Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật XXIX Thường Niên – Giữ Mình Khỏi Sự Quyến Rũ Của Của Cải Vật Chất

(Ep 2:1-10; Lc 12:13-21)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu Êphêsô về những điều Chúa Giêsu đã mang lại cho những người tin vào Ngài. Thánh nhân bắt đầu với việc vẽ lên bức tranh tương phản con người bẩm sinh và con người được Chúa Kitô cứu độ. Những người sống theo bẩm sinh là những người sống “theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục” (Ep 2:1-2). Không những thế, những người sống theo bẩm sinh là những người “buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác” (Ep 2:3). Còn những người được Chúa Giêsu cứu độ là những người “được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2:6). Tuy nhiên, Thánh Phaolô khuyến cáo rằng việc chúng ta được cứu độ không phải là do công trạng của chúng ta, nhưng là ân huệ của Thiên Chúa, nên chúng ta không có gì để tự phụ (x. Ep 2:8-9). Chính ân huệ của Thiên Chúa đã biến chúng ta thành những “tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2:10). Những lời này giúp chúng ta nhận ra giá trị cao quý của mình. Chúng ta là những tuyệt phẩm của Thiên Chúa. Chúng ta sống là để thực hiện công trình tốt đẹp mà Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta, đó là được chia sẻ trong tình yêu và sự sống của Ngài. Thật vậy, mục đích tối hậu của đời người là được chia sẻ trong tình yêu và sự sống của Thiên Chúa. Để đạt được điều này, chúng ta phải tránh đi lối sống “bẩm sinh” của mình và hoàn toàn sống trong sự sống mới mà Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với một suy gẫm dài về những hậu quả làm băng hoại người môn đệ Chúa Giêsu bởi của cải vật chất. Đề tài này sẽ được tiếp tục cho đến câu 34 và sẽ được lặp lại trong câu 45. Hai câu mở đầu trong bài Tin Mừng cho thấy khuynh hướng “đam mê” của cải vật chất của con người: Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: ‘Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi. Người đáp: ‘Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?’” (Lc 12:13-14). Trong những lời này, chúng ta có thể nhận ra việc tranh chấp “gia tài” giữa hai anh em trong cùng một gia đình. Chi tiết này cho thấy của cải vật chất có thể làm rạn nứt hay phá hoại tương quan trong gia đình. Chúng ta đã từng chứng kiến trong cuộc sống thường ngày: con cái từ bố mẹ, anh chị em không nhìn mặt nhau chỉ vì một miếng đất, một số tiền; vợ chồng cãi cọ, bỏ nhau cũng chỉ vì vấn đề tiền bạc; bạn bè trở thành kẻ thù của nhau và còn nhiều mối tương quan khác bị phá huỷ cũng chỉ bởi vật chất. Tại sao chúng ta lại để cho những thứ không hồn, chóng qua làm chủ và huỷ hoại chúng ta, những con người có hồn và có sự sống vĩnh cửu?

Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu về việc giữ mình khỏi mọi thứ tham lam đáng để chúng ta suy gẫm: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12:15). Theo các học giả Kinh Thánh, những lời này là một phần của luận chiến chống lại những thầy dạy giả tạo trong cộng đoàn. Họ là những người chu toàn công việc với mục đích thu gom của cải vật chất hơn là mang lại ích lợi thiêng liêng cho những người nghe. Chính thái độ tham lam của cải vật chất làm cho người môn đệ Chúa Giêsu khép mình lại trong những gì mình có và quên mất vai trò của mình là những người mang Tin Mừng đến cho anh chị em. Chúng ta đang tham lam điều gì: của cải dưới đất hay của cải trên trời? Dụ ngôn Chúa Giêsu giúp chúng ta biết mình phải tham lam điều gì.

Một chi tiết quan trọng nhất trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể là cách sử dụng từ ngữ để cho thấy đâu là mấu chốt của “sự ngu ngốc” của nhà phú hộ. Hình ảnh của nhà phú hộ được vén mở theo những bước sau: (1) Ông ta là người có nhiều của cải vật chất [“ruộng nương sinh nhiều hoa lợi”] (Lc 12:16). Ở đây, chúng ta thấy ông phú hộ không có gì sai và có thể nói là ông được chúc lành. (2) Vì có nhiều của cải nên ông mới “nghĩ bụng” về việc làm thế nào với tài sản của mình (x. Lc 12:16). Ở bước này, chúng ta thấy ông ta đang tìm cho mình một cách thức để sử dụng của cải mình có. (3) Sau khi “nghĩ bụng” xong, ông “tự bảo” sẽ phá cái cũ, xây cái mới để tích trữ tất cả những gì ông có vào trong đó. Lại một lần nữa, chúng ta có thể nói ông vẫn chưa có gì sai, vì đó là điều chúng ta thường làm [phá đi cái cũ không thể chứa đựng những gì mình có và xây lại cái lớn hơn để chứa đựng hoa lợi]. (4) Điều đáng khiển trách của ông phú hộ là việc “nhủ lòng” của ông: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12:19). Trong những lời này chúng ta có thể nhận ra sự “ích kỷ” của ông phú hộ. Điều này được chứng tỏ rõ ràng hơn qua việc ông tập trung vào chính mình đến nỗi loại trừ Thiên Chúa và người khác ra khỏi cuộc sống mình. Thứ ông ta luôn nghĩ đến chỉ là của cải vật chất. Chỉ trong 4 câu, thuật ngữ “tôi” và “của tôi” lặp lại nhiều lần. Nói cách cụ thể hơn, điều làm cho ông phú hộ bị lên án là ông chỉ tìm kiếm, tích trữ, và sử dụng của cải mình có cho riêng mình mà không nghĩ đến người khác. Thành thật mà nói, nhiều lần trong cuộc sống chúng ta cũng đã hành xử như nhà phú hộ. Chúng ta cũng ích kỷ, chỉ nghĩ đến chính mình, tìm kiếm niềm vui chóng qua và tạm thời đến nỗi Thiên Chúa và người khác không có chỗ trong con tim chúng ta. Lời khiển trách của Chúa Giêsu làm chúng ta thức tỉnh: “‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12:20-21). Những lời này nhắc nhở đến một thực tế mà chúng ta phải đối diện, đó là cái chết. Thật vậy, chính cái chết sẽ làm chúng ta bỏ lại tất cả những gì chúng ta thu gom và tích trữ. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt lại giá trị trong cuộc sống của mình. Những gì chúng ta có phải được chia sẻ cho người khác. Đó là cách thức làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi ngày hãy trao cho nhau những gì Chúa đã ban cho chúng ta: một nụ cười, một lời khen, một lời khích lệ, một vật gì đó làm người khác hạnh phúc và cảm thấy gần Chúa và gần nhau.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB