(Kh 4:1-11; Lc 19:11-28)
Thị kiến Thánh Gioan thuật lại trong bài đọc 1 hôm nay cho chúng ta thấy cảnh tượng trên Thiên Quốc. Những hình ảnh đáng để chúng ta lưu ý là: (1) Ngai vàng và Đấng ngự trên ngai [“Kìa một cái ngai đặt ở trên trời và có một Đấng ngự trên ngai. 3 Đấng ngự đó trông giống như ngọc thạch và xích não. Chung quanh ngai có cầu vồng trông giống như bích ngọc”]; (2) hai mươi bốn ngai khác và hai mươi bốn Kỳ Mục [“Chung quanh ngai có hai mươi bốn ngai khác, và trên những ngai đó có hai mươi bốn vị Kỳ Mục; các vị đang ngồi, mình mặc áo trắng, đầu đội triều thiên vàng”]; (3) bảy ngọn đuốc tượng trưng cho bảy thần khí của Thiên Chúa [“Từ ngai phát ra ánh chớp, tiếng sấm tiếng sét. Bảy ngọn đuốc, tức là bảy thần khí của Thiên Chúa cháy sáng trước ngai”]; (4) bốn con vật [“Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn Con Vật, phía trước và phía sau đầy những mắt. Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay. Bốn Con Vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh và bên trong đầy những mắt]. Tất cả những hình ảnh này tạo thành “sân khấu” cho những gì sẽ xảy ra trên Thiên Quốc, đó là lời chúc tụng Thiên Chúa cho đến muôn đời: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã có, hiện có và đang đến!” Lời chúc tụng này nhắc nhở chúng ta về cuộc sống của mình là lời chúc tụng Thiên Chúa vì tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là đều đến từ Thiên Chúa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài xứng đáng lãnh nhận vinh quang, danh dự và uy quyền, vì Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên” (Kh 4:11). Mọi sự thuộc về Chúa. Chúng ta có thuộc về Ngài không?
Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta biết việc các môn đệ phải chấp nhận những nguy hiểm trong việc theo Chúa Giêsu, Đấng là vua. Chúng ta phải đọc và giải thích bài Tin Mừng này trong bối cảnh của nó, đó là trả lời cho câu hỏi: Những sự đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, Đấng là vua sẽ như thế nào? Chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là từ “dân chúng.” Theo các học giả Kinh Thánh, từ này bao gồm các môn đệ của Chúa Giêsu, mọi người, và những người chống đối Ngài. Cũng giống với câu chuyện của Dakêu bài Tin Mừng hôm nay nói về việc sử dụng của cải được trao phó thế nào hầu đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu trong cuộc sống của mỗi người. Nói cách cụ thể hơn, bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta sử dụng của cải mình được trao phó hầu sinh lợi cho Thiên Chúa và cho người khác hơn là cho chính mình.
Chi tiết thứ hai để hiểu bài Tin Mừng là việc những thính giả của Chúa Giêsu “tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi” (Lc 19:11). Trong chương 18 [18:17,24-25,29], Thánh Luca đã dạy về những điều kiện cần thiết để vào Triều Đại Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng này, Thánh Luca lại đặt nền tảng cho một khía cạnh mới lời dạy của ngài về Triều Đại Thiên Chúa. Sẽ không có một biểu hiện đầy uy hùng nào của Nước Thiên Chúa ở Giêrusalem. Những gì hiện diện ở Giêrusalem là sự kiên định và trung thành của Chúa Giêsu, Đấng là vua (x. Lc 19:38, 22:29-30; 23:3,11,37-38), vâng phục thánh ý của Cha Ngài. Nếu nhìn từ khía cạnh này, vị vua trong bài Tin Mừng hôm nay chính là Chúa Giêsu. Vị vua này dường như rất đòi hỏi và rất chính xác bởi vì chính bản thân mình đã chấp nhận nguy hiểm với niềm tin, trải qua những đau khổ tột cùng, và mang trên mình dấu ấn của thập giá. Chi tiết này cho thấy, chỉ những người đã trải qua những đau khổ tột cùng, đã cho đi tất cả mới hiểu được giá trị của sự trao ban.
Dụ ngôn bắt đầu với việc trình bày cho chúng ta hai nhóm khác biệt trong tương quan với “người quý tộc,” đó là các tôi tớ và đồng bào ông. Hai nhóm này sẽ có những hành động tương xứng trước khi người quý tộc này làm vua và nhận thưởng phạt tương xứng sau khi ông làm vua. Trước khi làm vua, các tôi tớ được phát cho mười nén bạc và mệnh lệnh: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến” (Lc 19:13). Còn những người đồng bào thì ghét ông, “nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: ‘Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi’” (Lc 19:14). Chúng ta đang thuộc nhóm nào trong hai nhóm trên? Là các môn đệ [tôi tớ], chúng ta được trao cho những nén bạc để sinh lợi. Chúng ta đã làm điều này như thế nào? Nếu thành thật với chính mình, chúng ta nhận ra rằng nhiều lần chúng ta đóng vai “đồng bào,” là những người ghét Thiên Chúa [Chúa Giêsu] vì Ngài đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ nhiều thứ. Chúng ta không muốn Ngài làm vua để cai trị mình vì chúng ta muốn làm vua của cuộc đời mình. Hãy để Thiên Chúa làm vua cuộc đời bạn, và bạn sẽ hạnh phúc hơn.
Sau khi lãnh nhận vương quyền về, vị vua bắt đầu thưởng phạt công minh theo từng nhóm. Trong nhóm tôi tớ, việc thưởng phạt dựa trên việc “thực hiện mệnh lệnh” của Ngài. Những ai thực hành mệnh lệnh sinh lợi những gì ông trao thì được cai trị cùng với ông (x. Lc 19:15-19). Còn những ai không làm theo mệnh lệnh của ông, thì sẽ bị tước hết những gì được trao phó và bị liệt vào hàng những người thù địch. Đối với những người thù địch, họ sẽ bị giết chết trước mặt vị vua: “Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi” (Lc 19:27). Khi đọc câu này, chúng ta thấy dường như vị vua quá “độc ác.” Tuy nhiên, đây là hình ảnh được sử dụng để ám chỉ rằng việc đón nhận sự thống trị của Thiên Chúa trên cuộc sống của mình là một giây phút quan trọng để quyết định. Đáng buồn thay, nhiều người quyết định chống lại sự sống mà Vua Giêsu mang lại. Nói cách cụ thể hơn, hình ảnh này cho chúng ta biết Chúa Giêsu, Đấng là vua, có một vai trò quyết định trong định mệnh con người, bởi vì việc đáp lại lời mời gọi của Ngài quyết định sự sống chết. Áp dụng vào trong đời sống thường ngày của mình, chúng ta cũng thường được Chúa Giêsu mời gọi sống yêu thương, cảm thông và tha thứ từng phút giây. Việc chúng ta đáp trả lại lời mời gọi này quyết định sự sống chết của con tim và trọn vẹn con người chúng ta.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB