(Is 53:10-11; Hr 4:14-16; Mc 10:35-45)
Ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 hôm nay thuật lại cho chúng ta định mệnh của Người Tôi Trung đau khổ của Yahweh. Qua hình ảnh của Người Tôi Trung của Yahweh, ngôn sứ Isaia trình bày cho chúng ta biết giá trị của đau khổ. Chỉ qua đau khổ người Tôi Trung của Yahweh “sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu” (Is 53:10). Không những thế, “nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53:11). Những chi tiết này giúp chúng ta vững mạnh khi phải đối diện với những đau khổ trong cuộc sống. Thật vậy, chỉ qua đau khổ chúng ta mới học được những giá trị cao quý và biết được đâu là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Khi đối diện với đau khổ, liệu chúng ta có tiếp tục đặt trọn niềm tin vào Chúa và sống trung thành với thánh ý của Ngài không?
Bài đọc 2 hôm nay trình bày Đức Giêsu là vị Thượng Tế của chúng ta. Tác giả thư Hípri cho biết, Lời Chúa chính là Đức Giêsu, vị “Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời.” Khác với những vị thượng tế khác, vị Thượng Tế Giêsu “không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.” Vì biết Ngài đã trải qua những thử thách của kiếp sống con người như chúng ta nên “ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.” Những lời này mang lại cho chúng ta sự ủi an và nâng đỡ mỗi khi ngã lòng. Hãy đến với Đức Giêsu mỗi khi bị hiểu lầm hay bị người khác làm tổn thương. Hãy để cho Ngài ôm chúng ta trong vòng tay để chúng ta cảm nhận được tình yêu, sự cảm thông của một Thiên Chúa luôn bên cạnh chúng ta.
Dù sống trong sợ hãi và kinh hoàng, con người vẫn không thể tránh khỏi cám dỗ quyền lực và thống trị. Đây chính là điều được Thánh Máccô trình bày trong hình ảnh hai người con ông Dêbêđê. Chúng ta viết lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và hai người con ông Dêbêđê (Mc 10:35-40) như sau:
Giacôbê và Gioan: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.”
Chúa Giêsu: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”
Giacôbê và Gioan: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”
Chúa Giêsu: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”
Giacôbê và Gioan: “Thưa được.”
Chúa Giêsu: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”
Trong cuộc đối thoại này, Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ biết hai điều sau: (1) để có một chỗ trong Nước Trời, họ phải chịu đau khổ (câu 38-39), (2) Chúa Giêsu không phải là người quyết định vị trí trong Nước Trời (câu 40). Khi chọn hai anh em Giacôbê và Gioan là những người xin Chúa Giêsu [khác với Tin Mừng Thánh Mátthêu là người mẹ đến xin – điều này ám chỉ việc Thánh Mátthêu muốn làm giảm đi hình ảnh tiêu cực về các môn đệ được trình bày trong Tin Mừng Thánh Máccô), các tác giả Tin Mừng có ý cho biết hai ông biết rõ điều hai ông xin vì, cùng với Phêrô, các ông tạo nên nhóm “thân tín nhất” của Chúa Giêsu. Điều chúng ta đáng lưu ý ở đây là họ yêu cầu có được những vị trí quan trọng trong Nước Thiên Chúa. Chi tiết này cho biết họ hiểu sai về chân tính Messia của Chúa Giêsu mà Ngài vừa tiên báo cho họ biết lần thứ 3. Để hiểu rõ chân tính của Chúa Giêsu, người môn đệ cần “uống cùng chén Chúa Giêsu uống và chịu phép rửa mà Chúa Giêsu chịu,” đó là chia sẻ trong những đau khổ của Chúa Giêsu. Nhiều lần, chúng ta muốn được vinh quang mà không phải qua đau khổ; chúng ta muốn vị trí đứng đầu mà không muốn phục vụ. Vinh quang chỉ có được khi chúng ta chịu những đau khổ vì tình yêu dành cho Chúa và dành cho anh chị em mình khi mình phục vụ với trọn con tim. Tình yêu chân thật luôn đòi hỏi hy sinh và chết đi mỗi giây phút cho chính mình để chỉ sống cho người mình yêu.
Trước yêu cầu của Giacôbê và Gioan mười môn đệ còn lại “đâm ra tức tối” (Mc 10:41). Trước thái độ ganh đua để được “chỗ nhất” của các môn đệ, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ biết quyền lực hệ tại điều nào: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:42-45). Trong lời dạy của mình, Chúa Giêsu phân biệt hai loại thủ lãnh: thủ lãnh các dân nước là những người dùng quyền bính được trao để thống trị người khác; còn thủ lãnh giữa các môn đệ Chúa Giêsu là những người dùng quyền bính của mình để phục vụ. Khát vọng quyền lực luôn là cám dỗ của mỗi người chúng ta. Nói cách khác, ai trong chúng ta cũng muốn mình có “tầm ảnh hưởng” rộng hơn người khác. Điều này thường làm cho chúng ta sống trong sự sợ hãi và với thái độ ganh tỵ những anh chị em khác. Lời Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về cốt lõi của quyền bính, đó là để phục vụ người khác: Những ai sống phục vụ với trọn con tim mình qua những công việc nhỏ bé tầm thường của ngày sống, dù không có giữ vị trí gì trong xã hội hay Giáo Hội, là những người quan trọng nhất trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta đã sống điều này thế nào?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB