Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Sáu sau Chúa Nhật I Mùa Vọng – Tin Tưởng Vào Chúa Giêsu Để Được Chữa Lành

(Is 29:17-24; Mt 9:27-31)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Isaia tiếp tục nói đến ngày mà Đức Chúa sẽ giải thoát dân Ngài khỏi cảnh lưu đày. Trong ngày đó “kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy. Nhờ Đức Chúa, những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn khởi, và vì Đức Thánh của Israel, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng” (Is 29:18-19). Trong ngày của Đức Chúa, điều kiện sống của những kẽ khốn cùng sẽ được biến đổi. Nói cách khác, khi mọt người để cho Đức Chúa đến với mình, thì cuộc sống của họ sẽ được biến đổi. Bên cạnh đó, ngày của Đức Chúa cũng là ngày xét xử: “Thật vậy, loài bạo chúa đã không còn nữa, quân ngạo mạn sẽ phải tiêu vong, và mọi kẻ rắp tâm làm điều ác ắt sẽ bị diệt trừ: đó là những kẻ dùng lời nói làm cho người ta bị kết tội, và cho người xử án tại cửa công phải mắc bẫy; chúng dùng những lời lẽ vô căn cứ mà làm cho người công chính bị gạt ra ngoài” (Is 29:20-21). Những lời này khuyến cáo chúng ta về những lần mình “dùng lời nói làm cho người khác bị kết tội,” hay nói cách cụ thể hơn là dùng lời nói để nói không hay không tốt về anh chị em mình. Chúng ta thường nghe nói: lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Trong ngày sống, chúng ta thấy mình và người khác dùng lời nói để tôn vinh Thiên Chúa rồi cũng dùng lời nói để trách Chúa, dùng lời nói để nói tốt cho nhau rồi cũng dùng chính lời nói của mình mà nói xấu nhau. Như vậy, chúng ta có hai chọn lựa: sử dụng lời nói của mình để nói tốt hay nói xấu, để tôn vinh hay kêu trách. Chúng ta sẽ chọn điều gì?

Bài trình thuật trong Tin Mừng hôm nay có mối liên kết chặt chẽ với Mt 20:29-34 và Mc 10:46-52. Ở đây, chúng ta thấy điều quan trọng nhất chính là đức tin. Mỗi phép lạ trong mười phép lạ trong chương 8 và 9 giải quyết một vấn đề khác biệt: phong hủi, nô lệ, sốt, tai ương đến từ thiên nhiên, quỷ ám, bại liệt, chết, băng huyết, mù, câm. Chúng ta thấy ở đây một nỗ lực để bao gồm tất cả mọi vấn đề một cách có hệ thống. Chúa Giêsu được trình bày như người chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, là Đấng đến để hoàn thành lời tiên báo của Isaia 35:4-6. Trong dụ ngôn này, chúng ta nhận ra ý định của Thánh Mátthêu là sử dụng sự mù loà thể lý để nói đến sự mù loà về đời sống thiêng liêng cho các thành viên của cộng đoàn mình. Đây cũng là lời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta về sự mù loà thiêng liêng của mình. Chúng ta cùng nhau học nơi hai người mù hôm nay để xin Chúa chữa chúng ta.

Chi tiết đầu tiên đáng lưu ý là việc Chúa Giêsu “đang trên đường đi.” Khi Ngài đang đi thì “có hai người mù đi theo.” Nếu lưu ý cẩn thận, chúng ta thấy hành động của hai người mù là hành động của những người môn đệ, đó là “đi theo.” Chi tiết này ám chỉ đến việc mù loà của các môn đệ, những người đi theo Chúa Giêsu mà không nhận ra Ngài. Sự mù loà của họ được biểu lộ qua việc họ kêu lên rằng: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi!” (Mt 9:27). Theo các học giả Kinh Thánh, vấn đề ở đây là: Tại sao người chữa lành phải là Con Vua Đavít, bởi vì vua Đavít không có chữa lành ai? Ngày hôm nay chúng ta chỉ có chứng từ nói về việc Solomon được xem như là người chữa lành trong Do Thái Giáo trong thời gian Tân Ước được viết. Như vậy, các môn đệ cũng có sự mù loà về chân tính của Chúa Giêsu chăng?

Trước lời kêu than của họ, Chúa Giêsu không dừng lại để chữa họ mà Ngài tiếp tục hành trình của Ngài. Ngài chỉ bắt đầu tiến trình chữa lành khi “về tới nhà” và khi hai người mù “tiến lại gần.” Hai hành vi này cho thấy một sự nối kết chặt chẽ giữa việc Chúa Giêsu làm và nỗ lực cộng tác của người môn đệ. Hành vi “về tới nhà” của Chúa Giêsu ám chỉ việc Ngài bước vào cõi lòng và cuộc đời chúng ta. Khi Ngài bước vào cuộc đời chúng ta, chúng ta bắt đầu nhận được ánh sàng, vì Ngài là sự sáng. Tuy nhiên, để được điều đó, chúng ta cũng phải “tiến lại gần” Chúa Giêsu. Như vậy, để có được sự chữa lành, chúng ta phải đến gần Chúa và mời người bước vào trong cuộc đời, trong con tim của mình, để rồi tình yêu và ánh sáng của Ngài sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta, giúp chúng ta trở nên ánh sáng để dọi chiếu bước đường cho nhiều người đến với Chúa.

Để việc chữa lành xảy ra, chúng ta nhận ra có những hành động liên quan sau: (1) Tuyên xưng đức Tin – Chúa Giêsu hỏi và họ đáp [“Người nói với họ: ‘Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?’ Họ đáp: ‘Thưa Ngài, chúng tôi tin’” (Mt 9:28)]; (2) hành động và lời của Chúa Giêsu [“Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: ‘Các anh tin thế nào thì được như vậy’” (Mt 9:29). Cũng như hai hành động trên, trong hai hành động này chúng ta thấy phần của chúng ta là đặt niềm tin vào Chúa và rồi để cho Ngài “chạm đến” chúng ta. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta có đức tin, dù rất mong manh. Nhưng rồi chúng ta sợ, không để cho Chúa chạm vào những vết thương của chúng ta để chữa lành. Hãy để Chúa chạm vào những vết thương của bạn để xoa dịu nỗi đau và tổn thương mà bạn đang gánh nặng. Hãy tin vào Ngài vì Ngài luôn tin tưởng bạn.

Bài Tin Mừng kết với một chi tiết đáng ngạc nhiên, đó là việc hai người mù sau khi được mở mắt, họ không còn “tuân theo” lệnh của Chúa Giêsu: “Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: ‘Coi chừng, đừng cho ai biết!’ Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng” (Mt 9:30-31). Chi tiết này cho thấy niềm vui gặp Chúa không có gì có thể ngăn cản để chia sẻ cho hết mọi người. Việc Chúa Giêsu ngăn cấm họ nói về điều này vì Ngài sợ nhiều người sẽ hiểu sai về căn tính của Ngài. Điều này khuyến cáo chúng ta phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, trong cử chỉ hành động của mình, làm thế nào để rao giảng Tin Mừng của Chúa chứ không để người khác hiểu sai về Chúa Giêsu.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB