Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Bảy sau Lễ Giáng Sinh – Các Thánh Anh Hài, Tử Đạo – Làm Chứng Cho Chúa Trong Thầm Lặng

(1 Ga 1:5 – 2:2; Mt 2:13-18)

Chúng ta thường nghĩ rằng để làm chứng cho Chúa, chúng ta phải là những con người trưởng thành. Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống của mình như là chứng tá cho Chúa trong mọi lúc, mọi thời. Làm chứng cho Chúa không lệ thuộc vào tuổi tác, nhưng lệ thuộc vào sự đáp trả của chúng ta với lời mời gọi của Chúa theo cách thức Ngài muốn. Hôm nay, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh của các thánh anh hài, những người chưa thể dùng lời nói của mình để làm chứng cho Chúa, nhưng các ngài đã dùng chính cuộc sống, chính cái chết của mình để làm chứng cho Chúa. Chúng ta sẽ làm chứng cho Chúa như thế nào?

Trong bài đọc 1, Thánh Gioan mời gọi chúng ta làm chứng cho Chúa bằng cách luôn bước đi trong ánh sáng: “Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật. Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giêsu, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1 Ga 6-7). Theo Thánh Gioan, khi chúng ta bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa, chúng ta không chỉ hiệp thông với Thiên Chúa, nhưng còn hiệp thông với nhau. Nói cách khác, ánh sáng của Thiên Chúa không chỉ giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng còn giúp chúng ta nhận ra người khác là anh chị em của mình. Như vậy, những ai nói rằng mình nhận ra Thiên Chúa mà không nhận ra người khác, nhất là những người làm cho mình đau khổ, là anh chị em của mình thì vẫn chưa hành động theo sự thật và bước đi trong ánh sáng. Các thánh anh hài đã bước đi trong ánh sáng và như thế “Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1 Ga 1:9).

Phụng vụ hôm nay liên kết chặt chẽ với mầu nhiệm Giáng Sinh của Hài Nhi Giêsu. Trong đêm Giáng Sinh, chúng ta vui mừng vì một trẻ thơ chào đời. Ngài là Vua Cao Cả. Khi Ngài sinh ra, có các nhà chiêm tinh từ “Phương Đông đến Giêrusalem” (Mt 2:1) để thờ lạy Đấng “được quấn trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2:12), nhưng lại là Vua trời đất. Khi nghe các nhà chiêm tinh báo tin có vị Vua Cao Cả đã chào đời, “vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao” (Mt 2: 3). Và để khỏi mất ngôi vua, ông đã muốn thủ tiêu Người. Theo truyện kể, Hêrôđê là một vị vua rất tàn ác. Ông giết vợ, anh trai và hai anh rể, vì sợ họ soán ngôi. Ngay cả người thân, ông còn giết để bảo vệ quyền lực và ngôi vương của mình thì huống gì là những người dân tầm thường và không có mối dây liên hệ nào với ông như các trẻ thơ vô tội.

Thật vậy, vua Hêrôđê cảm thấy không an toàn và sợ hãi về mối đe doạ cho ngai vàng của ông khi nghe ba nhà Chiêm Tinh từ Phương Đông nói đến một Vị Vua của người Do Thái mới hạ sinh. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi của ông không có nền tảng vì ông không biết rằng vương quốc của Vị Vua mới sinh không thuộc thế gian này (Ga 18:36). Ngài không đến để lật đổ ông, nhưng để chiến thắng ma quỷ và giải thoát con người khỏi tội lỗi. Nhưng ông không hiểu điều này vì ông “không phải là những người bé mọn mà mầu nhiệm nước trời được mặc khải cho” (Mt 11:25), nên ông đã dao động và giận dữ. Và chính vì “đùng đùng nổi giận” (Mt 2:16) và vì muốn thủ tiêu một đứa trẻ ông đang tìm, ông đã nhẫn tâm giết “tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống” (Mt 2: 16). Điều này nói cho chúng ta điều gì? (1) Điều này nói cho chúng ta rằng: Ở đâu con người dùng quyền lực để thống trị, ở đó Thiên Chúa sẽ bị giết chết và những người vô tội sẽ bị bắt bớ. (2) Chúng ta thường sợ những mối đe doạ “không có thật.” Trong thực tế của cuộc sống, chúng ta đôi khi thấy mình bị đe doạ bởi người khác: Người này làm việc giỏi hơn tôi, người kia được quan tâm yêu thương hơn tôi, hoặc người nọ tài năng hơn tôi, nên tôi sẽ bị loại trừ, sẽ mất chổ đứng. Tuy nhiên, khi xem xét tận căn những sợ hãi đó, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng nhận ra rằng những mối đe đoạ này chỉ là những thứ chúng ta tự tưởng tượng ra, chúng không có thật, và nếu có thật thì chúng cũng không nguy hiểm đến mức chúng ta tưởng tượng ra. Chính những “mối đe doạ không có thật này” thường làm cho chúng ta bất an và tìm cách “kéo người khác xuống trước khi họ dẫm lên mình.” Hãy bình thản và nhận ra rằng: Mỗi người đều có một chổ thật tuyệt diệu trong trái tim và trong công trình yêu thương của Chúa và không ai có thể lấy mất.

Tương phản với thái độ sợ hãi và tàn ác của Hêrôđê là thái độ vô tội của các trẻ em đã hy sinh cho Hài Nhi Giêsu mà chúng ta mừng kính hôm nay. Các em chỉ là những đứa trẻ “vô tội và không có quyền lực.” Các em chỉ sống hoàn toàn dựa vào lòng thương xót của người khác. Nhưng, chính trong sự “hoàn toàn bất lực và lệ thuộc” của các em, Thiên Chúa tỏ quyền năng của Ngài, và như thế các em “rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của [các em], để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong [các em]” (2 Cor 12:9). Thật vậy, các thánh anh hài đã chết vì Đấng mà khi sống các ngài không biết. Còn chúng ta, chúng ta có sẵn sàng chết cho Đấng chúng ta ‘đã từng yêu’ không? Chúa Kitô, Đấng làm cho Gioan Tẩy Giả nhảy lên vui sướng và bà Elizabeth được đầy tràn Thánh Thần ngay khi còn trong bụng Mẹ, đã làm cho các ngài trở thành những chứng nhân anh dũng của Người. Các ngài chưa biết nói mà đã biết tuyên xưng Chúa Kitô bằng chính cuộc sống đơn sơ nhỏ bé của mình! Chân tay yếu ớt, các ngài chưa đủ sức xông ra chiến trường, thế mà các ngài lại được lãnh nhận ngành thiên tuế dành cho người chiến thắng vinh quang! Điều này nhắc nhở cho chúng ta rằng: Không phải những ai “xông pha chiến trường” và làm nhiều việc vĩ đại mới được vinh quang trước mặt Chúa; nhưng chỉ người sống hy sinh âm thầm và làm những việc mà “không cho tay phải biết việc tay trái làm” (Mt 6:3) mới được vinh danh trước mặt Ngài. Một công việc được thực hiện cách âm thầm với trọn tình yêu dành cho Chúa và tha nhân là một lời nói thuyết phục gấp nhiều lần so với một bài giảng thật hùng biện với nhiều lời hoa mỹ. Một sự thinh lặng đầy cảm thông mang lại nhiều hiệu quả hơn ngàn lời thiếu tế nhị và thiếu cảm thông!

Hơn nữa, điều làm cho Vua Hêrôđê trở nên tàn ác là ông đã không hiểu được bản chất của quyền lực. Quyền lực là để phục vụ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải là người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20:26-27. Hai đặc tính căn bản của quyền lực là phục vụ [đồng loại] và phục tùng [Thiên Chúa]. Vì không biết tầm quan trọng của việc trở nên “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29) cho một người cai quản dân, nên vua Hêrôđê đã dao động và giận dữ. Và chính khi nổi giận và dao động vì một em bé, là người chưa làm gì và cũng chưa nói gì chống lại ông, vua Hêrôđê đã suy phục em bé đó rồi. Cũng vậy, trong cuộc sống, khi chúng ta để tâm hồn mất bình an hoặc giận dữ với một ai đó, rồi dùng “sức mạnh và quyền lực” để “huy diệt” họ, thì chúng ta đã bị đánh bại bởi cảm xúc nóng giận của chúng ta rồi. Khi chúng ta không thắng được cảm xúc của mình, là cái mình có thể làm chủ vì nó thuộc về mình, thì làm sao chúng ta có thể chiến thắng “người làm cho chúng ta sợ được.”

Ai trong chúng ta cũng có những yếu đuối và lỗi lầm, nên chúng ta phải sống khiêm nhường trước mặt Chúa. Vì nếu ai nói rằng mình “thánh thiện hơn người khác” vì không làm điều mất lòng Chúa và mất lòng nhau, thì chúng ta “lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1:8). Chỉ những người khiêm nhường biết mình là người tội lỗi thì mới có khả năng cảm thông và yêu thương những người yếu đuối và tội lỗi. Chỉ có những người có con tim biết yêu thương với một tình yêu vô điều kiện như Chúa Giêsu mới có khả năng đón nhận những đau khổ và tổn thương mà người khác làm cho mình.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB