(1Ga 2:22-28; Ga 1,19-28)
Trong cuộc sống thường ngày, có những người thấy cuộc sống qua nhiều nước mắt và đau thương thì lại muốn rút ngắn cuộc đời của mình. Đây là một mâu thuẫn nội tại bên trong con người thời hiện đại của chúng ta. Khi hạnh phúc chúng ta muốn sống thật lâu để hưởng phúc, còn khi đau khổ thì than trách cả ngày sinh của mình và cả những người đã đưa mình vào trong thế giới như ông Job. Tuy nhiên, trong tận thâm sâu của con người lại chứa đựng “bản năng sinh tồn” hay còn gọi là khát vọng được sống và sống lâu. Thật vậy, ai trong chúng ta cũng muốn sống lâu trăm tuổi! Đó là lời chúc mà chúng ta thường trao cho nhau trong ngày sinh nhật hoặc trong ngày đầu năm. Trong Cựu Ước, người sống lâu để thấy con cái đến mấy đời là người được Chúa chúc lành. Khát vọng sống lâu là động lực giúp con người thực hiện những nghiên cứu y khoa để sáng chế ra những loại thuốc và những phương pháp chữa trị bệnh hữu hiệu để kéo dài sự sống con người. Dù cho khoa học có phát triển đến đâu thì cũng không thể làm cho con người sống mãi! Vậy khát vọng sống mãi, sống muôn đời của con người sẽ bị chôn vùi trong nấm mồ sao?
Bài đọc 1 hôm nay cho chúng ta câu trả lời về vấn nạn khao khát sống muôn đời của con người. Sự sống muôn đời chính là điều Chúa Giêsu hứa ban ngay từ khởi đầu: “Và đây là điều mà chính Đức Ki-tô đã hứa ban cho chúng ta: sự sống đời đời” (1Ga 2:25). Như vậy, sự sống muôn đời của chúng ta chỉ tìm thấy nơi Đức Kitô: “Còn ai uống nước Tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4:14). Chỉ có những người ở lại trong Đức Kitô, hay đúng hơn, để Đức Kitô ở lại trong họ mới có được sự sống đời đời. Nói một cách khác, con người chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời của mình trong Đức Kitô. Chỉ khi chúng ta “ở lại trong Người, thì khi Người xuất hiện, chúng ta được mạnh dạn, chứ không bị xấu hổ, vì phải xa cách Người trong ngày Người quang lâm” (1Ga 2:18).
Điều thứ hai để chúng ta suy gẫm là thái độ của chúng ta khi làm việc. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa Giêsu bằng cách quy chiếu mọi sự về Chúa Giêsu. Ông không nhận cho mình những danh hiệu mà người khác nghĩ ngài sẽ là. Ngay cả những việc vĩ đại ông làm ông cũng quy chiếu về Chúa. Về phần chúng ta, khi được nổi tiếng, được nhiều người chú ý đến, chúng ta cảm thấy hãnh diện và chúng ta muốn mình trở thành trung tâm mọi sự. Chúng ta thường hãnh diện với tài năng của mình nhưng chúng ta quên mất người ban cho chúng ta những tài năng đó. Đôi khi, chúng ta nhận cho mình những gì không thuộc chúng ta. Điều này nhắc nhở cho những người đã thánh hiến đời mình cho Chúa. Khi chúng ta tuyên khấn, chúng ta đã dâng cho Chúa mọi sự, chúng ta không còn sở hữu gì cho chính mình. Vậy mà trong cuộc sống thường ngày, chúng ta từ từ rút lại những gì chúng ta đã dâng cho Chúa. Thật là đáng buồn: Tặng quà cho người khác hôm nay và ngày mai lấy lại!
Điều thứ ba chúng ta rút ra từ bài Tin Mừng là làm sao biết chính mình. Nhiều người trong chúng ta mất nhiều thời gian và tiền của để tìm biết mình là ai, nhất là qua tâm lý học. Chìa khoá để biết chính mình trong Tin Mừng hôm nay là “mối tương quan thâm sâu với Chúa Giêsu.” Chúng ta nhận thấy điều này trong hình ảnh của Thánh Gioan Tẩy Giả, người suốt đời chỉ làm chứng cho Chúa Giêsu và chỉ cho mọi người thấy Chúa Giêsu là ai. Bài Tin Mừng ghi lại quá trình biết chính mình của Thánh Gioan Tẩy Giả thật tuyệt vời như sau: Một số người Do Thái từ Giê-ru-sa-lem đến hỏi:
- “Ông là ai?”
- “Tôi không phải là Đấng Kitô.”
- “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?”
- “Không phải.”
- “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?”
- “Không.”
- “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?”
- “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.”
- “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?”
- “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”
Chúng ta thấy tiến trình “biết mình” của Thánh Gioan Tẩy Giả bắt đầu với việc khẳng định những gì ông ta “không phải là,” để cuối cùng dừng lại với những gì “ông ta là.” Và điều “ông ta là” chính là điều Chúa muốn ông và được tiên báo trong sách Ngôn sứ I-sai-a. Thật vậy, những câu hỏi xoay quanh căn tính và công việc của Gioan Tẩy Giả, nhưng ông không trả lời về bản thân mình, mà luôn quy chiếu về Đức Kitô, Đấng mà ông không xứng đáng để cởi quai dép cho Người. Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Điều này cho chúng ta hay rằng: Căn tính và công việc của chúng ta sẽ không có giá trị gì nếu chúng không quy chiếu mọi sự về Đức Kitô và làm chứng cho Ngài. Để biết mình là ai, hãy đến với Chúa, Đấng đã “hình thành và thánh hiến con ngay khi con còn trong bụng mẹ” (Ger 1:5).
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB