Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật XXXIV Thường Niên – Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ – Đức Kitô: Vua Của Sự Thật

(Đn 7:13-14; Kh 1:5-8; Ga 18:33b-37)

Trong bài đọc 1, Ngôn Sứ Đanien trình bày thị kiến về ngày Thiên Chúa phân xử muôn dân. Thị kiến bắt đầu với sự kiện bốn con thú lớn từ biển lên (Đn 7:3). Thị kiến kết thúc với việc khi mọi sự dữ đã bị huỷ diệt, Con Người sẽ được “trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7:14). Chúng ta rút ra được điều gì từ những chi tiết trên? Cuộc sống chúng ta luôn là một cuộc đấu tranh để chọn lựa giữa sự thiện và sự dữ. Nhiều lần chúng ta chiến thắng [chọn điều thiện], nhưng cũng không ít lần chúng ta đã thất bại [chọn sự dữ]. Hơn nữa, có lần chúng ta lại tìm vui cũng như muốn ở mãi trong sự dữ. Nhưng rồi, chúng ta cần biết rằng sự thiện luôn luôn chiến thắng. Khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay ra đi, điều để người khác khâm phục và khóc thương không phải là những sự dữ chúng ta đã làm, nhưng là những sự thiện chúng ta đã thực hiện cho người khác. Hãy làm việc thiện mỗi giây phút, cuộc sống sẽ trở nên đẹp hơn và hạnh phúc hơn.

Thánh Gioan trong sách Khải Huyền hôm nay chỉ ra cho chúng ta chân tính thật của Chúa Giêsu. Ngài là “vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết trỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian” (Kh 1:5). Chân tính của Ngài được mặc khải qua việc “Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1:5-6). Những lời này làm chúng ta suy gẫm. Chúng ta được máu Đức Kitô rửa sạch tội lỗi, và làm cho trở thành những người xứng đáng để phụng sự Thiên Chúa. Nhìn lại ngày sống của mình, không ai trong chúng ta không khỏi hổ thẹn vì đã nhiều lần lỗi phạm làm mất lòng Chúa. Nhưng Chúa vẫn yêu và mời gọi chúng ta trở về với Ngài trong từng giây phút. Liệu chúng ta có nỗ lực để biến cuộc đời mình thành lời ca ngợi Chúa suốt đời không? Hãy “kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men! (Kh 1:6).

Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đối thoại với Philatô về chân tính của mình. Chúng ta viết lại cuộc đối thoại như sau:

Philatô: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?”

Đức Giêsu: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”

Philatô: “Tôi là người Do Thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?”

Đức Giêsu: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.”

Philatô: “Vậy ông là vua sao?”

Đức Giêsu: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”

Cuộc đối thoại này mang đậm lối văn phong của Thánh Gioan cho các cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và thính giả của mình: cuộc đối thoại luôn bắt đầu với không tin hay nghi ngờ đến tin, đến khẳng định về chân tính của Chúa Giêsu. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Philatô bắt đầu về với câu hỏi mang tính nghi ngờ hoặc không biết của Philatô: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Câu hỏi này chỉ cần một câu trả lời ngắn gọn “có” hoặc “không.” Nhưng Chúa Giêsu thay vì trả lời thì Ngài lại hỏi Philatô: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Câu hỏi này hàm chứa hai câu hỏi mà Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của Ngài về chân tính của Ngài: “Người ta gọi Con Người là ai?” và “còn anh em, anh em gọi thầy là ai?” Chúa Giêsu muốn một câu khẳng định mang tính cá nhân. Ngài muốn Philatô biết về Ngài một cách cá vị, chứ không cách chung chung qua việc nghe người khác nói về Ngài. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về tương quan của chúng ta với Chúa. Nhiều khi chúng ta cũng chỉ biết Chúa Giêsu cách chung chung chứ không mang tính cách cá vị. Biết Chúa Giêsu cách cá vị chỉ xảy ra khi thường xuyên gặp gỡ Ngài cách cá vị trong cầu nguyện. Chúng ta có muốn biết Chúa Giêsu cách cá vị không?

Cuộc đối thoại chuyển qua một hướng khác khi Chúa Giêsu hỏi Philatô về kiến thức của ông về Ngài. Thay vì trả lời Chúa Giêsu, Philatô lại hỏi Chúa Giêsu về “việc Ngài làm.” Qua câu hỏi của mình, Philatô chuyển từ câu hỏi “là” sang câu hỏi “làm.” Qua điều này, Thánh sử Gioan ám chỉ mối tương quan giữa “là” và “làm.” Nói cách cụ thể, chính việc Chúa Giêsu làm “mặc khải” Ngài “là” ai. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta phải cẩn thận với những gì mình làm, vì những gì mình làm nói cho người khác biết mình là ai. Trong triết học chúng ta thường nghe: “Hữu thể nào, hành động đó.” Tức là hành động phải đi theo đúng với chân tính của mình: Là người Kitô hữu, hành động chúng ta phải phản chiếu mình là người Kitô Hữu; là người thánh hiến cho Thiên Chúa, hành động chúng ta phải phản chiếu đời sống thuộc trọn về Chúa của mình.

Bài Tin Mừng kết với câu hỏi của Philatô và câu trả lời về căn tính của Chúa Giêsu. Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu chỉ ra Ngài là Vua. Nhưng vì nước của Ngài không thuộc về thế gian này, nên vương quyền của Ngài cũng không thuộc về thế gian này. Ngài không phải là vị vua của quyền lực, nhưng là vị vua của sự thật. Những ai sống trong sự thật thì nghe tiếng Ngài. Nếu chúng ta nhận Đức Kitô là vua, chúng ta phải sống trong sự thật. Sống trong thế giới mà sự thật dần bị sự dối trá lấn át, lễ Chúa Kitô Vua mời gọi chúng ta trở nên những thần dân trung thành của Chúa Giêsu. Chúng ta phải để cho sự thật chiếm ngự môi miệng, tâm trí chúng ta. Chỉ như thế, chúng ta mới nhận ra rằng quê hương thật của chúng ta không thuộc về thế gian này.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB