Healing cụm từ xuất hiện nhiều trên mạng xã hội xã hội và trở thành câu cửa miệng đối với giới trẻ hiện nay. Healing là gì? Healing được hiểu đơn giản là sự hàn gắn, phục hồi cho cảm xúc, tâm hồn và thể chất của con người. Mỗi khi gặp áp lực, không hài lòng về chính mình hay về người khác, các bạn trẻ thường tìm nơi này nơi kia để chữa lành. Tuy nhiên, đó có phải là liệu trình tối ưu duy nhất để chữa lành hay là họ đang né tránh cuộc sống thực tại, né tránh chính mình? Lắm lúc chúng ta cứ loay hoay với những cái bên ngoài mà ít ai nhận ra ẩn sâu bên trong mỗi người có một liều thuốc vô cùng hữu hiệu đó là tình yêu. Tình yêu giúp ta chữa lành, hàn gắn những vết thương. Hơn nữa, nó cũng là liều thuốc tăng cường sức đề kháng để chống lại những chia rẽ, tổn thương. Bởi đâu mà tình yêu lại có sức mạnh kì diệu đến vậy? Tại sao thế giới vẫn còn đó những cuộc chiến tranh, đau thương, hận thù… Phải chăng là trái tim chúng ta vẫn chưa cùng nhịp đập yêu thương?
Khi chúng ta chấp nhận những điểm không hoàn hảo của nhau chính là lúc chúng ta được chữa lành. Chúng ta biết rằng “nhân vô thập toàn”, đã là con người ai cũng gặp những khó khăn, thử thách, yếu đuối, lỗi lầm. Nhưng dù có xấu xa, tồi tệ đến đâu đi nữa trong mỗi con người tiềm ẩn sâu bên trong là trái tim biết rung cảm, yêu thương. Khi chúng ta đặt tình yêu vào trong mỗi lời nói, hành động chúng ta sẽ nhìn ra những điểm tích cực nơi người khác, kể cả người đó là người mà ta không ưa, không thích hay thậm chí có khi là kẻ thù của ta. Thi sĩ Wilde người Aí Nhĩ Lan đã nói rằng: “Mỗi vị thánh đều có một dĩ vãng, mỗi tội nhân đều có tương lai”. Chúng ta đến thế gian này đều có những vấp váp, lỗi lầm và bất toàn của phận người. Nhận ra điều đó để chúng ta nhìn cuộc đời, nhìn con người với ánh mắt bao dung và trái tim đầy thương cảm, rộng mở hơn.
Chúng ta giúp nhau nói lên sự thật trong tình yêu hơn là giữ thinh lặng trong sự “xét đoán” của lý trí. Chữa lành không đồng nghĩa với sự thinh lặng, nhưng cần gặp gỡ, chia sẻ, đối thoại để tìm thấy hướng giải quyết hiệu quả hơn. Khi chúng ta biết dang rộng vòng tay để ôm lấy người khác là lúc ta làm thay đổi con người, giúp họ có giấc mơ tích cực và lý tưởng cho một tương lai đang chờ phía trước. Cuộc đời chúng ta, ai rồi cũng có những lỗi lầm, thiếu sót vì chúng ta chỉ là một thụ tạo hữu hình. Thế nên, chúng ta hãy đối xử với nhau một cách tế nhị, bao dung đầy tình nhân ái để không làm tổn thương chính mình cũng như anh chị em đồng loại.
Cuộc sống sẽ thực sự tràn ngập tình yêu khi mọi người biết tôn nhau lên. Tôn trọng người khác chính là lúc ta đang tôn trọng bản thân mình. Khi chúng ta tôn trọng người khác là ta đang chọn lối sống khiêm nhường, rộng mở để quên đi chính mình và đề cao cái “tôi” của người khác. Quả thật, để có được một gia đình đầm ấm, hạnh phúc người chồng cần tôn trọng vợ, người vợ biết nhường nhịn chồng, con cái phải kính trọng và vâng lời cha mẹ, tất cả mọi người cần lắng nghe và cảm thông cho nhau. Đặc biệt, khi mỗi thành viên làm điều gì sai trái, tồi tệ…những lúc như thế càng cần sự cảm thông, động viên. Và để có một cộng đoàn, tập thể đoàn kết hiệp nhất, yêu thương thì mỗi cá nhân cần tôn trọng nhau, đón nhận những khác biệt, bất toàn trong tình yêu thương. Ngược lại, khi chúng ta thành khiến, chỉ trích thì chính là lúc chúng ta đang tạo nên sóng gió, chiến tranh trong chính bản thân mình. Lúc đó, chẳng có ai la mắng, chẳng có ai đánh đập nhưng chính chúng ta tự làm tổn thương và đưa đến sự mất bình an cho bản thân.
Phải nhìn nhận một thực tế rằng, với thân phận con người yếu đuối chúng ta khó để chữa lành, hàn gắn những vết thương mà chúng ta đã gây ra cho nhau. Đứng trước những lỗi lầm của người khác, đặc biệt là những người ta không ưa, không thích, chúng ta khó lòng cảm thông, tha thứ, giúp đỡ mà ngược lại còn gièm pha, chỉ trích, lên án… Không thể phủ nhận rằng, chúng ta đã hơn một lần giam hãm người khác trong những suy nghĩ tầm thường, trong những khuôn mẫu mà ta đã vẽ ra sẵn. Cho dù những việc làm của họ có đem lại kết quả tốt đi chăng nữa. Thực ra, chúng ta vẫn còn gây ra những tổn thương cho nhau là bởi vì trái tim của chúng ta chưa cùng nhịp đập yêu thương, chưa mở lòng ra để trao ban, đón nhận nhau.
Thánh Augustinô đã khuyên chúng ta: “Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Khi yêu con người ta có nguồn năng lượng nội tâm để tạo nguồn sống mới cho bản thân, cho tha nhân. Thế giới sẽ trở nên tươi đẹp và con người xích lại gần nhau hơn khi trái tim chúng ta biết rung lên những nhịp đập yêu thương. Tình yêu cần đi bước trước. Đừng gây tổn thương cho nhau rồi lại mất công chữa lành.
Hạt Ngọc Niềm Tin