(Cv 1:12-14; Lc 1:26-38)
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Mẹ Mân Côi. Thánh lễ này đưa chúng ta về thời gian lịch sử đầy sóng gió của Giáo Hội, nhất là trong trận chiến Lêpantô. Chính chuỗi mân côi đã mang lại bình an cho Giáo Hội. Sự phát triển của chuỗi kinh Mân Côi trải qua một quá trình lịch sử dài. Trước tiên, chuỗi kinh được bắt đầu với lối thực hành đọc 150 Kinh Lạy Cha của các Giáo Phụ để phỏng theo 150 Thánh Vịnh. Sau đó, song song với lối thực hành trên là lối thực hành đọc 150 Kinh Kính Mừng. Không lâu sau đó, một mầu nhiệm về cuộc đời của Chúa Giêsu được gán cho mỗi Kinh Kính Mừng. Mặc dù việc Đức Mẹ trao chuỗi Mân Côi cho Thánh Đa Minh được chấp nhận như một truyền thuyết, sự phát triển của chuỗi Mân Côi mắc nợ những người môn đệ của Thánh nhân, một trong số đó là Alan de la Roche. Người này được biết đến như là “vị tông đồ của chuỗi Mân Côi.” Alan thiết lập hiệp hội Mân Côi đầu tiên vào thế kỷ 15. Vào thế kỷ 16, chuỗi Mân Côi được phát triển thành hình thức như chúng ta đọc ngày hôm nay – với 15 mầu nhiệm [ngắm], chia ra làm ba mùa: vui, thương, và mừng. Năm 2002, Thánh Gioan Phaolô II thêm vào năm mầu nhiệm sự sáng. Như vậy, chuỗi Mân Côi chúng ta có hôm nay gồm 20 mầu nhiệm về cuộc đời của Chúa Giêsu, và được chia ra làm bốn mùa: Vui, sáng, thương và mừng.
Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta vai trò quan trọng của Mẹ Maria ở giữa các môn đệ sau khi Chúa Giêsu lên trời. Mẹ như một người mẹ dịu hiền hiện diện giữa con cái mẹ [hiện diện với Giáo Hội] ngay từ buổi đầu. Mẹ cũng “đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện” cùng với các môn đệ (x. Cv 1:14). Mẹ hiện diện với Giáo Hội tiên khởi trong giây phút chờ đợi lời hứa của Chúa Giêsu, đó là ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, Đấng đã rợp bóng trên Mẹ và làm cho Mẹ cưu mang Chúa trao ban cho nhân loại. Thì bây giờ, Mẹ cũng hiện diện với các môn đệ để chuẩn bị họ cho việc “rợp bóng” của Chúa Thánh Thần hầu họ có thể mang Chúa trao ban cho mọi người đến tận cùng trái đất.
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về việc truyền tin của Thiên Thần Gáprien cho Mẹ Maria. Câu chuyện truyền tin này cho thấy hành trình đức tin [hành trình lên trời] của Mẹ. Hành trình của mẹ bắt đầu với một tình yêu con người. Điều này được diễn tả qua việc Mẹ là một trinh nữ “đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít” (Lc 1:27). Tình yêu con người này được thăng hoa và biến đổi qua tình yêu Thiên Chúa. Đây là một bước ngoặt lớn trong hành trình đức tin của mẹ. Bước ngoặt này được bắt đầu với một lời chào và tiếp tục với một cuộc đối thoại, và kết thúc với lời “xin vâng.”
Điều xảy ra đầu tiên trong bước ngoặt đời Mẹ Maria là lời chào của Thiên Thần Gáprien: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1:28). Những lời này chứa đựng ba điều quan trọng nhất cho hành trình của Mẹ Maria [và của mỗi người chúng ta], đó là niềm vui, ân sủng và Thiên Chúa ở cùng. Hai yếu tố thứ nhất là hoa quả của yếu tố thứ ba. Nói cách khác, chúng ta chỉ có được niềm vui đích thật và ân sủng khi có Chúa ở cùng [hoặc vì có Chúa ở cùng nên chúng ta có niềm vui và ân sủng]. “Đức Chúa ở cùng” là điệp khúc thường được lặp lại trong Cựu Ước khi Đức Chúa chọn và sai một người nào đó để thực hiện một sứ mệnh Ngài trao. Khi nghe những lời này, Mẹ ngạc nhiên, “bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có ý nghĩa gì” (Lc 1:29). Mẹ bối rối và tự hỏi vì Mẹ nhận ra thân phận tôi tớ hèn mọi của mình mà được Đức Chúa ghé mắt nhìn đến. Mẹ bối rối và tự hỏi vì Đức Chúa muốn gì trên cuộc đời Mẹ. Đức Chúa cũng luôn ở cùng chúng ta, vì đó là điều Chúa Giêsu đã hứa trước khi Ngài được đưa về trời: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Như vậy, mỗi ngày Chúa cũng chọn và sai chúng ta đi thực hiện sứ mệnh yêu thương và tha thứ Ngài trao. Chúng ta đã thực hiện sự mệnh này như thế nào?
Điều thứ hai là cuộc đối thoại giữa Thiên Thần và Mẹ Maria. Trong cuộc đối thoại này, Thiên Thần đã giải thích cho Mẹ tất cả những gì làm Mẹ bối rối và tự hỏi. Thiên Thần bắt đầu với lời trấn an Mẹ: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1:30). Đứng trước một sứ mệnh vượt trên sức con người, ai trong chúng ta cũng cảm thấy sợ hãi. Điều này cũng xảy ra với Mẹ và Thiên Thần đã trấn an Mẹ. Mẹ đừng sợ vì Mẹ được đẹp lòng Thiên Chúa. Đây là lời mời gọi và cũng là thách đố cho mỗi người chúng ta: khi đứng trước toà Chúa vào ngày phán xét, mong rằng chúng ta cũng không sợ hãi vì chúng ta đã được đẹp lòng Thiên Chúa. Sau khi trấn an Mẹ, Thiên Thần trình bày cho Mẹ điều Thiên Chúa muốn thực hiện trên cuộc đời Mẹ: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1:31-33). Những lời này đưa Mẹ vào trong “quỹ đạo tình yêu” của Thiên Chúa và làm Mẹ hỏi về điều “nghịch với” tình yêu con người: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1:34). Đứng trước điều này, Sứ Thần cho Mẹ biết là điều không thể với tình yêu con người thì có thể với tình yêu Thiên Chúa: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:35-37). Đây là mấu chốt và trung tâm của cuộc đối thoại: Những điều không thể với lối suy luận và hiểu biết của con người thì luôn có thể với Thiên Chúa. “Như trời xa hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng của ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi như thế” (Is). Chi tiết này mời gọi chúng ta đi vào trong quỹ đạo của tình yêu Chúa để hiểu được thánh ý của Ngài. Nói cách khác, để hiểu được thánh ý Thiên Chúa, chúng ta phải ra khỏi lối suy nghĩ [lối sống] quen thuộc của mình để bắt đầu hành trình mà Thánh Anselm gọi là “đức tin đi tìm sự hiểu biết.”
Điều cuối cùng trong bước ngoặt đời Mẹ là Mẹ nói lên lời “xin vâng”: “Bấy giờ bà Maria nói với sứ thần: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.’ Rồi sứ thần từ biệt ra đi” (Lc 1:38). Mẹ thốt lên lời xin vâng với trọn con tim mình. Niềm tin của Mẹ đã giúp mẹ hiểu rằng: Những điều con người không thể làm được thì Thiên Chúa có thể làm. Mẹ đã để Chúa hoàn toàn chiếm lấy đời Mẹ để Ngài thực hiện tất cả những gì Ngài muốn trên cuộc đời Mẹ. Mẹ không giữ lại gì cho chính mình! Đây chính là đỉnh cao của hành trình đức tin, đó là hoàn toàn phó thác đời mình vào tay Thiên Chúa để Ngài thực hiện những gì Ngài muốn trên cuộc đời chúng ta.
Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ đi trên “hành trình” với Chúa Giêsu. Chúng ta suy gẫm thời kỳ thơ ấu qua mùa vui, cuộc sống sứ vụ qua mùa sáng, cuộc thương khó qua mùa thương và sự phục sinh qua mùa mừng. Hành trình này cũng là hành trình của mỗi người chúng ta: sinh ra [mùa vui], làm chứng cho Chúa qua đời sống phục vụ thường ngày [mùa sáng], đối diện với đau khổ và sự chết [mùa thương], được vinh phúc ở đời này và đời sau [mùa mừng]. Hãy lần chuỗi Mân Côi, để cùng với Mẹ, chúng ta đi trọn hành trình đưa về Thiên Đàng!
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB