(1 Sm 1:20-22.24-28; 1 Ga 3:1-2.21-24; Lc 2:41-52)
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Thánh Gia Thất, là gia đình gương mẫu cho mọi gia đình Kitô giáo. Cùng nhau suy gẫm lời Chúa mà Giáo Hội qua phụng vụ hôm nay đề nghị, chúng ta trở về với những giá trị nền tảng của Kinh Thánh để xây dựng gia đình chúng ta thành một gia đình thánh thiện theo gương Gia Đình Na-da-rét, thành ngôi trường dạy đời sống tin-cậy-mến và các nhân đức. Chúng ta bắt đầu bài chia sẻ hôm nay với mẫu chuyện đơn sơ sau:
Một bác sĩ đang ngồi trầm ngâm nghiên cứu bệnh án của một bệnh nhân. Ngay lúc đó, đứa con nhỏ 4 tuổi của ông chạy đến kề bên nhìn ông và lẳng lặng chơi dưới chân ông. Bị quấy rầy và mất tập trung với sự hiện diện của đứa con, ông rút trong ngăn kéo một thanh sô-cô-la và đưa cho chú bé, nhưng chú bé lắc đầu. Ông lại rút ra ít tiền và bảo chú bé nói mẹ đưa đi mua kẹo bánh. Nhưng chú bé cũng lắc đầu và tiếp tục quấn quít dưới chân ông. Ông liền tức giận hét lên:
“Vậy mày thích cái gì? Mày không biết là mày đang quấy rầy tao không?”
“Con chỉ thích được ở gần bố thôi mà!” chú bé vừa trả lời, vừa mếu máo khóc.
Chúng ta có thích được ở gần những người thân trong gia đình của chúng ta không? Hay chúng ta cảm thấy bị quấy rầy với sự hiện diện của họ? Hỏi một cách khác, chúng ta thích dành thời gian cho ai: thành viên trong gia đình hay những người không phải là thành viên trong gia đình? Trong cuộc sống, chúng ta thường dành nhiều thời gian ở những nơi chúng ta cảm thấy thích, cảm thấy được đón nhận, được yêu thương, và với những người mang lại cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc. Nói một cách cụ thể, ngoài khoảng thời gian bắt buộc trong ngày để làm việc hoặc học hành, khoảng thời gian còn lại chúng ta dành ở đâu và cho ai quyết định tầm quan trọng của nơi đó hoặc người đó trong cuộc đời chúng ta. Thật vậy, chúng ta chỉ dành thời gian cho những người chúng ta yêu thương, chứ không bao giờ dành thời gian cho những người chúng ta không thích hoặc không yêu. Chúng ta tuyên xưng rằng, chúng ta yêu Chúa “hết sức lực, hết linh hồn, và hết trí khôn,” nhưng chúng ta dành cho Chúa bao nhiêu thời gian trong 168 tiếng đồng hồ mỗi tuần sống của chúng ta?
Một cách cụ thể, đa số ai trong chúng ta cũng có cảm giác một đồng hồ ở trong nhà thờ để tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật dài hơn hai đồng hồ xem phim hoặc nói chuyện, hoặc ‘ăn uống’ với bạn bè. Dành thời gian với ‘con người,’ chúng ta thấy thời gian trôi qua thật nhanh. Còn đến với Chúa chúng ta thấy thời gian trôi thật chậm. Chúng ta có cảm giác như thế vì chúng ta chưa yêu Chúa đủ, chưa cảm thấy mình được yêu và được đón nhận. Điều này chúng ta rút ra từ kinh nghiệm sống của chúng ta: Khi chúng ta ngồi với người chúng ta yêu thương, chúng ta dường như không còn quan tâm đến thời gian và thấy thời gian trôi qua rất nhanh. Điều chúng ta quan tâm chính là được ở với người mình yêu. Được ở với người mình yêu là diễm phúc. Đây là điều Thánh Vịnh Gia trong đáp ca ngày hôm nay hát mừng: Những ai ở trong nhà Chúa luôn được chúc phúc (xem Tv 83:5a). Đây là bối cảnh để chúng ta hiểu ý nghĩa của bài đọc 1 và bài Tin Mừng hôm nay.
Bài đọc 1 và bài Tin Mừng hôm nay, có thể nói, có chung một cốt chuyện: Trong bài đọc 1 chúng ta thấy cha mẹ đưa Samuen cùng với của lễ là “một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu” (1 Sam 1:24) lên đền thờ và dâng cho Đức Chúa; còn trong bài Tin Mừng, Thánh Luca thuật lại việc, “hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ” (Lc 2:41-42). Cả hai bài đọc chỉ ra vai trò quan trọng nhất của cha mẹ trong gia đình, đó là: Đem con của mình đến đền thờ để dâng cho Chúa. Nói một cách khác, vai trò của cha mẹ là dạy con cái biết kính sợ Đức Chúa và bước theo đướng lối của Ngài (hoặc “tìm thấy niềm vui trong thánh điện Ngài”). Nhiều khi quá bận rộn với công việc làm ăn, các bậc làm cha mẹ quên mất vai trò là “nhà giáo dục đầu tiên của đức tin cho con cái mình,” và là “những người xây dựng một mái ấm tình thương nơi con cái học yêu và biết được yêu.”
Một thái độ khác mà Tin Mừng hôm nay đề nghị cho các bậc làm cha mẹ là học nơi Thánh Giuse và Mẹ Maria sự dịu hiền và bình thản dù con cái có “lỗi phạm.” Đây là thái độ “chậm giận nhưng giàu tình thương và lòng thành tín.” Ai làm cha mẹ lại không sốt ruột khi lạc mất con của mình [hoặc con cái sai lạc]. Thánh Giuse và Mẹ Maria cũng thế. Họ phải tìm Chúa Giêsu ba ngày. Nhưng khi gặp con trong đến thánh, là nhà của Cha Ngài, thánh Giuse không nói lời nào, ngài vẫn luôn thinh lặng để lắng nghe; Mẹ Maria đơn giản “trách yêu”: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” (Lc 2:48). Đáp lại lời “trách yêu” của mẹ, Chúa Giêsu cũng “trách yêu” lại cha mẹ: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2:49). Một cuộc đối thoại đượm tình yêu thương và cảm thông!
Về phận những người làm con, lời Chúa nói gì với họ hôm nay? Lời Chúa mời gọi những người làm con hãy nhìn vào Đức Kitô, mẫu gương của sự vâng phục và khiêm nhường. Trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy rằng: Chúa Giêsu đang ‘làm đúng’ vì Ngài đang ở trong nhà Cha của Ngài. Nhưng khi Mẹ Maria và Thánh Giuse nói Ngài về nhà của họ ở Na-da-rét, thì “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài (Lc 2: 51). Trong cuộc sống, cha mẹ cũng có lúc sai hoặc không hiểu con cái, nhưng đó không phải lý do để con cái giận hờn và chê trách, hoặc tệ hơn là coi thường cha mẹ. Đó là những cơ hội để con cái hiểu và cảm thông cho cha mẹ hơn vì họ là những người sinh ra và lớn lên khác “thời” với mình. Hỡi những kẻ làm con, hãy học ở Chúa Giêsu, dù là Chúa mà Ngài đã học vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Heb 5:8).
Điều thứ hai lời Chúa đề nghị với những ai mang phận làm con là: Hãy nghĩ xem mình muốn lớn lên như thế nào? Trong xã hội cạnh tranh hôm nay, ai trong chúng ta cũng muốn trở nên tài giỏi, được nhiều người ngưỡng mộ, được thành công trong cuộc sống. Tuy nhiêm, bài Tin Mừng hôm nay đưa ra những tiêu chuẩn cần thiết để lớn lên và thành công trong cuộc sống: “Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52). Con cái được mời gọi lớn lên như Chúa Giêsu, đó là, phải lớn lên không chỉ trong ân nghĩa trước mặt người đời, nhưng còn trong ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa. Kinh nghiệm hằng ngày cảnh báo chúng ta rằng: Nhiều lúc vì chạy theo chúng bạn [hoặc người khác] để được ‘ân nghĩa’ trước mặt họ mà chúng ta đánh mất ân nghĩa trước mặt Chúa. Hãy lớn lên trong ân nghĩa với Chúa và cao lớn trước mặt người đời. Đừng chỉ chọn lựa lời khen của người đời mà đánh mất sự hạnh phúc vĩnh cửu.
Cuối cùng, chúng ta có thể khẳng định rằng: Gia đình Nadarét được xem là “Thánh Gia” vì có Chúa Giêsu hiện diện như trung tâm của gia đình. Cùng cách thức ấy, gia đình Kitô giáo muốn trở nên thánh và “lớn lên trong ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và hàng xóm” cũng phải đặt Chúa Giêsu làm trung tâm của đời sống gia đình và của từng thành viên trong gia đình.
Về phần mình, Thánh Gioan trong bài đọc 2 chỉ ra ơn gọi cao quý của người Kitô hữu, đó là được gọi là con Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều này không tuỳ thuộc vào ơn ích của mỗi người, mà tuỳ thuộc vào tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa: “Anh em thân mến, anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1Ga 3:1). Khi là con Thiên Chúa, là những người “tuân giữ điều răn của Người và làm những gì đẹp lòng Người” (1 Ga 3:22), chúng ta có thể xin bất cứ điều gì, Thiên Chúa cũng ban cho. Bên cạnh đó, Thánh Gioan cũng chỉ rõ điều răn Thiên Chúa muốn chúng ta tuân giữ là chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta” (1Ga 3:23). Khi chúng ta tuân giữ điều răn của Thiên Chúa “thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 3:24). Những chi tiết trên nhắc nhở chúng ta về nhân phẩm và ơn gọi cao quý của mình. Để sống trọn vẹn ơn gọi cao quý này, chúng ta không thể cậy dựa vào sức mình, nhưng hoàn toàn phó thác và đi theo đường lối của Thiên Chúa hầu ở lại trong Ngài. Thiên Chúa luôn muốn ở lại với và trong chúng ta. Về phần mình, chúng ta có muốn ở lại với và trong Thiên Chúa không?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB