu “liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và nói: ‘Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời’” (Mt 18:2-3). Chúng ta thấy có một điều gì đó không ăn khớp trong những lời trên. Các môn đệ hỏi về “vị trí lớn nhỏ trong Nước Trời,” còn Chúa Giêsu thì lại trả lời về “cách thức để vào Nước Trời,” đó là trở nên giống trẻ nhỏ. Khi trả lời như thế, Chúa Giêsu đưa các môn đệ về với vấn đề căn bản, đó là phải vào Nước Trời trước, còn vấn đề lớn nhỏ không quan trọng. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng chạy theo những điều không quan trọng mà bỏ quên những vấn đề căn bản. Hãy tìm cách vào Nước Trời trước, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả là do Chúa sắp xếp. Nhưng làm thế nào để vào Nước Trời? Theo Chúa Giêsu, phải “trở lại mà nên như trẻ nhỏ.” Chi tiết đầu tiên mà chúng ta suy gẫm trong những lời này là “việc trở nên.” Đây chính là lối diễn tả để nói về sự “thay đổi,” hay đúng hơn sự “sám hối.” Qua chi tiết này, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ đáp lại lời mời gọi của Ngài khi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến” (Mt 4:17; x. Mt 19:14). Bên cạnh đó, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh trẻ nhỏ để nói lên đặc tính mà người môn đệ của Ngài phải có, đó là sự khiêm nhường. Chúng ta cần lưu ý rằng, không phải tự bản chất trẻ nhỏ là khiêm nhường. Nhưng đặc tính nói lên sự khiêm nhường của trẻ nhỏ là “hoàn toàn lệ thuộc.” Đây chính là điều Chúa Giêsu mời gọi người môn đệ phải thực hành. Họ phải sống thái độ hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài, vì không có Ngài họ sẽ không làm được gì. Như vậy, người lớn nhất trong Nước Trời là người hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa Giêsu, là người để cho Chúa Giêsu chiếm lấy mình, sống trong mình, yêu thương trong mình, tha thứ trong mình. Đó là người sống mà “không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (x. Gl 2:20). Đây chính là con đường trẻ thơ mà Thánh Têrêxa đã sống. Thánh nhân đã hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa Giêsu; ngài để Chúa Giêsu chiếm lấy mình, không giữ lại gì cho mình.
Mấu chốt cho thấy người lớn nhất trong Nước Trời nằm ở những lời sau: “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18:4). Đây là câu trả lời của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Để làm người lớn nhất trong nước trời, người môn đệ phải “tự hạ” và “coi mình như em nhỏ.” Người “tự hạ” là người biết được giới hạn của mình để rồi biết kiểm soát khuynh hướng muốn thống trị hay muốn hơn người khác. Hai “hành động” này ám chỉ đến Chúa Giêsu, Đấng đã “tự hạ và vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá” (Pl 2:8) và là Đấng luôn “coi mình là Con trong tương quan với Chúa Cha.” Nói cách cụ thể hơn, trong những lời này, Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ rằng: Ai trở nên “giống Ngài” sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.
Chúa Giêsu kết lời dạy của mình với việc khẳng định mối tương quan giữa đón tiếp trẻ nhỏ và đón tiếp Ngài: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mt 18:5). Những lời này không chỉ hàm ý đến việc chúng ta đón tiếp trẻ nhỏ là chúng ta đón tiếp Chúa Giêsu. Điều ẩn chứa bên trong là mỗi khi chúng ta đón tiếp trẻ nhỏ, chúng ta học ở chúng thái độ “tự hạ” và “hoàn toàn lệ thuộc,” là những thái độ giúp chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu, trở nên một với Ngài. Đây là ý nghĩa câu nói của Chúa Giêsu. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường gặp và chăm sóc trẻ nhỏ. Chúng ta đã khám phá ra được con đường nên thánh theo kiểu trẻ thơ như Thánh Têrêxa chưa? Nếu chưa, hãy bắt đầu từ ngày hôm nay: Hãy bắt đầu sống “tự hạ” và “hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa Giêsu.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB