Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Sáu sau Chúa Nhật II Mùa Vọng – Sống Khôn Ngoan Qua Hành Động

(Is 48:17-19; Mt 11:16-19)

Trong bài đọc 1, Ngôn Sứ Isaiah nói cho chúng ta rằng: “Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng dạy ngươi những điều  bổ ích, Đấng hướng dẫn ngươi trên đường ngươi đi” (Is 48:17). Thiên Chúa luôn dạy chúng ta những điều bổ ích và luôn hướng dẫn chúng ta trên đường mình đi. Chúng ta có theo lời dạy của Ngài không? Theo kinh nghiệm thường ngày, khi chúng ta đưa ra một mệnh lệnh hoặc dạy một ai đó điều mà chúng ta biết chắc mang lại hạnh phúc và niềm vui cho họ, chúng ta luôn muốn người đó tuân theo. Nếu người đó không làm theo mệnh lệnh và sự hướng dẫn của chúng ta thì chúng ta sẽ rất buồn. Thiên Chúa luôn mong muốn chúng ta được hạnh phúc và Ngài biết rằng chúng ta chỉ hạnh phúc khi chúng ta làm theo lời dạy và bước đi trong huấn lệnh của Ngài. Bài đọc 1 cũng chỉ ra cho chúng ta rằng, khi chúng ta tuân theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, thì: “sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển. Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát, con cái ngươi sinh ra sẽ hằng hà sa số; tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt, chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt Ta” (Is 48:18-19). Biết như thế, nhưng chúng ta đôi khi cũng rất “cứng đầu.” Chúng ta đôi khi để cho mặc cảm về thân phận yếu đuối của mình nhấn chìm chúng ta và rồi chúng ta không vượt ra khỏi con người của mình để làm theo mệnh lệnh của Thiên Chúa. Ví dụ, chúng ta biết là khi tha thứ cho người khác “bảy mươi lần bảy,” chúng ta sẽ được giải thoát khỏi nhà tù của hận thù. Nhưng vì chúng ta quá “quen thuộc” với bóng tối của nhà tù và tổn thương, chúng ta không dám tha thứ.

Đoạn trích Tin Mừng hôm nay nói về sự phê bình [phán xét] của Chúa Giêsu về thế hệ của Ngài qua việc sử dụng một dụ ngôn nhỏ (Mt 11:16-17), với một lời giải thích về dụ ngôn (Mt 11:18-19a), và một lời nói khôn ngoan mà có thể được thêm vào sau này (Mt 11:19b).

Theo các học giả Kinh Thánh, dụ ngôn không phải dễ để giải thích: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông rằng: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than’” (Mt 11:16-17). Theo họ, khả thể lớn nhất để giải thích dụ ngôn này là những đứa trẻ là Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Theo nghĩa của bản văn lời mời gọi của những đứa trẻ là chơi trò chơi đám cưới và sau đó là đám tang. Nhưng khi được mời sống niềm vui của đám cưới hoặc nỗi buồn của đám tang thì ‘những đứa trẻ khác’ không đáp lại. Nói theo Kinh Thánh, khi lắng nghe lời Tin Mừng cứu độ, họ không tỏ ra hạnh phúc và vui vẻ đón nhận. Khi được mời gọi để ăn năn sám hối thì họ lại tìm vui trong những thú vui trần thế. Điều này cũng có thể xảy ra cho chúng ta ngày hôm nay. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta không thấy vui vẻ để đến với Chúa, cũng không khóc than cho lầm lỗi của mình. Chúng ta sống chai lì trong lối sống dửng dưng và vô cảm trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Hãy trở nên dễ dạy với Chúa! Hãy đáp lại sứ điệp Tin Mừng của Chúa trong từng hoàn cảnh sống của cuộc đời.

Chi tiết thứ hai để chúng ta suy gẫm là thái độ của “những đứa trẻ khác.” Những đứa trẻ này là những người cùng thời với Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu, là những người loại trừ lối sống quá khắt khe của Gioan Tẩy Giả và cái ách nhẹ nhàng của Chúa Giêsu: “Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’” (Mt 11:18-19). Điều này dạy chúng ta rằng chúng ta sẽ không bao giờ làm vừa lòng hết mọi người. Thật vậy, trong cuộc sống chúng ta thường nghe câu: “Làm dâu trăm họ.” Chúng ta không bao giờ có thể làm vừa lòng hết mọi người. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng dù có làm việc tốt như thế nào đi nữa, vẫn có những tiếng thị phi trong thiên hạ. Hãy cố gắng làm đẹp lòng Chúa và tìm niềm vui trong Ngài hơn là làm vừa lòng người khác mà mất lòng Thiên Chúa.

Câu kết của bài Tin Mừng cho thấy, mọi sự được thực hiện với đức Khôn Ngoan sẽ được chứng minh qua hành động: “Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động” (Mt 11:19b). Chi tiết này khác với Tin Mừng Thánh Luca. Trong hình thức của Thánh Luca chúng ta đọc thấy: “Nhưng đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho” (Lc 7:35). Theo các học giả Kinh Thánh, hình thức của Thánh Luca có thể là bản nguyên thuỷ. Câu này có nghĩa rằng Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu là con cái của sự khôn ngoan. Chính các Ngài đến dùng hành động của mình để minh chứng cho tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi để dùng đời sống và hành động của mình hầu làm cho mọi người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB