Vua Gia Long thống nhất sơn hà vào năm 1802, đã làm thay đổi bộ mặt chính trị. Vua biết ơn Đức giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine 1771- 1799) nên đã đối xử với người Công Giáo tử tế, việc giữ đạo được bình yên và tự do. Khi vừa mới lên ngôi, nhà vua đã tự tìm đến thăm Đức cha Jean Labartette đang ẩn tránh tại Di Loan. Việt Nam Giáo sử ghi: “Lúc vừa tới Huế, vua Gia Long tất tả đi thăm Đức giám mục Bá Đa Lộc. Đức cha J. Labartette đến miền Trung, ngài phải luôn luôn trốn tránh khổ sở, bây giờ không những được tự do, mà còn được nhà vua hậu đãi.”
Có thể chính trong những năm bình yên này, Đức cha đã lập thêm các phước viện Mến Thánh Giá Phủ Cam, Nhu Lý và Bố Liêu cùng các nhà khác ở phía Nam địa phận (Qui Nhơn- Bình Định). Ngài viết: “Chúng tôi có 15 nhà chị em Mến Thánh Giá vừa mới thiết lập tại nhiều tỉnh khác nhau” (Thư gởi Cha Boiret ngày 18.06.1812). Trong Việt Nam Giáo sử II, Linh mục Phan Phát Huồn đã kể tên của các phước viện cựu trào ở Qui Nhơn là Phú Thượng, Trà Kiệu (Quảng Nam), Cù Và (Quảng Ngải), Gò Thị, Gia Hựu, Láng Sông (Bình Định), Mằng Lăng (Phú Yên).
Còn 8 phước viện của Huế thời bấy giờ là : tại Quảng Bình có Trung Quán, Sáo Bùn, Kẻ Bàng và Mỹ Hương ; tại Quảng Trị là Di Loan, Bố Liêu và Nhu Lý ; ở ThừaThiên thì có Phước viện Phủ cam.
Nt. Maria Nguyễn Thị Tuyệt