Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm sau Chúa Nhật XXXI Thường Niên – Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót

(Pl 3:3-8a; Lc 15:1-10)

Trong đời sống thường ngày, nhiều người trong chúng ta cậy dựa vào sức mạnh của thể xác, của vẻ bề ngoài để tìm vinh quang và danh dự cho mình. Trong bài đọc 1, Thánh Phaolô chỉ ra cho chúng ta phải cậy dựa vào điều gì: “Thưa anh em, chúng ta mới thật là những người được cắt bì, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người, những người hiên ngang hãnh diện vì Đức Kitô Giêsu, chứ không cậy vào xác thịt, mặc dầu tôi đây, tôi có lý do để cậy vào xác thịt” (Pl 3:3). Trong những lời này, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta không hãnh diện về điều gì ngoài Đức Giêsu Kitô. Thánh nhân cho biết, đời sống trước kia của ngài có nhiều điều để hãnh diện so với những anh chị em khác. Nhưng khi được biết Đức Kitô, những điều mà thánh nhân hãnh diện trước kia trở nên hư không: “Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3:7-8a). Đức Kitô có phải là mối lợi tuyệt vời nhất của chúng ta không? Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng muốn có những mối lợi lớn. Có mấy ai trong chúng ta nhận ra Đức Kitô là mối lợi lớn nhất của đời mình. Thánh Gioan Phaolô II nói: Hãy mở cửa con tim mình cho Chúa Giêsu, chúng ta không mất điều gì nhưng sẽ được mọi sự. Liệu chúng ta có can đảm mở cửa con tim cho Chúa Giêsu vào chiếm ngự không?

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta hai trong ba dụ ngôn nói về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho tội nhân. Một cách chung, trong ba dụ ngôn này, Thánh Luca nhấn mạnh chủ đề lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ vượt qua tất cả các giới hạn của con người về việc làm thế nào để Thiên Chúa hành động trước tội nhân. Thật vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa quá dại dột như người mục tử bỏ 99 con chiên để cứu một con, như người phụ nữ bới tung căn nhà để tìm được đồng tiền thất lạc, và như người cha vui mừng đón người con trở về sau khi đã trở thành người dân ngoại. Vì những người môn đệ có một Thiên Chúa giàu lòng thương xót như thế, nên họ an tâm, tin tưởng và vui mừng đi trên con đường của Chúa Giêsu để đến với Thiên Chúa. Chi tiết này mời gọi mỗi người chúng ta đôi khi cũng trở nên “dại dột” để vượt qua sự tính toán thua thiệt ở đời để yêu thương và đón nhận những người anh chị em đi lạc xa đường. Chỉ có như thế, chúng ta mới biết chắc là mình đang tiến bước trên con đường theo Chúa Giêsu để đến với Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót.

Hai dụ ngôn được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay có chung một cốt chuyện, đó là: một cái gì đó lạc mất [con chiên hoặc đồng quan], đi tìm, tìm thấy, vui mừng, và cuối cùng mời người khác đến chung vui. Hai dụ ngôn được kết thúc giống nhau với câu khẳng định của Chúa Giêsu về niềm vui ở trên trời khi một người tội lỗi hối cải: “Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15:7, 10). Trong hai kết luận, chúng ta thấy có một sự khác biệt nhỏ, đó là câu 7 chứa đựng một sự so sánh giữa người tội lỗi hối cải với 99 người công chính không cần phải sám hối. Chi tiết này không tìm thấy trong câu 10. Một chi tiết khác mà chúng ta phải lưu ý là trong dụ ngôn đầu tiên, nhân vật chính là người nam, còn trong dụ ngôn thứ hai, nhân vật chính là người nữ. Điều này cho thấy là ai trong chúng ta, dù là nam hay nữ, cũng đều mang trong mình thân phận yếu hèn. Ai trong chúng ta cũng đôi khi đánh mất một cái gì đó [hoặc một ai đó]. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mỗi người như nhau. Hay nói đúng hơn, tình yêu của Thiên Chúa dành cho tội nhân nam cũng như nữ. Chúa luôn tìm kiếm chúng ta. Chúng ta có để Chúa tìm ra chúng ta không hay là chúng ta chạy trốn Chúa như Adam và Eva xưa?

Khi phân tích cẩn thận hai dụ ngôn này, chúng ta nhận ra rằng đề tài quan trọng nhất là đề tài niềm vui [“Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó’” (Lc 15:5-7); “Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất’” (Lc 15:9)]. Niềm vui này có bốn điểm nhấn: (1) các chủ đề về tính phổ quát, cộng đoàn, ơn cứu độ được trộn lẫn với nhau một cách không thể tách rời; (2) sám hối là một điều kiện để tìm thấy niềm vui; (3) hạnh phúc bao gồm chính yếu trong sự sẵn lòng chia sẻ niềm vui của chính Thiên Chúa trong việc trao ban niềm vui cứu độ cho anh chị em mình; (4) lời mời gọi tham dự vào trong tình yêu và niềm vui của Thiên Chúa được ban phát qua Đức Giêsu Kitô. Đề tài niềm vui mời gọi chúng ta tìm đến với Chúa để cảm nghiệm tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Và khi đã cảm nghiệm được tình yêu đó, chúng ta cũng phải chia sẻ cho anh chị em mình bằng cách tha thứ và yêu thương họ như Thiên Chúa đã tha thứ và yêu thương chúng ta.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB