Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Ba sau Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Sống Khiêm Nhường Trước Mặt Thiên Chúa

(Tt 2:1-8.11-14; Lc 17:7-10)

Trong bài đọc 1, Thánh Phaolô hướng dẫn Titô phải giảng dạy như thế nào cho các thành phần khác nhau trong cộng đoàn của mình. Thánh nhân đưa ra những lời dạy phù hợp cho từng thành phần như sau: (1) Đối với các cụ ông cụ bà: “Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành” (Tt 2:2-3); (2) đối với những cặp vợ chồng trẻ: “dạy cho người vợ trẻ biết yêu chồng, thương con, biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà, phục tùng chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm” (Tt 2:4-5); (3) đối với các thanh niên, thiếu nữ, hãy dạy cho họ “chừng mực trong mọi sự” (Tt 2:6). Những lời trên mời gọi chúng ta xét lại cuộc sống của mình. Chúng ta cũng thường vấp ngã rơi vào những lỗi mà Thánh Phaolô đã nêu ra ở trên. Chúng ta cần bắt đầu lại, vì chúng ta không muốn để lời Thiên Chúa bị người khác xúc phạm. Chúng ta không muốn để người khác cười nhạo đạo của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần sống xứng đáng với niềm tin, với danh xưng Kitô hữu của mình. Bên cạnh đưa ra những hướng dẫn cho các thành phần khác nhau, Thánh Phaolô còn kêu gọi Titô phải là người thực hành, làm gương sáng về tất cả những gì mình dạy cho người khác: “Chính anh hãy làm gương về mặt đức hạnh. Khi anh giảng dạy thì đạo lý phải tinh tuyền, thái độ phải đàng hoàng, lời lẽ phải lành mạnh, không ai bắt bẻ được, khiến đối phương phải bẽ mặt, vì không thể nói xấu chúng ta được điều gì” (Tt 2:7-8). Những người hướng dẫn người khác phải là những người thực hành những gì mình giảng dạy. Chính cuộc sống tốt lành thánh thiện của họ là lời dạy thuyết phục nhất.

Sau khi dạy các môn đệ về sự cần thiết của lòng tin trong việc tha thứ cho anh chị em mình, Chúa Giêsu tiếp tục dạy họ về thái độ cần thiết sau khi làm xong những công việc được trao phó. Chúa Giêsu sử dụng mối tương quan chủ-tớ để nói đến trách nhiệm của người môn đệ trong tương quan với Thiên Chúa. Trong phần 1, Chúa Giêsu sử dụng “dụ ngôn” để dạy các Tông Đồ rằng: Trong bất kỳ tương quan nào [nhất là chủ-tớ], mỗi người phải sống đúng với vị trí của mình. Đừng bao giờ đặt mình vào vị trí không phải là của mình. Chúng ta nhận ra điều này trong những lời sau: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi,’ chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’?” (Lc 17:7-8). Trong tất cả các tương quan, khi chúng ta không tôn trọng vị trí của nhau sẽ có sự xáo trộn và hệ quả là chúng ta sẽ tự chia rẽ trong đời sống chung. Trong tương quan với Thiên Chúa, khi chúng ta đặt mình vào vị trí của Chúa, tức là Chúa không còn là trung tâm của cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ trở nên những ông chúa [bà chúa]. Và khi chúng ta trở nên những ông chúa [bà chúa], chúng ta bắt đầu quyết định cho định mệnh đời mình và người khác theo ý của mình. Hệ quả là chúng ta trở nên những bạo chúa đối với nhau. Hãy sống là mình trước mặt Chúa và đối với anh chị em của mình. Đừng cố gắng làm người khác khi mình không phải là!

Khi chúng ta làm đúng và sống đúng với vị trí của mình, chúng ta sẽ sống trong tâm tình tạ ơn. Vì chỉ có những người sống đúng với ơn gọi của mình mới hiểu được rằng mọi sự là ân sủng. Tự mình chúng ta sẽ không làm được điều gì. Mọi sự đến từ Thiên Chúa. Vì vậy, lòng biết ơn là tâm tình của các tạo vật trước tình yêu vô điều kiện của Đấng Tạo Hoá. Những lời sau khuyến cáo chúng ta về thái độ “hòn đá ném đi hòn chì ném lại” khi làm việc cho Chúa: “Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?” (Lc 17:9). Đây chính là thái độ của mỗi người chúng ta khi làm những việc hằng ngày của mình: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17:10). Sự khiêm nhường chỉ có trong tâm hồn của những người biết mình không làm được gì nếu không có ơn Chúa. Nói cách khác, những người sống khiêm nhường và luôn có lòng biết ơn là những người làm việc với thái độ cộng tác vào công trình sáng tạo [liên tục] và cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta có đang sống thái độ này không?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB