Người Nhật vốn có một bộ tượng nổi tiếng tên là “Tứ Không”; bao gồm bốn điều: không nhìn, không nói, không nghe và không động. Qua đó cho thấy, bốn cử chỉ: nhìn, nói, nghe và động vốn là bốn động tác quan trọng của con người. Tuy nhiên, bài viết này không khai triển sâu vào bốn điều nói trên nhưng chỉ dừng lại với cái nghe, đúng hơn là việc “Lắng nghe tích cực,” . Vấn đề được đặt ra là trong việc lắng nghe tích cực, liệu rằng chúng ta sẽ dễ dàng lắng nghe tất cả mọi thứ âm thanh xuyên qua lỗ tai hay chúng ta sẽ bịt tai lại và không nghe điều gì như một trong “Tứ không” của người Nhật? Để làm rõ cho đề tài này, trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu một cái nhìn chung về việc lắng nghe, tiếp đến là việc lắng nghe bản thân, lắng nghe người khác và lắng nghe Thiên Chúa.
1. Cái nhìn chung về việc nghe và lắng nghe
Theo tác giả Nguyễn Lân: “Nghe là nhận được tiếng bằng tai, là sự cảm nhận được bằng tai ý của người nói”[1]. Với đôi tai, mỗi ngày, chúng ta nghe rất nhiều âm thanh, thông tin từ người khác cũng như từ các phương tiện truyền thông để có kiến thức, hiểu biết, nhìn nhận và đánh giá vấn đề. Tuy nhiên, nhiều lúc chúng ta nghe mà không hiểu; bởi chỉ nghe phớt lờ, nghe giả vờ, nghe có chọn lọc, nghĩa là mình cũng đang nghe nhưng không biết đang nghe cái gì, không lưu tâm, hay chỉ nghe vì phép lịch sự.
Lắng nghe, ngược lại, là một kỹ năng, là nghệ thuật. Nó được ghép bởi 2 từ “LẮNG” và “NGHE”. Nói rõ hơn, mỗi người để tâm mình tĩnh lại, lắng xuống trước; sau đó nghe và tiếp nhận lời nói của người khác, không chỉ qua thính giác mà bằng cả trái tim, bằng sự đồng cảm[2]. Chúng ta nghe cách chăm chú, tập trung, đặt mình vào vị trí của người nói để cảm nhận được tình cảm, tâm tư, và mong muốn của người nói. Thật không dễ gì để có thể lắng nghe nếu như mỗi người không có thói quen thực hành kỹ năng này và luyện tập mỗi ngày.
2. Lắng nghe bản thân
Người xưa đã nói: “Biết người, biết mình, trăm trận trăm thắng”. Các nhà đạo đức cũng thường nói: “Biết mình là đầu mối khôn ngoan”, là điều kiện trước tiên của mọi sự hoàn thiện. Nói cách khác, chính chúng ta phải hiểu và biết bản thân mình, lắng nghe cơ thể mình đang cần gì, mong muốn điều gì và cần thay đổi những gì, trước khi đến với người khác.
Về mặt thể chất, cơ thể ta luôn có những lần lên tiếng. Đó có thể là những dấu hiệu tốt, hoặc đôi lúc là những lời cảnh báo cho ta. Chẳng hạn, nếu thấy mình đau đầu, đau dạ dày; không tập trung và hay quên; khó ngủ; hay ốm vặt… thì nên dừng lại và tự hỏi cơ thể mình đang gửi thông điệp gì. Thỉnh thoảng mình cảm nhận da mặt sần sùi, làn da xanh xao, mặt tái. Phải chăng cơ thể mình đang thiếu chất? Hay là đôi chân không còn nhanh nhẹn như trước, lưng đau, gối mỏi, mắt không nhìn thấy rõ. Có lẽ đây là triệu chứng của tuổi già, mình nên cẩn thận khi đi lại hơn. Như thế, cơ thể của ta đang nói mỗi ngày nhưng liệu chúng ta có quan tâm, có chịu khó dừng lại để nghe và nhận ra những dấu hiệu khác thường nơi bản thân hay không. Mỗi người phải yêu lấy bản thân, chăm sóc, lắng nghe cơ thể mình đang muốn gì bởi “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh của Ngài” (St 1, 27). Cách đặc biệt, một tu sĩ, với lời khấn nghèo khó, được mời gọi sống tinh thần đạm bạc, sẻ chia, vui lòng chấp nhận những gì Bề trên phân phát và không nên thỉnh cầu những đặc ân vật chất khác thường (x. HC. đ. 23), nhưng không có nghĩa chúng ta được phép bỏ bê bản thân, đau cũng im lặng, chịu đựng; muốn bồi dưỡng vì làm việc quá sức cũng không dám trình bày. Nhưng như Hiến chương, điều 23 đã dạy, chị em hãy khiêm tốn, cởi mở, đối thoại, chia sẻ để Bề trên nghe được những suy nghĩ của chúng ta và có thể đáp ứng trong mức có thể. Chị em hãy lắng nghe nhau như lời Hiến chương khuyên bảo: Bề trên lắng nghe bề dưới và ngược lại, các chị em hãy sẻ chia với Bề trên để thông cảm và yêu mến nhau hơn (x. HC. đ.34). Nhờ đó chị em có một sức khỏe tốt để thi hành sứ mạng.
Bên cạnh đó, về mặt tinh thần, những cảm xúc buồn chán, trống rỗng, thất thường, hay lo âu hoặc hạnh phúc cũng mang một thông điệp nào đó khiến ta cần để tâm. Là một nữ tu, sống trong một cộng đoàn, mọi việc đã được sắp xếp sẵn: nghe chuông thì thức dậy, tham dự Thánh lễ, đọc kinh, làm việc, đúng giờ thì ăn cơm… Nhiều lúc chúng ta làm như một thói quen, mà vô tình tạo nên sự nhàm chán cho bản thân. Có khi nào chúng ta tự hỏi: tại sao tôi không thấy điều gì mới lạ trong ngày sống? Tại sao mình thiếu ý chí vươn lên và rồi cảm thấy mệt mỏi và thiếu sự sáng tạo hưng phấn cho ngày mới? Và thật đáng buồn nếu lạc mất mục đích của cuộc sống. Mỗi người hãy tập lắng để nghe những cảm xúc đang chảy trong tâm hồn; để tìm ra nguyên nhân; và để mỗi người có cơ hội nhìn lại thái độ sống của mình, để hiểu mình hơn, làm chủ được chính mình, khi đó mình có thể phát huy những điều tích cực và khắc phục những sai lầm.
Còn về mặt tính dục, tự bản chất, mỗi người đều được phú bẩm khả năng sinh dục và được nhận thức, phát triển qua từng giai đoạn. Với tuổi thơ, các trẻ nhi đồng chưa có ý thức về tính dục; nhưng đến tuổi dậy thì, người thiếu niên thiếu nữ bắt đầu có sự tăng trưởng hoocmôn sinh dục dẫn đến những biến đổi trên cơ thể cũng như sự hướng về người khác và hấp dẫn phái tính. Đến tuổi trưởng thành, người trẻ có nhu cầu xây dựng các mối tương quan, sự đáp ứng nhu cầu tình dục. Là những người sống đời thánh hiến, nếu chúng ta không biết, không lắng nghe để cảm nhận những thay đổi của cơ thể, sự thất thường của cảm xúc thì sao hiểu được cơ thể đang muốn gì. Và nếu không hiểu cơ thể mình thì thật khó để có một cuộc sống lành mạnh, an vui; và rất dễ sống theo tiếng nói của bản năng, hành xử thiếu khôn ngoan. Như thế hoặc chúng ta sẽ sống cách ý thức, hoặc bối rối trong vòng luẩn quẩn của nhu cầu tình dục. Chúng ta sẽ khó đón nhận con người của mình và cả chính những người chị em, nhất là lúc họ gặp khó khăn với lời khấn khiết tịnh.
Thật vậy, có chăm sóc, có quan tâm và tự yêu bản thân thì trong quá trình đó ta mới lắng nghe cơ thể được nhiều hơn. Hiểu được bản thân; nhận ra những cung bậc cảm xúc của mình; thấy được những nhu cầu, khát vọng nơi chính mình thì cũng sẽ dễ dàng đón nhận và cảm thông với những lầm lỗi, khuyết điểm của người khác. Lắng nghe bản thân- một việc làm tuy đơn giản nhưng cần thiết và cũng dễ bị lãng quên hoặc khó bắt tay vào thực hiện.
3. Lắng nghe người khác
Ít nhiều trong cuộc sống, đã có những lần chúng ta được yêu cầu lắng nghe tâm tư của một người bạn, một người chị em, thậm chí, từ phía giáo dân. Trong những năm tháng mục vụ, chị em cũng nhận thấy được rằng: anh chị em giáo dân thích đến chia sẻ với các chị về mọi việc trong cuộc sống như gia đình, con cái, đời sống đạo… niềm vui và cả nỗi buồn. Bên cạnh đó, với sứ mạng của người nữ tu, chị em chúng ta đi thăm viếng, động viên, lắng nghe, chia sẻ với những người neo đơn, bệnh tật và các gia đình trong giáo xứ. Có những lúc chị em cũng tự hỏi: tôi nên nói gì khi gặp cụ bà A, tôi trả lời những thắc mắc của anh B đã đúng chưa, hay tôi không muốn nghe chị C hàn huyên tâm sự bởi đời tư của chị không mấy tốt đẹp và thậm chí tránh mặt vì một ai đó cứ đến mãi làm mất thời gian của tôi quá…Và kết quả của những lần tiếp xúc, gặp gỡ đó là gì? Phải chăng là mang lại sự bình an cho họ hay là thêm một lần nữa chị em chúng ta đang xát vào vết thương của họ bằng sự phớt lờ, sự thiếu thiện cảm, thiếu lắng nghe, và sẻ chia của mình?
Và ngay trong đời sống cộng đoàn, đôi lúc, ngày sống cũng trở thành một gánh nặng, áp lực cho người chị em, bởi sống trong một nhà nhưng lại thiếu tiếng nói chung, thiếu sự chia sẻ, tin tưởng và cảm thông. Đôi lúc chúng ta tự tra vấn: Tại sao chị không hiểu mình? Tại sao mình đau, mệt mỏi mà chị không một lời hỏi thăm lại còn nói nặng nói nhẹ? Tại sao em mình lại hành động nông cạn thế?… Những câu hỏi tại sao cứ thế xuất hiện và sẽ trở thành ý nghĩ tiêu cực về người chị hay em nếu không có sự đối thoại, lắng nghe nhau. Chúa ban đôi tai để chúng ta biết lắng nghe nhiều hơn phải không? Giữa những ồn ào lo toan của cuộc sống, chúng ta có lắng nghe được những điều thổn thức trong trái tim của người chị, người em hay những ai đến với mình không? Mình đã từng trải qua những cảm xúc như thế nào khi được một ai đó thật sự lắng nghe?
Trong Thánh Kinh, thánh Gia-cô-bê tông đồ đã nhắn nhủ: “Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói” (Gc 1,19). Sách Châm Ngôn cũng đề cập đến thái độ của người khôn ngoan đó là biết lắng nghe: “Người khôn ngoan hãy nghe để được thêm kiến thức; người hiểu biết hãy nghe, và sẽ tìm được lời hướng dẫn” (Cn 1,5). Mau nghe và chậm nói là thái độ khôn ngoan mà thánh Tông đồ muốn con cái mình noi theo. Chính lúc lắng nghe là lúc chúng ta vừa tránh được những sai lầm đáng tiếc, học hỏi được nhiều điều hữu ích cho bản thân, cũng vừa hiểu biết anh chị em mình hơn. Tuy nhiên, thật không dễ gì để có thể lắng nghe. Chỉ có tình yêu mới giúp chúng ta có thái độ cần thiết ngay từ khoảnh khắc tiếp xúc ban đầu. Nhiều người đến với nữ tu bởi họ cần sự lắng nghe, sự thấu cảm; thậm chí, họ chỉ muốn có người ngồi đó để nghe họ nói và cần một cái nắm tay. Thế là đủ.
Max Warren, một nhà thần học, đã dùng một hình ảnh rất đẹp nói về các nhà truyền giáo là trước khi bước vào khu vườn của người khác, bạn nên “cởi giày ra”[3]. Ngài ví tâm hồn của mỗi người như là một khu vườn. Nhà truyền giáo muốn tiếp cận một ai đó, trước hết họ phải có thái độ tôn trọng, tin tưởng cũng như bỏ qua một bên văn hóa, tập quán, suy nghĩ, áp đặt của bản thân, những quy tắc, cái tôi của chính mình khi đến với người khác và mở rộng trái tim mình để chấp nhận người khác như họ là. Chính điều đó giúp ta dễ dàng biết, hiểu người khác, cảm thông để từ đó nhận ra khu vườn tâm hồn của họ đang bị tổn thương ở đâu, và ước muốn của họ là gì. Mỗi chị em chúng ta cũng vậy, là những Kitô hữu, những nhà truyền giáo đang khám phá, tiếp xúc, và bước vào khu vườn của anh chị em mình. Khu vườn đầu tiên, đó là cộng đoàn của mình với những chị những em không cùng huyết thống, giọng nói, vùng miền…Hãy để lại bên ngoài tất cả mọi sự mình có và chạm vào tâm hồn chị em bằng hành động lắng nghe cách chăm chú, cách tôn trọng để thấu hiểu, để yêu mến và từ đó biết chia sẻ công việc, và thông cảm cho nhau hơn, cũng như giúp nhau vượt qua những khó khăn thách đố của đời tận hiến. Lắng nghe tích cực, lúc này, thật sự trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc chữa lành.
4. Lắng nghe tiếng Chúa
Lắng nghe tiếng Chúa là nền tảng cho mỗi người bởi Chúa sẽ chỉ cho chúng ta biết được chúng ta là ai; cách hành xử của chúng ta như thế nào, có chuẩn mực không; và chính Chúa sẽ giúp ta lắng nghe người khác như thế nào để mang lại kết quả tốt đẹp. Thiên Chúa là chủ của muôn loài, là Đấng sẽ đưa con người nên hoàn thiện “như Cha trên trời là Đấng Hoàn thiện” (Mt 5, 48). Nhưng thật không dễ gì để nghe được tiếng Ngài. Sự ồn ào của môi trường xung quanh; những lo toan của cuộc sống; những con sóng của sự đố kỵ, ghen tuông, tham sân si của con người… làm tâm hồn chúng ta không bao giờ được yên. Những tiếng nói ấy quá mạnh lấn át tiếng nói của Chúa. Để rồi từ đó mất phương hướng, ngã gục, buông xuôi tất cả với nỗi đau. Thậm chí có những đêm tối của đức tin, chúng ta kêu cầu lên Chúa và chẳng xin Ngài điều gì, chỉ mong Ngài lắng nghe và đáp trả lại như một sự an ủi trong lúc tâm hồn đau khổ, nhưng rồi chúng ta chỉ nghe tiếng mình đang vọng lại. Phải chăng Thiên Chúa không nghe, Ngài không đáp trả hay Ngài đáp trả nhưng mình không nghe. Giữa sự lan tràn của virus Corona hiện nay và sự tàn phá của nó, nhiều người trong chúng ta đặt câu hỏi “tại sao?” Tại sao lại có đại dịch này? Tại sao Chúa để cho dịch bệnh xảy ra? Tại sao Chúa không can thiệp khi chúng ta kêu cầu? Và chúng ta kêu gào lên: tại sao Thiên Chúa im lặng?
Thiên Chúa có thật sự im lặng hay chính chúng ta quá ồn ào để không nghe thấy tiếng thì thầm mỗi giây phút của Chúa. Giáo lý chúng ta dạy rằng: Thiên Chúa nói với con người qua Thánh Kinh, vạn vật, các vị chủ chăn trong Hội Thánh, và qua tiếng nói lương tâm của mỗi người. Cả thế giới này là một cuốn sách chứa đựng thông điệp của Chúa nhưng liệu con người có dành chút thời gian để suy ngẫm, có đủ nhạy bén để nhận ra ý Chúa không?
Khi bước vào nhà Tập nhặt, chị em chúng ta dường như đi vào một không gian khác, có thể nói như một sự cách ly xã hội với việc rất ít liên lạc, tiếp xúc với mọi người; sống trong một bầu khí khá tĩnh lặng để tập trung vào việc học cách lắng nghe tiếng Chúa, đắm chìm trong tình yêu của Chúa để từ đó có một nền tảng vững chắc cho đời tu, cho sự dấn thân vì sứ mạng sau này. Sau khoảng thời gian riêng tư với Chúa, chị em chúng ta được sai đi phục vụ ở các giáo xứ và những ngày tháng sau này cũng vậy. Chị em sống giữa đời với những ưu tư lo lắng trong vấn đề mục vụ; sự bận rộn của công việc hàng ngày, sự mệt mỏi trên thân xác cùng với những áp lực khác, đặc biệt vào các dịp lễ lớn đã vô tình tạo nên một khoảng cách vô hình giữa chị em chúng ta với Thiên Chúa. Mặc dù những giờ thiêng liêng chúng ta đều tham dự đầy đủ; những giây phút hồi tâm để nhìn lại một ngày qua…nhưng khó có thể lắng nghe được tiếng Chúa bởi “thân xác hiện diện nhưng lòng trí lại đi chu du ở một phương trời xa”. Để tái lập lại mối tương quan, tình yêu thuở ban đầu với Đấng Tình Quân, chị em chúng ta đi vào những ngày sa mạc: tĩnh tâm, linh thao. Đây là thời gian quý báu bởi chính lúc này đây chúng ta tạm gác mọi sự để chỉ dành thời gian nghỉ ngơi thân xác và bồi dưỡng tâm hồn. Chính lúc này đây chúng ta sống trong bầu khí tĩnh lặng bên ngoài cũng như bên trong để một lần nữa học cách lắng nghe tiếng Chúa. Chính lúc này đây với ơn Chúa, chúng ta nhận ra mình là ai, mình đang theo đuổi điều gì, mình đang sống cho ai, mình đang cộng tác trong công trình Cứu chuộc của Ngài như thế nào; Chúa đang thực sự nói gì với mình. Từ tận sâu thẳm của tâm hồn mỗi người, Chúa đang ở đó và chờ đợi từng người đến để Ngài ngỏ lời. Đức thánh cha Phanxicô đã nói rằng:“Trước hết là phải biết thinh lặng: hãy thinh lặng và quan sát. Sau đó, hãy suy tư và phản tỉnh.” [4] Chỉ trong không gian của sự thịnh lặng, chúng ta mới lắng nghe tiếng Chúa. Chúa vẫn ở đó, và muốn nói nhiều điều với con người. Với sự đơn sơ, chân thành cộng với việc thinh lặng, suy tư phản tỉnh và cầu nguyện, hy vọng mỗi người đọc được thông điệp của Chúa. Thật vậy, tiếng Chúa có khi dữ dội nhưng cũng có lúc nhẹ nhàng. Sách các Vua đã mô tả Chúa đến với tiên tri Êlia không phải ngang qua cơn gió mạnh, cũng không qua trận động đất, hay núi lửa nhưng là tiếng gió hiu hiu: “Vừa nghe thấy tiếng gió hiu hiu Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang” (1V 19,12). Lắng để tâm được lặng, và lúc đó chúng ta thực sự nghe được tiếng thì thầm của Chúa. Một sự lắng nghe không phải bằng đôi tai nhưng là sự cảm nhận của con tim, sự khát khao của tình yêu, sự chờ đợi trong hy vọng để rồi nhận lại được sự bình an nội tâm, một sự an ủi thiêng liêng mà không ai có thể ban tặng ngoại trừ Thiên Chúa.
“Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”, có lắng nghe thì chúng ta mới thấu hiểu. Lắng nghe- đó là một nhu cầu mà ai cũng mong muốn, khát khao; ai cũng cần được sẻ chia và quan tâm. Tạ ơn Chúa đã ban cho mỗi người chúng con có đôi tai, xin cho chúng con biết dùng nó như phương tiện chữa lành chính mình và cả anh chị em chúng con nữa: Lắng nghe chính mình – lắng nghe người khác – lắng nghe Thiên Chúa.
Và thay cho lời kết, xin quý chị em cùng suy ngẫm về lời bài hát “Lặng” mà ca sĩ Hiền Thục đã trình bày:
Lặng để nghe tiếng Chúa, nói trong, trong tâm hồn ta
Lặng để nghe Chúa nói, Thánh Giá ta mang vì ai
Lặng để nghe tiếng Chúa, khóc, khi ta vô tình quay đi
Nhiều khi vấn nghi ơn Chúa trên bao ngày qua.
Lặng để ta thấy Chúa, bước đi song song cùng ta
Lặng để ta thấy Chúa, đau đớn hơn ta khổ đau
Lặng để ta thấy Chúa, sớt chia bao vui buồn không tên
Ngài luôn ở bên, con có hay đâu Ngài ơi.
Nt. Anna Nguyễn Thị Anh Thư
[1] Kỹ năng lắng nghe- nâng bước thành công, http/www.ukh.edu.vn (25/03/2019).
[2] X. Minh Niệm, Hiểu về trái tim: Lắng nghe (Nhà xuất bản tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2010).
[3] Stephen B. Bevans & Roger P. Schroeder, Prophetic Dialogue, (Philippines: Logos Publications, Inc, 2012), p.76
[4] Dịch virus Covid-19 có phải là dấu chỉ của thời đai? https://tgpsaigon.net (13/03/2020).