Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Năm sau Chúa Nhật I Mùa Vọng – Lắng Nghe Và Thực Hành Điều Chúa Giêsu Dạy

(Is 26:1-6; Mt 7:21.24-27)

Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều ngôi nhà bị sập vì nền móng không vững chắc; và chúng ta cũng có thể đã có kinh nghiệm ra biển và dùng cát để xây lên những lâu đài cát thật đẹp. Nhưng khi sóng biển ập tới, mọi sự bị cuốn đi không để lại gì. Một cách cụ thể và rõ ràng hơn mà chúng ta chứng kiến hoặc học biết trong đời là: vương quốc hùng mạnh nào rồi cũng đến ngày tận cùng; vua nào rồi cũng phải chết. Mọi thứ trong đời nay còn mai mất. Thánh vịnh gia nói rằng: Đời người như gió bay; họ như cánh hoa sớm nở chiều tàn (Tv 103:15). Từ đây đưa chúng ta về với cuộc đời của chính chúng ta và tự hỏi mình rằng: Tôi đang xây dựng cuộc đời của tôi trên những cái gì?

Có nhiều người xây nhà cuộc đời của mình trên danh vọng và tiền tài. Đến khi nhắm mắt xuôi tay, họ mới nhận ra rằng danh vọng và tiền tài chỉ như cơn gió thoảng qua. Họ mất hết tất cả: Người thân, gia đình và bạn bè. Có người suốt đời chạy theo những khoái cảm của xác thịt và những tình yêu chóng qua, để khi nhìn lại cuộc đời chỉ là những khoảng trống vô tận đầy nước mắt và vô nghĩa. Có những người để cho dòng cuốn của thời đại cuốn trôi họ, để khi nhìn lại họ không có một quyết định tự do nào cho cuộc đời mình.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta chứng kiến nhiều người thường ca hát để diễn tả niềm vui của mình. Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta bài ca của những người trong xứ Giuđa, là những người có Thiên Chúa nâng đỡ. Chúng ta nhận ra những yếu tố sau trong bài ca: (1) Chúa luôn bao bọc dân Ngài: “Chúng ta có thành trì vững chắc: Chúa đã đặt tường trong luỹ ngoài để chở che” (Is 26:1); (2) cửa thành luôn rộng mở để đón chào mọi người: “Mở cửa ra cho dân tộc công chính bước vào, một dân tộc trọn niềm trung nghĩa” (Is 26:2); (3) lời khẩn nguyện xin Chúa luôn gìn giữ dân: “Lạy Chúa, Ngài quyết giữ cho dân được an cư lạc nghiệp, vì họ tin vào Ngài” (Is 26:3); và (4) lời mời gọi đặt trọn niềm tin vào Chúa vì Ngài là Núi Đá bền vững ngàn năm: “Đến muôn đời, hãy tin vào Đức Chúa: chính Đức Chúa là Núi Đá bền vững ngàn năm, vì Người đã lật nhào dân sống ở núi cao, thành trì kiên cố, Người đã triệt hạ, triệt hạ cho bình địa chỉ còn là bụi đất” (Is 26:4-5). Những chi tiết này mời gọi chúng ta hãy biến cuộc đời mình thành bài ca dâng lên Thiên Chúa. Trong bài ca này, chúng ta tin nhận rằng Thiên Chúa luôn là nơi chúng ta ẩn náu và là nơi chúng ta đặt trọn niềm tin. Chỉ trong Thiên Chúa, chúng ta có thể mở rộng cõi lòng của mình để những người chúng ta gặp gỡ có thể đi vào trong con tim của chúng ta để cảm nghiệm ở đó tình yêu dịu hiền của Ngài.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mátthêu trình bày cho chúng ta về bối cảnh của ngày phán xét cuối cùng trong phần đầu (Mt 7:21-23) và dụ ngôn nói về tầm quan trọng của việc lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành (Mt 7:24-27). Những lời trong phần 1 đáng làm chúng ta suy gẫm: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi’” (Mt 7:21). Trong những lời này, Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ Ngài rằng, việc vào Nước Trời không hệ tại việc chỉ tuyên xưng bằng môi bằng miệng, còn lòng thì lại xa Chúa. Điều quan trọng là phải “lắng nghe” và “thi hành” ý muốn của Chúa Cha. Nói cách khác, là sống một đời sống giống như Chúa Giêsu vậy vì Ngài đến không phải để làm theo ý Ngài, mà làm theo ý Đấng đã sai Ngài. Nhìn từ khía cạnh thần học, chúng ta nhận ra rằng mục đích của mỗi người môn đệ của Chúa Giêsu là sống một cuộc sống như thầy mình, là trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Người môn đệ không làm theo ý riêng của mình; người môn đệ cũng không đi theo hành trình mà tự mình vẽ ra. Người môn đệ luôn làm theo ý muốn của Thiên Chúa và đi theo hành trình mà Ngài đã vẽ ra cho mình. Vì người môn đệ biết chắc rằng hành trình mà Thiên Chúa vạch ra cho họ là hành trình đưa họ vào Nước Trời.

Phần hai của bài Tin Mừng cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Luca (6:47-49). Thánh Mátthêu đã biến dụ ngôn này thành dụ ngôn nói về người khôn và người ngu. Với dụ ngôn này, Thánh Mátthêu kết thúc bài giảng trên núi bằng cách quay lại đề tài hai con đường [sống và chết] trong thần học giao ước. Sự tương phản ở đây được phát triển dựa trên một sự song song mang tính phản biện giữa “nghe” và “làm,” và “nghe” và “không làm” [trong khi đó trong câu 21-23 là sự phản biện giữa “nói” và “làm” và “nói” và “không làm”]. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu chỉ ra điều phân biệt người khôn và người ngu hệ tại việc “thực hành”: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (Mt 7:24-27). Điều cần làm sáng tỏ trong những lời trên là câu: “Vậy ai nghe những lời thấy nói đây…” Những lời nào? Đó là chính bài giảng trên núi như là một loại Torah. Đối với Thánh Mátthêu, làm theo lời dạy của Chúa Giêsu là sự khôn ngoan về cuộc sống. Như vậy, sự khôn ngoan trong cuộc sống của chúng ta không hệ tại việc học nhiều hay thành công về mặt con người, nhưng hệ tại việc lắng nghe và đem lời Chúa ra thực hành. Sống khôn ngoan hay ngu dại trước mặt Thiên Chúa là chọn lựa có thực hành lời Chúa hay không. Hãy chọn khôn ngoan để được sống!

Lm. Antôn Nguyễn  Ngọc Dũng, SDB