Ký Ức Truyền Giáo: Đôi Chân Và Nụ Cười

Sự cô đơn khốn cùng nhất là cảm giác cô đơn và không được ai quan tâm! (Mẹ Têrêsa Calcuta)

Tích tắc, đồng hồ đang điểm trôi, đêm nay tôi chợt thấy xôn xao trong lòng, ngày mai tôi đến với em…

Biết rằng đường xa, khó đi, lại dễ bị say xe, tôi quyết tâm đêm nay phải lên giường cho thật sớm, ngủ thật ngon, sáng mai sẽ không dậy sớm như mọi khi để chuyến đi được tốt đẹp, có sức khỏe mà cười vui với các em, vậy mà, cái đêm ấy sao cứ đầy bâng khuâng.

Ngoài trời mưa bay, gió rít từng cơn qua khe cửa, thỉnh thoảng nó luồn đến bàn tôi ngồi học, đơ cứng cả đôi tay không sao cầm viết được, những dòng suy nghĩ chảy ngang trong tâm trí tôi. Ngày mai đi tôi nên chuẩn bị gì nhỉ, một đôi ủng cho ấm, áo thật dày, thêm một cái quần tất cho đỡ lạnh chăng, trên cao kia lạnh lắm, tôi biết mà. Cách đây vài năm tôi đã có dịp sống ở gần vùng của các anh chị em dân tộc, có dịp ghé thăm, nhất là tôi sống cùng 32 em Vân Kiều trong nhà nội trú của cộng đoàn Dòng mình, lòng tự nhủ, hình như tôi có biết, có hiểu chút gì về họ. Háo hức đến ngày được đi, thật chẳng may sức khỏe tôi đột nhiên lại yếu hơn ngày thường. Lần đầu tiên tôi thấy bối rối nếu không muốn nói là khó chịu cho sự phân định đi hay ở nhà, vì ngay ngày hôm sau tôi còn 1 bài thi học kỳ. Và rồi nếu ở nhà thì có lẽ giờ này tôi phải ôm bao tiếc nuối trong tâm hồn.

Mây đen tối mịt phải nhường chổ thô, ngày mới đã lên rồi!

Sáng nay trời vẫn mưa bay, nhiệt độ lại xuống thấp hơn, nghĩ đến điểm dừng chân sắp tới, tôi quên đi cái lạnh đang làm những khớp gối của mình tê nhức, nó là di chứng sau một vụ tai nạn xe. Một điều gì đó đánh vào tâm trí tôi thật mạnh…đi thôi và tôi sẽ không trang bị nhiều cho mình, tôi không mang ủng, không mang thêm quần tất, tôi muốn hòa mình vào nhịp sống và môi trường ấy như họ dù chỉ trong chốc lát. Mang theo mình một hành trang, trong giờ cầu nguyện trước lúc xuất phát, tôi thầm thĩ với Giêsu, người bạn thân của tôi. “Hôm nay mình sẽ mang nụ cười của Giêsu đến với họ nhé!”. Mọi buồn phiền trong tâm hồn chợt tan biến, nỗi băn khoăn lo sợ cũng phải nhường chổ cho một niềm vui âm thầm nhưng mãnh liệt đang trào dâng.

Sáng Chúa Nhật – Lên đường!

5 tiếng đồng hồ trên xe, lần đầu tiên tôi thấy mình không có cảm giác sợ say xe, một khung cảnh bí ẩn nào đó sắp được vén mở khiến tôi quên đi cái sợ. Tiếng nói cười, giọng ca tiếng hát của chị em tôi thanh thảnh vang lên, tôi hòa nhịp cùng họ trong những điệu ca. Nắng rồi mưa, ngang qua đời con, Chúa như chiếc dù che chắn giữa đời…” những lời ca trong khúc nhạc của đời thánh hiến càng làm nóng lên trong chị trong em và trong tôi sự cháy lửa của tình yêu trao ban. Ghé nhìn ra cửa sổ, bầu trời sáng hơn mọi ngày, những hạt mưa phùn cũng tan biến khi nào không ai hay, lùm cây bên đường vẫn lay nhẹ, tôi biết trời có gió, và khí lạnh vẫn còn nhưng cái khô ráo của mặt đường làm cho lòng chúng tôi được ấm thêm. Tôi nghe Giêsu đặt vào tai mình, Ta cùng đồng hành với các con. Khẽ nỡ nụ cười, tôi lại tiếp tục chung nhịp vui với chị em.

Rời khỏi con đường thành phố Huế êm xuôi, đi nhanh qua quốc lộ của thị xã Quảng Trị rồi cũng lướt qua các nẻo đường của thị trấn Cam Lộ, xe chúng tôi đang tiến gần đến đoạn đường của một nhịp sống mới, đường lên Bản. Tôi đang được đến với họ, tôi đến với em. Tôi cũng chưa biết họ và biết em là ai.

Đôi chân

Xe đã dừng, thật lạ lùng chỉ sau vài giờ đồng hồ, trước mắt tôi là một “bức họa vùng cao” với những gam màu đậm nét giản dị, là màu xanh của lá rừng, màu vàng nâu của nền đường, là nâu sẫm của những ngôi nhà, thấp thoáng đâu đó có những vệt trắng quyện bay trong khung trời yên bình ấy là làn khói bốc lên từ bếp lửa.

Thấy rồi…

Tôi thấy mẹ địu con trên lưng, thấy cha vác củi trở về, thấy em vừa hớn hở lại vừa hì hục sau một buổi sáng miệt mài đào bới những củ khoai củ sắn mang về bán cho người ta, thật hồn nhiên và thanh thản, em chẳng nề tính toán số tiền cầm được với những giọt mồ hôi vất vả đổ ra, hình như niềm vui mang chút gì về cho ba cho mạ cho đứa em nhỏ ở nhà khiến em chẳng còn bận lòng so tính thiệt hơn.

Đôi chân em cuốn lấy cái nhìn trong mắt tôi, bé xíu gầy gòm, tôi chẳng nhìn thấy rõ hình hài nó ra sao, không phải em khuyết tật nhưng lớp đất đỏ phủ kín chân em rồi, đôi chân trần tung tăng trên nền trời.

Cửa xe mở ra, tôi thật sự muốn nhanh nhanh đặt đôi chân trần xuống đường để được đồng điệu với em và tìm về cái tuổi thơ dữ dội rong chơi với đôi chân không dép. Muốn là vậy nhưng chị tôi lo, phần lo chúng tôi sẽ bị đau, đường trơn dễ té, lại thêm nỗi nếu không có nước rửa chân thì trong chiếc xe chúng tôi sẽ biến màu mất thôi. Tôi đã chẳng nghĩ xa đến vậy, nên ra đi tôi mang đôi Sandanl thật chỉn chu với ý nghĩ đến nơi tôi sẽ đi chân mà. Giêsu, bạn của tôi thật tinh ý, mang đôi giày này xuống thì coi bộ không nguyên vẹn trở về, lập tức “ út, mang dép chị đi” hihi- “D– Em cảm ơn chị”. Xỏ dép vào, tôi nhanh chân leo xuống và… một bầu trời cảm xúc mở ra, tôi muốn nói họ thật đáng yêu. Hôm nay tôi muốn ngắm nhìn cái đáng yêu ấy mà thôi.

Mới vài ba bước, nhìn xuống chân mình tôi mỉm cười, giống chân em rồi đó. Lớp đất bùn ôm trọn lấy chân rồi, thoáng thấy lòng sung sướng lạ kỳ, cuộc sống của họ, của em là thế đó. Thoăn thoắt trên đôi chân không cần lớp đệm cao su, đến trường cũng đôi chân ấy, hái măng, bẻ củi, đào sắn, cũng là đôi chân trần, người đi qua kẻ đi lại, những đôi bàn chân bám chắc trên mặt đường lầy lội không chút sợ sệt, không chút ngại ngần, BÁM- TRỤ – và BƯỚC ĐI. Hình ảnh đã mang một nội lực mãnh liệt, đã thôi thúc bước chân dâng hiến đang run rẩy, đang e sợ, đang chênh chao và không ít lần đã bước lỗi nhịp cách vô tình. Phải bám chắc, phải trụ vững vàng, tôi bước phải mạnh tiến trên con đường ấy. Bước chân của em cứ khẽ nói trong tâm hồn tôi: Ừ thì dĩ nhiên ai chẳng muốn bước đi trên nẻo đường đầy hương hoa, cỏ lạ, bình yên và thảnh thơi. Nhưng liệu chiều theo cái muốn ấy mãi thì làm sao tôi thấy em, thấy nơi em sống, thấy việc em làm, thấy rằng em và những người quanh em cần lắm những sẻ chia tình người. Thoăn thoắt lên, đừng ngần ngại, lại gần hơn, sợ chi bùn đất, lo gì đường trơn, núi đá gập ghềnh cũng vẫn bước nhé, tôi đọc được nó nơi từng bàn chân, theo từng nhịp bước của em, của cụ, của bà của con người nơi ngôi làng nhỏ này.

Trời vẫn mưa bay, gió vẫn thổi, lạnh lắm, nhưng đôi chân tôi hình như mạnh bước hơn nhiều, tôi có thêm động lực.

Hình như chân đi thì còn cần thêm thứ gì đó nữa thì phải, không phải tiền, không phải gạo, cũng không phải chai dầu, gói bánh hay cây kẹo. Cần cái gì đó tỏa nắng nơi lạnh lẽo, xa xôi này ấy là NỤ CƯỜI.

Xe chúng tôi dừng lại bên đoạn đường vắng, có vài ba ngôi nhà nhỏ bé để nạp năng lượng sau một buối sáng đường dài, cơm trưa lúc này cũng đã hơn 2 chiều, bát cơm bên đường vừa lạ vừa vui nhưng cũng thêm lòng trắc ẩn cho một tâm hồn. Dường như mọi khoảnh khắc hôm nay không có gì là vô nghĩa cả, chính lúc thấm mệt và tôi biết mình phải trở về với cuộc sống thường nhật chỉ sau vài giờ đồng hồ nữa thôi, lòng thoáng chút ưu tư, không gian quanh tâm hồn có vẻ trầm lắng và nỗi buồn nào đó chợt đến. Có chút gì tiếc nuối trong tôi, có gì đó muốn cho đi mà còn ngần ngại, có hành động muốn làm và cứ chần chừ. Hôm nay ra đi, rõ ràng tôi nhận được nhiều hơn tất cả những gì mình đã cho đi, món quà sau cùng thật cần kíp và ý nghĩa với tôi giờ này ấy là NỤ CƯỜI tỏa nắng của em. Trong sự thiếu thốn của mọi mặt, trong cái lạnh buốt chốn vùng cao, che thân bằng chiếc áo ấm cũ mỏng manh, lại thêm đôi chân trần trên thảm cỏ xanh, em tặng tôi nụ cười hạnh phúc. Tôi đọc được nụ cười đón lấy số phận, đón lấy hoàn cảnh, nụ cười bằng lòng với cuộc sống hiện tại, không than van, không kêu la, đơn giản thôi, chỉ cần là nụ cười. Chẳng có gì cho đi thì em cho đời nụ cười tràn đầy sức sống, hồn nhiên và rất xinh. Nụ cười biết nói của em dạy tôi phải biết yêu lấy cuộc sống của mình, khổ thì ai cũng có cái riêng rồi đó, chẳng so sánh cũng không thể phân bì được, chị tôi nói “khổ ở mức nào hay hạnh phúc ngang đâu thì cũng do út quyết định cho nó”. Mọi lần, khi nghĩ đến hay được dịp ghé thăm những anh chị em vùng thiểu số, tôi vẫn động lòng với cái khổ, cái thiếu thốn và sự thua thiệt của họ. Cũng từng mong cho cuộc sống của họ được tân tiến hơn, được sung túc hơn, chớ gì ai đó đưa họ thoát được kiếp nghèo ăn không no, mặc không ấm này,  mà ít khi tôi nhận ra cái hạnh phúc âm thầm đằng sau cuộc sống ấy. Người ta nói, tội nghiệp họ chẳng biết gì về thế giới công nghệ hiện đại, tôi nghĩ chính bởi việc không phải bận tâm và bán thời gian vào cái hiện đại ấy mà tâm hồn họ giữ mãi nét thánh thiện tinh tuyền của thưở ban sơ Chúa đã nắn đúc chăng. Người ta nói, suy nghĩ của họ đơn giản lắm, cái bụng thiệt thà, ruột thì cứ phơi phơi ra ngoài nên cứ bị lừa bị khổ mãi, tôi nghĩ, chà, giá như con người ta sống với nhau bằng cả cái “bụng thiệt thà” ấy thì làm gì có chuyện lừa lộc, tiền mất tật mang. Sự dễ thương vô cùng ấy tồn tại nơi mọi người thì làm gì có chuyện “tâm hồn ai đó bị tổn thương” nhỉ. Người ta nói, họ dại lắm, tôi thầm nghĩ, khôn ngoan ở đời để làm gì, nếu chẳng biết sử dụng cho nên thì không biết “ cái dại nào hơn cái dại nào” đây….

Người ta đã nói nhiều về họ và tôi cũng đã nghĩ nhiều về họ.

Tôi thấy họ hạnh phúc, vì sự kỳ diệu tôi nhận ra là sự sắp đặt tài tình của Đấng Tạo Hóa. Trong môi trường sống ấy, trong hoàn cảnh ấy Chúa đã đặt để họ, những con người mà xã hội gọi là “kém may mắn” vào nơi chốn ấy để lớn lên mỗi ngày với thiên nhiên và nhịp sống rất riêng này. Nhìn vào mắt họ, tôi bị cuốn vào cái suy nghĩ muốn nói mà không thành lời rằng “kém may mắn ư” phần nào đó của đời thường thôi, họ vẫn hạnh phúc, không phải họ kém hiểu biết đâu, cũng chẳng phải là họ không biết nghĩ biết suy đâu, tôi thoáng nghĩ có lẽ vậy mà lại mang giá trị riêng của nó đấy, nếu biết quá nhiều về cái gọi là hiện đại thời này, có phải họ sẽ buồn vì mình chẳng bao giờ chạm đến, nếu trí hiểu quá sắc bén đến độ cứ ngồi đó mà suy nghĩ cảnh đời sao bất công với mình thì làm gì còn Nụ Cười tỏa nắng nữa. Cuộc sống họ là vậy đó, con người họ cũng đặc biệt vậy đó, đôi khi cái sự đồng điệu của con người và cảnh sống ấy dệt nên hạnh phúc đời họ chăng.

Mưa vẫn bay bay ngang qua cái suy nghĩ trong tôi, mấy khi chúng ta đã hòa nhịp tất cả những gì mình có với cuộc sống vốn được dành riêng cho mình nhỉ, hay cứ cố công tìm kiếm, nâng cao cuộc sống một chút rồi lại nâng cấp bản thân cho kịp thời… cứ vậy mãi bao giờ mới có thể ngồi lại để chầm chậm thưởng thức bức họa hạnh phúc của cuộc đời mình.

Đôi chân và nụ cười em và họ đã cho tôi thật nhiều. Giêsu vẫn hay nói với tôi rằng không bao giờ Người thua lòng quảng đại của ai đâu nhé. Và quả là như vậy, lúc nào cũng tràn trào hạnh phúc mỗi khi Giêsu trao gửi yêu thương cho tâm hồn tôi. Bắt chước chân em, tôi sẽ bước đi mau mắn trên hành trình theo Chúa, bắt chước em cười tôi sẽ nhớ tạ ơn bằng nụ cười trong mọi hoàn cảnh.

Nắng sẽ lên, bầu trời sẽ ấm. Tôi sẽ đi và rồi tôi cười, xuất phát điểm từ nơi tâm hồn, chốn riêng tư hay là góc nhỏ trong tôi và Giêsu.

JMJ.HM

Học viện Mến Thánh Giá Huế