Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật Chúa Hiển Linh – Trở Nên Ánh Sao Đưa Người Khác Đến Với Chúa

(Is 60:1-6; Ep 3:2-3a.5-6; Mt 2:1-12)

Phụng vụ hôm nay liên kết chặt chẽ với phụng vụ của Lễ Giáng Sinh chúng ta đã cử hành và Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa chúng ta sẽ cử hành tuần tới. Trong Lễ Giáng Sinh, chúng ta cử hành mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu, Đấng duy nhất nhìn thấy Chúa Cha (x. Ga 1:18); Ngài đến để đưa chúng ta về với Chúa Cha (x. Ga 14:3). “Ánh sáng” giúp các mục đồng nhận ra Hài Nhi Giêsu là các thiên thần. Trong Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa tuần tới, Thánh Gioan Tẩy Giả sẽ là ngôi sao để chỉ ra Đấng chịu Phép Rửa trên sông Gio-đan là Đấng nhập thể trong Lễ Giáng Sinh và Đấng tỏ mình ra cho các nhà chiêm tinh hôm nay. Và hôm nay, ngôi sao dẫn ba nhà Chiêm Tinh đến với Chúa Giêsu là ngôi sao xuất hiện từ phương đông. Chúng ta nhận thấy rằng: Mọi tạo vật đều được mời gọi để trở thành ngôi sao đưa người khác đến với Chúa Giêsu, dù đó là Thiên thần, con người, hay thiên nhiên. Tất cả đều quy chiếu về Đức Kitô, Đấng nhập thể “làm người” để con người được “làm con Thiên Chúa.”

Trong bài đọc 1, Ngôn Sứ Isaia nói về viễn cảnh Giêrusalem sẽ trở thành ánh sáng cho muôn dân đến với Đức Chúa. Để trở nên ánh sáng Giêrusalem phải ‘đứng lên’ và ‘bừng sáng lên.’ Hai hành động này ám chỉ việc Giêrusalem cần phải đi ra khỏi bóng đen của nô lệ tội lỗi để ‘vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi’ (Is 60:1). Điều đáng để chúng ta suy gẫm ở đây là việc ánh sáng của Giêrusalem không phải tự mình mà có, nhưng là ‘phản chiếu’ của ánh bình minh và vinh quang của Đức Chúa. Nói cách khác, chỉ khi Giêrusalem để cho Đức Chúa như bình minh chiếu toả và vinh quang Ngài xuất hiện trên mình thì Giêrusalem mới trở thành ánh sáng để soi chiếu cho “chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60:3). Chỉ trong ánh sáng của Đức Chúa mà Giêrusalem sẽ trở nên hớn hở từng bừng và trở nên khí cụ để qua ánh sáng của mình muôn dân sẽ “loan truyền lời ca tụng Đức Chúa” (Is 60:6). Lời Chúa trong bài đọc 1 mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc đời của mình dưới hai khía cạnh: Thứ nhất, chúng ta được mời gọi trở nên ánh sáng để soi chiếu cho người khác đến với Chúa. Thứ hai, ánh sáng chúng ta có là ‘phản chiếu’ ánh sáng của Thiên Chúa. Nhiều lần trong cuộc sống, thay vì trở nên ánh sáng cho người khác, chúng ta mang bóng tối đến cuộc đời của họ. Đó là những lúc chúng ta không phản chiếu tình yêu của Chúa cho anh chị em mình. Nói cách cụ thể hơn, đức tin và việc làm của chúng ta không đi đôi với nhau. Ngôn Sứ Isaia mời gọi chúng ta biến cuộc sống của mình thành ‘tấm gương’ để qua đó bất kỳ ai nhìn vào cũng nhận ra hình ảnh Thiên Chúa phản chiếu trong đó.

Về phần mình, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 chia sẻ với các tín hữu Êphêsô về ơn gọi và kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho ngài liên quan đến những người Ngài sẽ phục vụ (x. Ep 3:2). Ơn gọi và kế hoạch này là “trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3:6). Trong những lời này, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa là dành cho hết mọi người chứ không chỉ dành riêng cho một ‘dân tộc được tuyển chọn.’ Chính vì lý do này mà Thiên Chúa đã mời gọi tất cả chúng ta chia sẻ trong sứ vụ làm cho ơn cứu độ của Ngài được mọi người biết đến và đón nhận. Ngài cũng dùng nhiều phương tiện khác nhau để dẫn con người đến với Ngài. Đây là điều được trình bày trong bài Tin Mừng hôm nay.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta hành trình của ba nhà chiêm tinh tìm kiếm Vua dân Do Thái mới sinh. Bên cạnh đó, Thánh sử Gioan cũng trình bày các “phương tiện” hay “con đường” dẫn con người đến với Đức Ki-tô. Các phương tiện này được xếp theo một trình tự từ xa đến gần, và chúng ta có thể nói, từ ít chắc chắn đến chắc chắn. Thứ tự được xếp như sau: Thiên nhiên (ngôi sao từ phương đông) – con người (Hê-rô-đê và các kinh sư, biệt phái) – Kinh Thánh (đặc biệt là lời các ngôn sứ). Đây là những ánh sao mà chúng ta đã đề cập ở trên. Quả vậy, nhìn những ánh sao này, chúng ta không khỏi tự hỏi về ánh sao của đời mình: Đang chiếu sáng để dẫn người khác đến với Chúa Giêsu; đang bị che khuất bởi nhiều lo lắng của trần gian; hoặc đã không còn chiếu sáng. Nói một cách thực tế hơn, tất cả chúng ta đã nhìn thấy sao đêm. Có người đã xem bộ phim “chiến tranh giữa các vì sao” của George Lucas; nhiều người cũng đã đọc và có thể đã gặp nhiều ngôi sao về nhạc, về thể thao, về phim ảnh. Chúng ta muốn trở thành những ngôi sao giống những người nổi tiếng. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Những ngôi sao đó có dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu không? Ngôi sao tuyệt với nhất là ngôi sao dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu! Tất cả chúng trở thành ngôi sao khi chúng ta đưa người khác đến với Chúa Giêsu: Cha mẹ là ngôi sao của con cái; bạn bè là ngôi sao của nhau.

Hơn nữa, bài Tin Mừng hôm nay cũng đưa chúng ta đối diện với một vấn nạn trong cuộc sống mà đôi khi vì quá bận rộn chúng ta không có thời gian để hỏi: Chúng ta đang tìm gì trong cuộc sống? Nghề nghiệp, tiền tài, danh vọng, một tình yêu chân thật, hay một gia đình hạnh phúc? Trên đỉnh cao của sự nghiệp, ba nhà chiêm tinh đi tìm Chúa Giêsu, Hài Nhi mới sinh (vị vua mới sinh). Trên đỉnh cao của sự nghiệp và danh vọng, họ không tìm kiếm giải trí, thêm tiền của và ảnh hưởng. Họ không tìm một cái gì, nhưng họ tìm một “Ai Đó.” Họ tìm Chúa Giêsu. Họ dạy chúng ta về việc đặt giá trị con người lên trên giá trị vật chất: Tìm kiếm Nước Thiên Chúa, bạn bè và nước trời bằng những của cải chóng qua. Chúng ta tự hỏi: Gia đình và các thành viên trong gia đình [cộng đoàn] quan trọng hơn tiền tài và công việc không? Chúa Giêsu có quan trọng đối với chúng ta không?

Nhìn vào ba nhà Chiên Tinh, chúng ta rút ra được thêm gì cho cuộc sống ngoài việc đặt Thiên Chúa và nhân phẩm người khác lên trên giá trị vật chất?  Chúng ta có thể rút ra bốn điểm cụ thể sau:

Thứ nhất, qua hành trình của mình, ba nhà Chiêm Tinh dạy chúng ta rằng: Hành trình tìm Chúa Giêsu không phải là một hành trình dễ dàng. Có những lúc đi trong hân hoan vui sướng vì có “ánh sao” soi đường, nhưng cũng nhiều phen phải đi trong bóng đêm vô định mà không có phương hướng. Để thực hiện hành trình tìm Chúa Giêsu, các ông phải đi ra khỏi đất nước của mình, nơi họ cảm thấy gần gũi và an toàn; đi xa khỏi những người thân, những tiện nghi của cuộc sống hằng ngày và sẵn sàng chấp nhận những bất tiện và thiếu thốn của hành trình. Chúng ta cũng thế, nếu muốn tìm gặp Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải đi ra khỏi những tiện nghi và ồn ào của đời sống thường ngày và sẵn sàng chấp nhận bất kỳ bất tiện và mệt nhọc nào mà hành trình mang lại cho chúng ta. Chúng ta phải tự hỏi mình: Những tiện nghi nào trong cuộc sống thường ngày đã giữ tôi lại hoặc làm cho tôi chùn bước, không còn hăng hái tiến lên trong hành trình tìm Chúa của tôi? Những tiện nghi đó có thể là công việc, lười biếng, ghen tỵ, giải trí, “vui chơi” với bạn bè chăng?

Điều thứ hai chúng ta có thể học ở nơi ba nhà Chiêm Tinh là: Họ sử dụng công việc của họ để khám phá ra Chúa Giêsu và đưa họ đến với nhau. Là những nhà chiêm tinh, công việc của họ là nghiên cứu các ngôi sao và tinh tú. Chính khi thực hiện công việc của mình cách thấu đáo, và với đông lực “hướng về trời cao,” họ khám phá ra Chúa Giêsu, vị vua của Dân Do Thái. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có xem công việc của chúng ta là phương thế để chúng ta khám phá ra Thiên Chúa không, hay chúng ta xem công việc chỉ là một gánh nặng và càng ngày càng đưa chúng ta xa Chúa và xa người khác?

Điểm thứ ba là: Đừng đến thờ lạy Chúa Giêsu với hai bàn tay trắng. Ba vua đem quà đến dâng cho Vua mới sinh: (1) Vua Gas-pa dâng Vàng: để tôn kính (tượng trưng cho) vương quyền của Đức Ki-tô (Ngài là vua); (2) Vua Balthasa dâng nhũ hương: để tôn kính thần tính của Chúa Giêsu; (3) Vua Melchior dâng mộc dược: để tôn kính nhân tính của Chúa Giêsu (mộc dược được dùng và việc tẩm liệm Chúa Giêsu (x. Ga 19:39). Chúng ta có gì để dâng cho Chúa trong thánh lễ hôm nay không? Và món quà của chúng ta để tôn kính điều gì?

Điểm cuối cùng là: Sau khi gặp Chúa Giêsu, ba nhà chiêm tinh đi đường khác để trở về xứ sở mình. Cũng vậy, chúng ta phải thay đổi, không sống theo lối sống cũ sau khi gặp Chúa Giêsu, nhất là trong thánh lễ: Những ai gặp Chúa Giêsu không trở về cùng con đường khi đi đến! Thật vậy, gặp Chúa Giêsu luôn mang lại sự thay đổi tận căn! Đây là tiêu chuẩn để biết một người có gặp Chúa Giêsu hay không: Họ sống một cuộc sống yêu thương và tha thứ hơn!

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB