Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Ba sau Chúa Nhật I Mùa Vọng – Thánh Phanxicô Xaviê, Linh Mục – Đời Con Là Lời Rao Giảng Tin Mừng

(1 Cr 9:16-19.22-23; Mc 16:15-20)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Thánh Phanxicô Xaviê. Thánh Phanxicô sinh ngày mồng 7 tháng 4 năm 1506. Thánh nhân là người con út, lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh. Khi chiến tranh kết thúc, thánh nhân được gởi đi học tại đại học Paris. Năm 1530, thánh nhân lấy bằng thạc sĩ và dạy triết học tại đại học đó. Trong khi thánh nhân đang trong thời kỳ đào tạo để trở nên linh mục, Bồ Đào Nha đang đô hộ Ấn Độ. Nhiều người Bồ Đào Nha sống ở Ấn Độ và một vài nơi khác đã dần đánh mất niềm tin của mình và những giá trị Kitô giáo. Để khôi phục lại những giá trị này, vua Bồ Đào Nha khẩn xin Đức Thánh Cha gởi các nhà truyền giáo đến vùng thuộc địa của mình. Đức Thánh Cha mời gọi hội dòng mới đảm nhận công việc truyền giáo, và Thánh Inhaxiô quyết định gởi Phanxicô. Phanxicô ra đi đến Ấn Độ vào năm 1541 vào ngày sinh nhật thứ 35 của mình và đến Ấn Độ ngày mồng 6 tháng 5 năm 1542. Thánh nhân đã nhiệt thành truyền giáo ba năm và đem nhiều người về với Chúa. Thánh nhân đã xây dựng 40 nhà thờ.

Sau khi rời Ấn Độ, thánh nhân đến Nhật vào tháng 7 năm 1549. Sau khi rời Nhật, ngài quyết định trở lại Ấn Độ. Trên đường đi Ấn Độ, tàu của thánh nhân đến Trung Quốc vào tháng 8. Ở đây, thánh nhân phải tự mình kiếm sống. Thánh nhân tìm được người đồng ý đưa ngài vào Trung Quốc sau khi trả một số tiền lớn. Nhưng trong khi chờ thuyền của mình đến, thánh nhân ngã bệnh và qua đời vào ngày 3 tháng 12 năm 1552. Thánh nhân được chôn cất trên đảo đó cho đến tháng 2 năm 1553 khi thân thể của thánh nhân được chuyển đến Malacca nơi thánh nhân được chôn cất trong một nhà thờ trong một tháng. Sau đó, một trong những bạn đồng hành của ngài đưa thân thể của ngài về nhà riêng của mình suốt năm đó. Vào tháng 12, thân thể của thánh nhân được đưa đến Goa và hài cốt của ngài được chôn cất trong một cái hòm bằng bạc và để trong một tủ kính. Phanxicô được Đức Thánh Cha Phaolô V phong chân phước ngày 25 tháng 10 năm 1619 và được Đức Thánh Cha Gregory XV phong hiển thánh ngày 12 tháng 3 năm 1622. Thánh nhân được nhận là bổn mạng của các nhà truyền giáo. Noi gương thánh nhân, chúng ta sống đời sống truyền giáo, đó là mang Chúa đến cho những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày.

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô nói về tầm quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng. Theo thánh nhân, “rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi” (1 Cr 9:16-18). Trong những lời này, Thánh Phaolô khuyến cáo chúng ta rằng việc rao giảng Tin Mừng không phải là nguyên nhân để chúng ta thu lợi cho chính mình. Đây không phải là điều chúng ta muốn làm hay không muốn làm. Đây là điều bắt buộc, là căn tính của những người tin vào Chúa. Làm sao chúng ta không chia sẻ niềm vui Tin Mừng cho những anh chị em đang tìm kiếm niềm vui của Tin Mừng?

Kế đến, thánh nhân nói đến chính mình trong việc rao giảng Tin Mừng: “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1. Cr 9:19, 22-23). Trong những lời này, Thánh Phaolô cho biết ngài đã từ bỏ sự “tự do con người” của mình để trở nên nô lệ cho Tin Mừng. Vì muốn chinh phục nhiều người cho Thiên Chúa, thánh nhân đã trở nên mọi sự cho mọi người. Chúng ta thấy Thánh Phanxicô Xaviê đã noi gương Thánh Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng. Ngài là con người tự do, nhưng đã trở nên nộ lệ cho anh chị em mình, nhất là những anh chị em ở Châu Á. Ngài đã chinh phục nhiều người về cho Thiên Chúa. Một cách cụ thể, Ngài đã làm mọi sự để cho Tin Mừng của Chúa Giêsu được biết đến trên nhiều miền đất Châu Á. Phần chúng ta, chúng ta đã chinh phục được bao nhiêu người cho Chúa?

Bài Tin Mừng hôm nay là đoạn kết của Tin Mừng Thánh Máccô. Trong trích đoạn này, Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ phải làm gì sau khi Ngài phục sinh từ cõi chết và trước khi Ngài được đưa lên trời. Chúng ta nhận ra những yếu tố sau trong mệnh lệnh của Chúa Giêsu: (1) loan báo Tin Mừng; (2) làm phép rửa; (3) dấu lạ sẽ được ban cho các môn đệ. Tuy nhiên, ba yếu này chỉ quy chiếu về một điều là việc rao giảng Tin Mừng phải được thực hiện bằng lời và hành động (x. Mc 16:15-18). Trong cuộc sống, chúng ta cũng có nhiều cơ hội để rao giảng Tin Mừng. Nhưng nhiều khi chúng ta nói nhiều hơn hành động hay nói đúng hơn lời nói không đi đôi với hành động. Rao giảng Tin Mừng đòi buộc lời nói phải đi đôi với hành động. Hãy biến sứ điệp Tin Mừng thành chính cuộc sống của mình.

Sứ mệnh của các môn đệ là tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu: “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16:19-20). Những lời này mời gọi chúng ta phải ý thức rằng sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của chúng ta là sự chia sẻ cũng như tiếp nối sứ mệnh của Chúa Giêsu. Vì vậy, chúng ta phải có thái độ khiêm nhường vì đây không phải là việc đem lại vinh dự cho chính chúng ta nhưng đem lại vinh danh cho Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB