CHỊ CẢ[1]
Hôm nay, tôi xin chia sẻ với các bạn một nhân vật quan trọng đã có ảnh hưởng rất lớn trên cuộc đời của tôi. Một người khắc trong trí cũng như trong tim tôi khuôn mẫu của người nữ tu thầm lặng, khiêm nhường, kiên nhẫn và chịu khó trong mọi cảnh huống của cuộc sống. Một người đã sống lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta”. Và không ai khác đó là người “Chị Cả” của tôi.
Gia đình tôi là một gia đình đông con nhất làng trên xóm dưới. Quả thật, phải nói đúng hơn là toàn xã Quảng Hải. Nhiều người nhìn vào gia đình tôi với đôi mắt ngưỡng mộ: “Thời buổi này mà còn đẻ (sinh) con đông như thế à? Đẻ nhiều như thế thì lấy chi cho con ăn, con học?…”. Đại loại là chị em chúng tôi luôn đứng trước vô vàn câu hỏi thắc mắc của mọi người cần phải được giải đáp. Những lúc ấy, tôi thường đỏ mặt muốn chạy thật nhanh để trốn khỏi những gương mặt đầy sự tò mò của họ. Tôi thẹn thùng, xấu hổ vì chính gia đình của mình. Tôi mặc cảm vì phải sinh ra trong gia đình đông con như thư thế. Tôi nhìn vào nhà các bạn đồng trang lứa mà tôi thèm. Thế nhưng Chị tôi lại có những phản ứng trái ngược với tôi.
Chị là con cả trong gia đình. Như truyền thống trong làng tôi thường hay nói: “Con cả là cục cưng của ba mẹ”. Bởi vì biết bao tình yêu thương mà ba mẹ dành cho nhau đã được kết tinh, đơm hoa và kết trái trong chính đứa con đầu lòng. Ai thì tôi không rõ chứ nhìn vào cuộc đời chị Cả của tôi thì tôi lại cho câu nói ấy là sai trầm trọng. Là con lớn và là chị của đám em nheo nhóc Chị đã phải tập làm việc từ lúc bé. Mới đầu, Chị tập quét nhà, rửa chén, giặt đồ… dần dần làm quen với việc tắm, chăm sóc cho các em và nấu ăn phụ mẹ. Mỗi ngày ba mẹ phải đi làm từ chiều tối đến trưa tan chợ mới về. Chỉ một bàn tay Chị phải quán xuyến thay ba mẹ từ nhà vệ sinh cho tới miếng ăn, giấc ngủ của đàn em thơ ngây. Mỗi khi mẹ đi chợ về thì Chị luôn là người nhanh chân ra bưng phụ, rửa đồ và lên món nấu ăn cho gia đình mà không kể ngày học hay ngày nghỉ. Mỗi khi chúng tôi ngoan thì không sao chứ khi chúng tôi la hét, đánh nhau khóc lóc là ba mẹ lại trút hết lỗi lên người của Chị. Vậy mà Chị lại không một lời bào chữa hay thở than. Chị làm quần quật từ sáng sớm tới đêm khuya. Giờ học của Chị phải rút ngắn từng ngày. Nhiều khi Chị làm việc nhiều quá mà ngủ thiếp đi không kịp học bài. Chị cũng chẳng được hưởng một thời gian ăn chơi xứng đáng với độ tuổi của Chị như chúng bạn đồng trang lứa. Không một ai trong chúng tôi (những người em của Chị) cảm nhận được những khó nhọc mà Chị đang phải gánh và trải qua. Chúng tôi hồn nhiên tới mức vô cảm trước những gánh nặng của Chị. Chúng tôi chỉ biết ăn chơi và sai khiến Chị phải làm giúp chúng tôi đủ thứ như: bới cơm vào tô cho mỗi chúng tôi theo sở thích từng đứa, có khi thì bắt Chị phải bọc sách vở và viết nhãn giùm bởi vì chữ Chị rất đẹp, cũng có lúc phải đi lấy cái kia cái nọ giúp… Chúng tôi chỉ biết mong muốn Chị đáp ứng hết mọi nhu cầu có khi là vô số ước muốn quái gở của đám em chúng tôi. Có nhiều lần tôi bắt gặp được những hành động, lời nói nhẹ nhàng của Chị đối với mọi người xung quanh. Chị rất vui vẻ và ân cần trả lời cho những chất vấn của những bà, cô hàng xóm về gia đình đặc biệt của chúng tôi. Chị cũng là người có tấm lòng cao thượng khi biết nhạy bén giúp đỡ người khác.
Và tôi cũng đã được nghe rất nhiều phản hồi tốt của mọi người về Chị: “Con bé này ngoan và chịu khó nhất làng của mình rồi đấy! Tôi nói thật với các bác chứ, con bé này tương lai đi tu là cái chắc. Con bé này nhìn người ốm vậy chứ nó biết quán xuyến hết mọi việc trong nhà thay mẹ nó đó. Ai mà lấy được nó là phúc cho cả dòng họ…”. Khi nghe những lời ấy bỗng dưng trong người tôi trổi lên niềm tự hào về Chị. Có khi tôi còn khao khát được trở nên người như Chị. Cũng có lúc tôi ghen tỵ cái tính hiền lành, chịu thương chịu khó của Chị nữa. Thật sự “Không ai cho người khác mà mình không có bao giờ”. Hơn bao giờ hết tôi thấy Chị tôi rất giàu có về mọi thứ như: giàu về sức khỏe; giàu về tình yêu; giàu về sự quảng đại; giàu về sự chịu khó, kiên nhẫn; giàu về lòng vị tha… Không một ai tiếp xúc với Chị mà không cảm nhận được một vẻ đẹp của sự đơn sơ, trong sáng và đầy tình yêu thương.
Mặc dù phải bận rộn với trăm công nghìn việc nhưng không một buổi tối nào mà Chị lại không qui tụ các em lại đọc kinh, lần hạt theo lời mẹ dặn. Nếu tối nào mà chúng tôi đi nhà thờ trong Giáo Họ thì thôi. Còn bằng không là Chị dỗ dành từng đứa một tới bàn thờ Chúa và Mẹ đọc kinh. Chị bảo: “Chị em mình phải trung thành đọc kinh mỗi ngày để cầu xin Chúa và Mẹ chúc lành và ban ơn cho gia đình chúng ta. Chúng ta phải cầu nguyện để ba mẹ được Chúa ban sức khỏe để làm việc kiếm tiền nuôi chị em mình. Cũng như cầu nguyện để Chúa cho chị em mình biết sống yêu thương nhau…”. Nhờ những lời cầu nguyện đơn sơ nhưng đầy lòng tin cậy mến ấy đã ăn sâu trong tiềm thức, cũng như là lương thực nuôi dưỡng đức tin của mỗi người em như tôi. Giờ đây, tuy đã lớn nhưng tôi luôn nhớ rõ như in từng lời một mỗi khi ngồi cầu nguyện riêng. Tôi thầm cảm ơn Chúa đã cho chúng tôi một người Chị Cả cao quý và tốt lành thánh thiện đến thế. Không có Chị thì không biết tuổi thơ của những người em như tôi sẽ như thế nào và tương lai sẽ hư hỏng ra sao?
Qua đời sống của Chị Cả đã giúp tôi học được nhiều điều quý giá và tốt lành mà không một trường lớp nào đã dạy tôi. Một tinh thần vững mạnh và kiên trung trong tình yêu và lòng mến. Một sự quảng đại trao ban với sự cởi mở, vui vẻ hướng đến vì niềm vui và hạnh phúc của tha nhân. Một tâm hồn luôn ưu tiên dành chỗ tốt nhất trong trái tim mình cho Chúa và gia đình. Và câu nói tiên tri năm ấy của cô hàng xóm đã thành hiện thực. Chị đã trở thành người nữ tu đích thực trong linh đạo của Dòng Phaolô. Một nữ tu được chị em trong Dòng hết sức quý mến và tôn trọng.
Còn rất nhiều điều tôi muốn kể về Chị Cả của tôi nhưng giờ tôi phải dừng bút. Bởi vì tôi muốn xin giữ lại những kỷ niệm riêng tư giữa Chị và tôi. Tôi muốn những điều ấy chỉ có ba người chúng tôi biết mà thôi. Đó là chính Chúa, Chị và chính tôi. Và tôi cũng xin bật mí với các bạn một điều bí mật này: “Chính Chị là người ngợi hứng và dẫn tôi bước đi trong ơn gọi Mến Thánh Giá đến giờ phút này”.
Tôi muốn xin gửi đến Chị của tôi một lời: “Cảm ơn Chị vì Chị là chị của em. Và em cũng cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi làm em của Chị!”.
[1] Chữ “cả” trong tiếng Việt có nghĩa là lớn, to lớn (cả giận, cả gan, ao sâu nước cả…), còn có nghĩa khác là tất cả, bao gồm (cả lớp, cả nhóm, cả đời…). Người miền Bắc gọi “anh Cả”, “chị Cả” nghĩa là anh lớn, chị lớn, người được sinh ra đầu tiên trong gia đình. Trong khi đó, người miền Nam không gọi “anh Cả”, “chị Cả” mà gọi là “anh Hai”, “chị Hai”. (Https://baocamau.vn/tai-sao-nguoi-mien-nam-goi-anh-ca-la-anh-hai–a5375.html)
MeLi
Học Viện Mến Thánh Giá Huế