Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật XXVIII Thường Niên – Từ Bỏ Mọi Sự Để Hiểu Được Niềm Vui Theo Chúa

(Kn 7:7-11; Hr 4:12-13; Mc 10:17-30)

Ai trong chúng ta cũng mong trở thành người khôn ngoan. Chúng ta cũng đã từng gặp những người khôn ngoan. Chúng ta đã từng đọc nhiều câu châm ngôn hoặc những câu nói hay về khôn ngoan. Nhưng cuối cùng, chúng ta tự hỏi: Đức khôn ngoan từ đâu đến? Tác giả của bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta điều quan trọng nhất mà mỗi người phải quý trong đó là đức khôn ngoan. Theo tác giả sách Khôn Ngoan, “tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi coi của cải chẳng là gì so với Đức Khôn Ngoan. Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất” (Kn 7:8-9). Những lời này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình vì nhiều khi chúng ta để cho những của cải thế gian chiếm lấy vị trí quan trọng nhất trong ngày sống và cuộc sống của mình. Chúng ta đặt của cải vật chất lên trên những giá trị thiêng liêng. Tuy nhiên, một thực tế chúng ta thấy trong đời sống thường ngày là người khôn ngoan luôn hành công và được nhiều người kính trọng, vì theo tác giả sách Khôn Ngoan, khi có đức khôn ngoan thì “mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể” (Kn 7:11). Cuộc đời lận đận lo lắng đêm ngày rồi cũng trở về tay trắng. Dẫu biết như thế mà nhiều người trong chúng ta vẫn “ngu dại” chạy theo tiền tài danh vọng để rồi cuối cùng đánh mất nhân phẩm của mình. Hãy tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, tìm kiếm Thiên Chúa, mọi thức khác sẽ được ban cho dư đầy.

Chi tiết thứ hai mà chúng ta suy gẫm trong Chúa Nhật hôm nay là: Lời có thể làm thay đổi cảm xúc của một người từ vui thành buồn và từ buồn thành vui. Lời dùng để tôn vinh, nhưng cũng có thể để chà đạp nhân phẩm của người khác; lời dùng để khích lệ, cũng có thể để làm tổn thương! Có người nói trong đời rằng: Lời nói là loại vũ khí nguy hiểm nhất mà một người có thể dùng để giết hoặc làm mất danh dự của một người mà không để lại dấu vết nào. Lời Chúa trong bài đọc 2 hôm nay nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của lời, nhất là Lời Chúa. Tác giả thư gởi Hípri viết rằng: “Thưa anh em, lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Hr 4:12). Ngay cả câu đáp ca hôm nay nói “lời Chúa là thần khí và là sự sống.” Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng lời Ngài để giảng dạy và kêu gọi người tội lỗi, hay đúng hơn là chữa lành tâm hồn của những người tội lỗi. Chúng ta thường để lời người khác thay đổi mình, còn lời Chúa thì chẳng mang lại hiệu quả gì trên chúng ta. Công Đồng Vatican II dạy chúng ta phải tôn thờ Thánh Thể và Lời Chúa như nhau. Khi một miếng Bánh Thánh rơi xuống đất, chúng ta cung kính quỳ xuống nhặt lên; nhưng chúng ta lại để lời Chúa vung vãi khắp nơi mà chẳng có cảm giác kính trọng nào, đôi khi còn chà đạp lên!

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ về thái độ họ cần phải có đối với của cải tiền bạc. Sau hai lần tiên báo về cuộc khổ nạn của Ngài và các môn đệ vẫn không hiểu và vẫn còn tranh dành với nhau về chỗ hơn chỗ kém. Chúa Giêsu bắt đầu dạy họ cách cụ thể hơn về những từ bỏ mà họ phải thực hiện để đi theo Ngài. Điều đầu tiên Chúa Giêsu muốn các môn đệ từ bỏ chính là của cải vật chất. Lời dạy của Chúa Giêsu về của cải gồm ba phần: (1) câu chuyện về anh thanh niên giàu có (Mc 10-17-22); (2) Chúa Giêsu giáo huấn các môn đệ của Ngài (Mc 10:23-27); (3) Chúa Giêsu giáo huấn về phần thưởng dành cho những ai bỏ của cải vật chất (Mc 10:28-31). Bài Tin Mừng hôm nay gồm câu chuyện về anh thanh niên giàu có và trình thuật về việc Chúa Giêsu mượn câu chuyện để giáo huấn các môn đệ về nguy hiểm của sự giàu có. Chúng ta phân tích hai phần này để rút ra những điều Chúa muốn chúng ta thực hiện trong ngày hôm nay.

Cuộc đối thoại của người thanh niên giàu có với Chúa Giêsu bắt đầu với một câu hỏi nói lên ước muốn nền tảng của con người, đó là, được sự sống đời đời làm gia nghiệp: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10:17). Anh ta hỏi về những việc anh ta cần phải làm. Và Chúa Giêsu đưa anh ta về với các giới răn và muốn anh làm tất cả những điều mà các giới răn đòi hỏi. Nghe điều này, anh thanh niên liền nhanh tiếng nói rằng: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10:20). Nhưng “làm” như thế thì chưa đủ, “anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10:21). Anh thanh niên đã làm nhiều việc, nhưng không thể làm một việc chính yếu và cần thiết, đó là, “làm môn đệ Chúa Giêsu.” Anh không làm được vì lòng anh không để ở kho tàng trên trời [nơi Đức Giêsu Đấng đang mời gọi anh], nhưng ở của cải vật chất. Chính điều này đã cản trở anh trong việc trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Còn chúng ta, lòng trí chúng ta để ở đâu khi chúng ta đến “đối thoại” với Chúa? Điều gì ngăn cản chúng ta khỏi việc trở thành môn đệ của Chúa Giêsu?

Trong câu chuyện của anh thanh niên giàu có, chúng ta thấy rằng người có của cải vật chất vẫn có khả năng làm được nhiều điều tốt mà các giới răn đòi hỏi. Nhưng người đó phải đối diện với nguy hiểm là cậy dựa vào của cải của mình [sức của mình] hơn là vào Thiên Chúa để làm điều tốt. Tuy nhiên, chi tiết quyết định chính yếu cho việc đáp trả để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu nằm ở câu: “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10:21). Tình yêu của Chúa Giêsu [ánh mắt yêu thương của Chúa Giêsu] là khởi đầu của ơn gọi của người môn đệ. Anh thanh niên đã không nhìn thấy và không cảm nghiệm được tình yêu này nên không đáp lại vì anh ta quá chú tâm đến của cải và tình yêu của anh cũng hoàn toàn dành cho chúng. Chỉ những người cảm nghiệm được mình được Chúa Giêsu yêu thương cách tuyệt đối mới có thể đáp trả. Để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không thể dựa vào của cải vật chất, nhưng là dựa vào tình yêu Ngài. Nói cách khác, của cải vật chất và vinh hoa phú quý trên đời không làm chúng ta trở nên những người môn đệ đích thật của Chúa Giêsu, chỉ có tình yêu của Ngài mới làm cho chúng ta trở nên những môn đệ như lòng Ngài mong muốn. Đừng chạy theo và mất nhiều thời gian tìm kiếm vinh hoa của đời. Nhưng hãy dành thời gian để cảm nghiệm và đáp lại tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện của Thiên Chúa trong từng giây phút.

Khi người thanh niên bỏ đi, Chúa Giêsu bắt đầu khuyến dụ các môn đệ của Ngài về nguy hiểm của tiền bạc trong tương quan với Nước Thiên Chúa: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc 10:23). Câu này là một lời “bình luận” mang tính tổng quát như là điều rút ra từ câu chuyện của anh thanh niên giàu có. Nghe lời “bình luận” của Chúa Giêsu, các môn đệ kinh ngạc. Các ông kinh ngạc vì điều Chúa Giêsu nói hoàn toàn trái ngược với điều mà họ được dạy và quá quen thuộc là của cải vật chất chính là ân ban của Thiên Chúa. Các ông còn kinh ngạc hơn khi Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh “lạc đà chui qua lỗ kim” để so sánh với “người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Đây là điều không thể! Nhưng Chúa Giêsu khẳng định: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10:27). Câu trả lời này đưa chúng ta về lại với chi tiết trong câu chuyện của người thanh niên giàu có: Không phải của cải vật chất hay sức lực của con người làm nên người môn đệ đích thật, nhưng chính là tình yêu của Thiên Chúa. Như vậy, chỉ bỏ hết của cải vật chất vẫn chưa làm chúng ta trở thành môn đệ của Chúa Giêsu và chưa được cứu độ. Bỏ hết của cải vật chất và đáp lại tình yêu Chúa để sống yêu thương, tha thứ anh chị em mình mới làm chúng ta nên môn đệ của Chúa Giêsu.

Như thường lệ, Phêrô là người đại diện cho các môn đệ trình bày với Chúa Giêsu về “chiến công” mà người thanh niên giàu có không làm được: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (Mc 10:28). Đằng sau câu nói này hàm chứa câu hỏi về phần thưởng dành cho họ, những người bỏ mọi sự để làm môn đệ của Ngài. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rõ điều này: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10:29-30). Chúa Giêsu hứa phần thưởng cho những người môn đệ không chỉ ở đời sau [sự sống vĩnh cửu], nhưng ngay cả ở đời này khi họ vui hưởng các mối tương quan mang tính vật chất [nhà cửa, ruộng đất], xã hội [anh em, chị em, mẹ, con], và tôn giáo [sự ngược đãi]. Thực tế cho chúng ta thấy, những người theo Chúa Giêsu [nhất là trong đời sống thánh hiến linh mục, tu sĩ] vui hưởng những phần thưởng trên: Họ không lo lắng về cơm áo gạo tiền; họ không lo lắng về nơi ăn chốn ở; họ được mọi người kính trọng và chào đón. Tuy nhiên, nếu sống trọn vẹn với ơn gọi của mình, họ cũng sẽ đối diện với nhiều ngược đãi và đau khổ từ chính những người thân và cộng tác với mình.

Trong các phần thưởng ở đời này, sự ngược đãi là điều Maccô đưa ra như là điều kiện cần thiết của ơn gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu. Đây chính là điều nhiều chúng ta, những người môn đệ của Chúa Giêsu, không mấy hoan nghênh. Chúng ta thường xem khó khăn và ngược đãi trong cuộc sống như là thử thách và đôi khi là “thánh giá” Chúa gởi đến cho mình. Chẳng mấy người trong chúng ta không xem chúng là “phần thưởng” mà Chúa Giêsu hứa ban cho người môn đệ. Thánh Giêrônimô dạy chúng ta rằng: Trong hành trình theo Chúa Giêsu, nhiều khi chúng ta quá chú tâm đến những điều chúng ta từ bỏ, và như thế hành trình chúng ta đi càng ngày càng trở nên nặng nề và buồn chán vì “Chúa bắt chúng ta từ bỏ quá nhiều.” Chính cái “đau đớn của từ bỏ” làm chúng ta quên mất niềm vui “theo Thầy” – Niềm vui chúng ta có được khi nhìn thấy ánh mắt yêu thương của Chúa Giêsu nhìn chúng cách say đắm và đem lòng yêu thương.

Bài Tin Mừng kết với câu: “Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” (Mc 10:31). Nhiều người thường giải thích câu này để nói về việc những người khiêm nhường sẽ được tôn vinh và những người kiêu ngạo sẽ bị tủi hổ. Tuy nhiên, trong bối cảnh của bài Tin Mừng, câu nói này là lời khuyến khích của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Ngài, là những người đã bỏ mọi sự để theo Ngài, về thực tế của một sự “thay đổi hoàn toàn.” Cụ thể là, những phần thưởng [niềm vui] họ nhận được khi theo Ngài vượt quá nhiều lần so với những điều mà họ từ bỏ trong đời này. Điều này hàm chứa chân lý sau cho các môn đệ: Hãy luôn nhìn về phía trước, nhìn vào Chúa Giêsu, nhìn vào niềm vui được làm môn đệ Ngài, hơn là mất thời gian để khóc than và luyến tiếc những mối tương quan và những thứ chúng ta đã từ bỏ.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB