Dẫn nhập
Vì yêu nhân loại, trái tim Thiên Chúa đã chung nhịp đập với trái tim con người. Ngài không lãnh đạm trước nỗi khổ đau, bất hạnh của kiếp nhân sinh, nhưng là mong cho con người được sống và sống hạnh phúc. Ngôn sứ Hôsê đã diễn tả cách chân thực hình ảnh một Thiên Chúa đang thổn thức vì con người: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan ta bồi hồi” (Hs 11,8). Vì Ngài là tình yêu nên trái tim của Ngài “không ngủ yên”. Chính tình yêu tạo nên sáng kiến, và Thiên Chúa mặc lấy xác phàm là một sáng kiến tuyệt vời nhất để nói lên tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Là hình ảnh của Thiên Chúa, con người được dựng nên có trí khôn và có một trái tim biết rung động. Nói như triết gia Pascal thì con người là một cây sậy biết suy tư. Chính nhờ có trái tim biết yêu thương và lý trí để suy luận mà con người luôn mang trong mình những băn khoăn, trăn trở về cuộc đời. Ngoài những băn khoăn, lo lắng chung của kiếp nhân sinh, không ít người trong cộng đồng nhân loại đã luôn khắc khoải, suy tư về những giá trị cao đẹp của cuộc đời. Họ là những con người cả một đời luôn trăn trở và hy sinh cho một sự cống hiến cao đẹp. Họ hướng đến cái chân, thiện, mỹ và nỗ lực để phát huy, kiến tạo những giá trị tinh thần, những tinh hoa của nhân loại. Vẫn còn đó những con người dành cả cuộc đời mình cho một lý tưởng, chỉ đến khi nhắm mắt xuôi tay họ mới hết băn khoăn, trăn trở về cuộc đời. Người ta gọi đó là thao thức. Thao thức chính là nhịp cầu để đưa tình yêu vào trong cuộc sống. Có những thao thức làm nên sự canh tân cho thế giới; có những thao thức giúp biến đổi lòng người; và có những thao thức giúp nhận chân giá trị của con người cũng như những nét đẹp của văn minh nhân loại. Trong Giáo Hội vẫn luôn có rất nhiều những tâm hồn ngày đêm thao thức cho Giáo Hội được tiến tới trên con đường hoàn thiện. Và, Giáo Hội vẫn luôn mời gọi chúng ta tiếp tục xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô khởi đi từ những thao thức.
- Thao thức và sự cần thiết của thao thức
Thao thức là một từ ngữ rất quen thuộc trong ngôn ngữ của người Việt, nhất là trong các tôn giáo. Ngày nay từ ngữ này ít được sử dụng và hình như người ta cũng tránh dùng nó với lý do là không hiểu rõ nghĩa của từ ngữ này. Vậy thao thức là gì?
- Khái niệm
Theo các sách từ điển Tiếng Việt thì thao thức là từ ngữ để diễn tả trạng thái của người không ngủ được vì có điều phải lo nghĩ không yên. Ở một số nơi, thao thức là một động từ, đồng nghĩa với từ trăn trở, trằn trọc.
Thực ra đây là một từ vay mượn trong tiếng Việt. Thao thức là từ gốc Hán, được dùng để nói tới sự suy tư của con người về một hay nhiều vấn đề có tính nan giải liên quan đến con người và xã hội. Theo Từ điển Hán việt[1] từ “thao” mang rất nhiều nghĩa, nó biểu trưng cho số nhiều và sự kéo dài… Đồng thời nó còn có nghĩa là giấu kín, phàm sự gì giấu kín không lộ ra đều gọi là thao. Còn từ “thức” có nghĩa là biết, thấy mà nhận biết được thì gọi là thức. Nó nói lên sự hiểu biết của một ai đó.
Như vậy, có thể hiểu thao thức là suy nghĩ, băn khoăn về một vấn đề mà nó trở đi trở lại nhiều lần trong tâm trí của một người đã nhận thức được sự khẩn thiết của vấn đề đó trong cuộc sống. Nói một cách dễ hiểu, thao thức là ước muốn của con người về những giá trị viên mãn trong cuộc đời. Đó là những ước muốn nhằm nâng cao phẩm cách con người, những giá trị tinh thần, những tinh túy của văn minh nhân loại. Đó còn là khát vọng mong cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Như thế, thao thức luôn đi kèm sự khát mong nên nó không chỉ là trăn trở, suy tư nhưng là đòn bẩy để hướng tới hành động. Khi đã có thao thức, con người sẽ có những sáng kiến để góp phần xây dựng cuộc sống vươn tới sự thành toàn.
Do đó, chủ thể thao thức phải là những người có sự hiểu biết sâu sắc về cuộc đời, cùng những giá trị của con người thuộc mọi thời. Họ là những người đã được hấp thụ “luồng khí trong lành” và có một con tim nhạy bén được hun đúc từ những giá trị tinh thần cao đẹp. Họ có lý tưởng rõ ràng và không ngừng trau dồi bản thân để cống hiến trọn vẹn và hết mình trong lĩnh vực mà họ dấn thân. Họ sẵn sàng hy sinh bản thân để phục vụ cho lý tưởng cao đẹp đó.
- Tại sao phải thao thức?
Thao thức là hướng nỗi bận tâm của mình về người khác, có thể là cá nhân, tập thể hay một giá trị nào đó. Thao thức luôn luôn nhắm tới những giá trị tinh thần hơn là vật chất, những yếu tố phi vật thể hơn là vật thể. Đó có thể là những vấn đề muôn thuở mà nhân loại chưa đạt tới giá trị tuyệt đối. Hầu hết những vấn đề khiến cho một người thao thức cũng là vấn đề mà tất cả mọi người đều nhận thấy, nhưng không phải ai cũng mang trong mình sự thao thức. Chỉ có những người có lòng yêu mến và thực sự tâm huyết thì mới băn khoăn, trăn trở và mang những nỗi bận tâm đó vào mình. Chính vì thế, người ta chỉ thao thức về điều thiện, không ai thao thức về điều xấu bao giờ. Nhưng chính từ những điều xấu đang tràn lan trong xã hội mà họ thao thức cho điều thiện được lớn lên và lan tỏa khắp nơi.
Cuộc sống con người là hành trình đi tới, cuộc đời như một chiếc thang cuốn chúng ta phải đi lên hoặc đi xuống chứ không được đứng yên. Cho nên tự nơi mỗi người luôn có khát vọng vươn tới điều tuyệt đối chứ không chịu dừng lại ở cái tương đối. Chính vì khát vọng vươn tới cái tuyệt đối nên con người luôn khao khát được nên hoàn thiện. Những con người thực sự khao khát điều đó thì luôn mang trong mình sự thao thức khôn nguôi. Thao thức càng lớn thì động lực dấn thân càng mãnh liệt.
Nhưng tại sao phải thao thức? thao thức chính là một hình thức kiến tạo thế giới. Người có thao thức luôn là người biết xây dựng thế giới. Bất kể thời đại nào hay xã hội nào cũng đều có sự bất công, tệ nạn và vô số những vết đen, hố sâu của tội lỗi. Nhờ có sự thao thức của những tâm hồn thiết tha mong cho thế giới được tốt đẹp mà có những con người, tổ chức dám đứng lên để bênh vực công lý, bảo vệ nhân phẩm con người và góp phần xây dựng, củng cố những giá trị tinh thần. Cuộc đời luôn là sự đối kháng, nếu thế giới đi dần tới văn minh của sự chết thì tôn giáo lại giúp con người tìm lại được giá trị của sự sống. Có những con người tìm cách để hủy hoại điều đáng quý thì cũng sẽ có những con người ngày đêm nỗ lực để gầy dựng điều đó.
Chính vì thế, xã hội hôm nay đang rất cần những con người mang trong mình những thao thức cháy bỏng để làm thay đổi thế giới. Giáo Hội hôm nay vẫn còn đó những yếu đuối và sai lầm; ở ngoài kia vẫn còn biết bao mảnh đời lang thang, khốn khổ; bên cạnh chúng ta vẫn còn biết bao người chưa nhận biết Chúa, những con người đang lần mò trong bóng đêm mà không tìm được hướng đi cho cuộc đời mình.
Phải chăng, Chúa đang chờ đợi chúng ta chứ không phải ai khác hãy làm điều gì đó cho họ. Chúng ta sẽ làm gì nếu ta chưa thực sự yêu, chưa thực sự mang họ vào mình, chưa biến điều đó thành sứ mạng của cuộc đời chúng ta. Nếu cầu nguyện là hơi thở của linh hồn thì thao thức chính là lá phổi. Lá phổi có tốt thì thở mới dễ dàng, đều đặn; nếu lá phổi gặp vấn đề thì nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hơi thở và cuộc sống của người đó. Do vậy, thao thức chính là chất liệu của đời sống cầu nguyện. Thao thức đưa con người đến gần Thiên Chúa, và nơi Thiên Chúa thao thức của con người được gọt tỉa và thành toàn. Thao thức cũng chính là cống hiến. Không ai thao thức điều mình không có, nhưng chính vì họ đã nhận thức được giá trị của điều đó nên họ thao thức gửi gắm nó cho đời. Và khi gửi gắm cũng chính là lúc họ vào cuộc, họ cống hiến những gì họ có và đang nắm giữ để làm cho con người đạt tới ngưỡng của hạnh phúc.
Chính nhờ có thao thức mà ta thêm nhiệt huyết hơn và có cơ hội để sống gắn bó với Chúa hơn. Khi ta thao thức cũng là lúc ta mang trong mình những bận tâm của Thiên Chúa về Giáo Hội và thời đại này. Vì chính Chúa Giêsu đã mang lửa vào trần gian và Ngài những ước mong phải chi lửa ấy được cháy bừng lên.
- Giáo Hội cần những thao thức
- Thao thức: biểu lộ tình yêu đối với Giáo Hội
Chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa không phải bắt đầu từ mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng là bắt nguồn trong ý định của Thiên Chúa từ thuở đời đời. Việc chuẩn bị lòng dân trong thời Cựu Ước đã nói lên những thao thức của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đức Kitô là đỉnh cao cho sự thành toàn của những thao thức đó. Và chính Đức Kitô khi đến trần gian Ngài lại mang những thao thức của một vị Thiên Chúa làm người. Ngài không chỉ dùng cái chết trên thập giá để biểu lộ tình yêu đối với nhân loại. Ngài đã yêu và yêu cho đến cùng. Chính vì yêu mà trái tim của Thiên Chúa đã trở nên trái tim của nhân loại. Không lúc nào Ngài không lo lắng cho đàn chiên. Ngài làm tất cả vì chúng ta, thế nhưng vẫn chưa đủ, Ngài vẫn không yên tâm khi rời bỏ con người để về trời. Chính vì thế, Ngài đã có sáng kiến để ở lại với con người qua Bí tích Thánh Thể.
Thánh Phaolô Tông Đồ cả một đời khát khao vươn tới đỉnh cao của chân lý. Chính vì muốn phụng sự cho chân lý mà thánh nhân tìm cách bắt bớ những người đi ngược lại với điều mà ngài tin là chân lý. Khi nhận ra mình đã sai lầm và biết được đâu mới là chân lý thật thì ngài lại nhiệt thành để phụng sự cho chân lý đó đến hơi thở cuối cùng. Ngài ước ao mọi người cũng nhận biết chân lý và được đón nhận ơn cứu độ như ngài.
Chính tình yêu Đức Kitô đã thúc bách vị Tông Đồ ra đi đến những vùng ngoại biên, đến tận cùng của thế giới để loan truyền về cái chết và sự phục sinh của Đấng đã hiến thân cho nhân loại vì tình yêu. Đó chính là sự thao thức lớn nhất trong cuộc đời của ngài. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc loan báo Tin Mừng và giúp mọi người tin nhận Chúa, mà thánh nhân còn luôn trăn trở, chăm lo cho đời sống đức tin, luân lý của họ khi đã đón nhận Tin Mừng. Đặc biệt, ngài còn băn khoăn, thao thức hơn khi thấy có những phần tử yếu đuối, cần được sự nâng đỡ: “Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh. Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên” (2Cr 11, 28 – 29).
Trong lịch sử Giáo Hội, gương các thánh cũng cho thấy rõ điều này. Chính từ việc cảm nghiệm được tình yêu của Đức Kitô dành cho mình mà các thánh đã không ngừng nỗ lực để nên giống Chúa hơn. Các ngài hằng luôn thao thức cho tất cả mọi người cũng sớm cảm nghiệm được tình yêu đó. Và, các thánh đã biểu lộ sự thao thức bằng cách thi thố những ân ban Chúa dành cho mình để xây dựng Giáo Hội qua chứng tá đời sống, qua kinh nghiệm thiêng liêng, qua những suy tư thần học… và qua cả bí quyết nên thánh mỗi ngày.
- Thao thức: nỗ lực xây dựng Giáo Hội
Trước khi làm bất cứ một việc gì, người khôn ngoan luôn có sự suy nghĩ kỹ lưỡng, cân nhắc cẩn thận và bàn hỏi nếu cần rồi mới tiến hành công việc[2]. Để xây dựng Giáo Hội, nhiệm thể Chúa Kitô thì càng đòi hỏi phải có sự cân nhắc cẩn thận. Bởi vì Giáo Hội Chúa quy tụ mọi người thuộc mọi quốc gia, sắc tộc trên trái đất với sự đa dạng về ngôn ngữ, phong tục. Hơn nữa, Giáo Hội sống giữa lòng thế giới với bản chất là truyền giáo nên việc xây dựng Giáo Hội Chúa đòi hỏi càng cấp thiết hơn và có sức thuyết phục hơn.
Thao thức chính là tiền đề để xây dựng Giáo Hội. Đó là một nỗ lực rất lớn đối với mỗi kitô hữu nhất là hàng giáo sĩ và tu sĩ. Chính vì thế, Giáo Hội rất cần những con người biết thao thức và thực sự thao thức vì Giáo Hội.
Thánh vương Đavit khi đã yên cửa, yên nhà và Đức Chúa đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, thì vua bắt đầu trăn trở và nghĩ tới việc xây một ngôi nhà cho Đức Chúa ngự (x. 2Sm 7,1 – 17).
Ở thánh vịnh 67, ta cũng bắt gặp một tâm tình đơn sơ, chân thành nhưng là thao thức lớn lao: “Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài”, và “ước chi toàn cõi đất kính sợ Ngài” (Tv 67,4. 8). Đó cũng là thao thức của các tổ phụ, ngôn sứ và thủ lãnh trong việc phụng thờ Thiên Chúa. Các Ngài hằng mong ước một triều đại thái bình và có Đức Chúa ngự trị ở giữa dân.
Không chỉ các vị thánh Tông Đồ mà tất cả các vị thánh đều không ngừng nỗ lực để xây dựng Giáo Hội theo cách mà Chúa tỏ ra cho mỗi người. Thánh Augustino trên con đường tìm kiếm lẽ khôn ngoan, ngài đã bắt gặp được nguồn chân lý cao siêu, nơi thâu tóm mọi lẽ khôn ngoan của thế giới, là chính Đức Kitô. Để rồi ngài cảm thấy tiếc nuối khi “yêu Chúa quá muộn màng”, cho nên tâm hồn ngài luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa. Cũng như thánh Phaolô, ngài như chạy đua trên hành trình đáp lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa.
Dọc theo chiều dài của lịch sử, mỗi thời đại lại có những con người đã xây dựng Giáo Hội trở nên tốt hơn, thánh thiện hơn và đi đúng với Tin Mừng hơn, phù hợp với nhu cầu của thời đại mà các vị ấy sống. Mỗi vị thánh là một nỗ lực xây dựng Giáo Hội trong một khía cạnh theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Ngày nay, vẫn đang và sẽ còn biết bao con người nỗ lực hết mình để xây dựng Giáo Hội bằng lời cầu nguyện âm thầm, sự hy sinh kín đáo và đời sống chứng tá khiêm nhường. Nhưng cũng nhờ sự âm thầm, bé nhỏ đó mà hạt giống Tin Mừng được trổ sinh, Giáo Hội được lớn mạnh và phát triển không ngừng.
- Giáo Hội giữa lòng thế giới
- Xã hội với những biến chuyển không ngừng
Nếu ở thế kỉ trước nhân loại được thừa hưởng thành quả của những phát minh khoa học và kỹ thuật tiên tiến giúp cho đời sống người dân được nâng cao, thì bước sang thế kỷ này con người lại chóng mặt trước sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và khuynh hướng đề cao chủ nghĩa hiện sinh. Với những bước tiến đó, trí tuệ con người cũng đạt tới tầm cao về sự hiểu biết, khôn ngoan và mưu trí. Tiếc thay họ không dùng trí tuệ của mình để kiến tạo thế giới mà lại mưu cầu lợi ích cho bản thân. Vì vậy, xã hội càng phát triển, thì môi trường càng ô nhiễm, thiên nhiên bị hủy hoại; bệnh dịch tràn lan, mạng sống con người bị coi rẻ; đạo đức, nhân cách không được chú trọng, đời sống tâm linh cũng bị xem thường…
Vì ảnh hưởng của các trào lưu xã hội, nên người kitô hữu cũng trở nên xao nhãng trong đời sống đức tin. Họ bị rơi vào những khủng hoảng và bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn. Do đó các vị kế nhiệm thánh Phêrô không ngừng thao thức cho Giáo Hội và xã hội được đi theo chương trình của Thiên Chúa, tức là hướng đến chân lý vẹn toàn, sự hoàn thiện viên mãn trong Đức Kitô.
Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã dẫn dắt Giáo Hội trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử. Với những thay đổi lớn lao qua các sắc lệnh của Công đồng Vaticanô II, ngài đã dẫn đưa Giáo Hội ra khỏi giai đoạn Triđentinô đến một giai đoạn mới. Đó là một làn gió mới mà Chúa Thánh Thần đã thổi vào Giáo Hội để đem lại bầu không khí mới mà không thể không nhớ đến công lao của vị Giáo hoàng này. Trong thông điệp đầu tiên của ngài khi mới lên làm Giáo hoàng, thông điệp Giáo Hội Chúa Kitô, ngài đã suy nghĩ nhiều về sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới hôm nay. Mối bận tâm chính của ngài xoay quanh ba ý tưởng chính: Đầu tiên, Giáo Hội phải có một nhận định sâu xa về chính mình; thứ đến là đem bộ mặt thực của Giáo Hội ngày nay đối chiếu với hình ảnh lý tưởng của Giáo Hội như Đức Kitô đã thấy, đã muốn và đã yêu như bạn thánh thiện và tinh tuyền của mình (x.Ep 5,27); cuối cùng là những quan hệ phải có giữa Giáo Hội và thế giới[3]. Đây được coi như hiến chương của cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và thế giới[4].
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thì lại luôn giành ưu tư cho giới trẻ khắp năm châu. Trong lịch sử Giáo Hội chưa có vị Giáo hoàng nào lại gần gũi với giới trẻ đến thế. Chính vì vậy mà ngài được mệnh danh là vị Giáo hoàng của giới trẻ.
Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định “giới trẻ là niềm hy vọng của Giáo Hội”[5]. Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện tinh thần của Công Đồng khi ngài dành cho giới trẻ nhiều ưu ái[6]. Và, chính ngài đã có sáng kiến thành lập ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới từ năm 1984. Ngài mời gọi các bạn trẻ hãy can đảm để loan báo Tin Mừng, “đừng sợ”, đừng xấu hổ vì Tin Mừng. Ngài vẫn luôn lặp lại điều đó trong suốt triều đại của mình. Ngài còn nhấn mạnh, công cuộc loan báo Tin Mừng cho thế giới tùy thuộc vào các bạn trẻ, và ngài đã trao phó cho họ sứ mạng truyền giáo. Bởi vì ngài nhận thấy có quá nhiều bạn trẻ trên thế giới đang khao khát tìm kiếm Chúa để thấy ý nghĩa cuộc đời, và không ai có thể làm tông đồ cho các bạn trẻ tốt hơn các bạn trẻ cả[7].
Bước vào thời hiện đại, đức tin của người kitô hữu gặp khủng hoảng. Họ bị lôi cuốn bởi các vấn đề trần thế, nên đứng trước đức tin truyền thống tưởng chừng như vững chắc nhưng ngờ đâu dưới chân là cả một vực thẳm[8]. Trước vấn nạn đó, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, ngay khi còn là Hồng y, ngài đã luôn trăn trở về vấn đề này. Vì thế, ngài đã chuyển thông nỗi ưu tư của mình qua các trang sách Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay và cuốn Thiên Chúa và trần thế, để giúp các kitô hữu đào sâu và trung thành với đức tin tông truyền của Giáo Hội. Và chính niềm thao thức đó mà ngài đã mở năm thánh, Năm đức tin 2012 để nhắc nhở con cái mình về tầm cao trọng của đức tin và nhiệm vụ của người tín hữu là giữ đúng giá trị của Tin Mừng.
Hơn bao giờ hết, trong chính thời đại của chúng ta khi xã hội chạy theo sự xa hoa, hưởng thụ, đề cao cá nhân và những thứ vô luân, thì Đức Giáo hoàng Phanxicô lại là mẫu gương về sự giản dị, chân thành được cả thế giới ngưỡng mộ. Ngài đã giúp cho thế giới, cách riêng là các kitô hữu nhận chân lại những giá trị vốn có của Tin Mừng.
- Giáo Hội đồng hành cùng dân tộc
Giáo Hội không bao giờ đi ngược với thuần phong mĩ tục của dân tộc nào. Trái lại, Giáo Hội luôn sánh bước cùng dân tộc bằng cách hội nhập những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc cũng như những phong tục chính yếu của dân tộc đó vào trong phụng vụ của Giáo Hội
Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam đã cho thấy khó khăn lớn nhất mà các nhà truyền giáo gặp phải khi đem Tin Mừng đến Việt Nam đó là yếu tố phong tục. Chính vì nhận thấy nhu cầu cấp bách đó, năm 1980, trong kỳ họp thường niên, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đưa ra một thư chung cho phép hội nhập các yếu tố văn hóa của dân tộc vào trong phụng vụ của Giáo Hội địa phương. Đồng thời cho người dân được giữ lại một số phong tục (cưới hỏi, ma chay) theo địa phương mà không đi ngược với đức tin Công giáo. Để đưa ra được đường lối đó, các Giám mục đã phải cầu nguyện và suy nghĩ rất nhiều về nhiệm vụ của Giáo Hội trong giai đoạn lịch sử mang tính bước ngoặt lúc bấy giờ.
Trong những năm gần đây, với những thao thức về giới trẻ trong việc sống đức tin và phân định ơn gọi, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ban hành Tông huấn Chúa Kitô đang sống (Christus vivit). Theo chiều hướng đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam trong kỳ họp thường niên tháng 10/2019 đã quyết định chọn chủ đề mục vụ giới trẻ cho Giáo Hội Việt Nam trong ba năm (2020 – 2022), nhằm đồng hành và giúp các bạn trẻ lớn lên và trưởng thành cách toàn diện.
Mới đây nhất trong thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi dân Chúa tháng 10/2020 đã nói đến những nhu cầu của xã hội và mời gọi tình liên đới hiệp thông. Thư chung đã nhắc lại Hiến chế mục vụ, số 1 như sau: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô”. Tiếp đó, Hội đồng Giám mục mời gọi cộng đồng dân Chúa “tích cực tham gia vào việc cứu trợ nạn nhân bão lụt tại miền Trung. Đồng thời góp phần để ngăn ngừa dịch bệnh Covid 19 tái bùng phát” (số 4). Như vậy, Giáo Hội luôn đồng hành cùng dân tộc bằng sự “vui mừng và hy vọng”, “ưu sầu và lo lắng” và nhất là ôm trọn tất cả các nhu cầu của xã hội trong lời cầu nguyện và tâm tình dâng lên Thiên Chúa.
Qua đó để thấy rằng sự thao thức không bao giờ là đủ, cũng chẳng bao giờ dừng lại cả. Ở thời đại nào, Giáo Hội và xã hội cũng có lỗ hổng, cũng có những vực thẳm cần phải san lấp cho đầy. Đó chính là khởi nguồn cho những thao thức và nhờ có thao thức mà đời sống cầu nguyện thêm phong phú, con người có sáng kiến để góp phần xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và nhân ái hơn.
- Người nữ tu Mến Thánh Giá và những thao thức
Ra đời từ chính sự ước ao của Đức cha Lambert de Lamotte, Dòng Mến Thánh Giá cũng mang trong mình những thao thức theo chân đấng sáng lập. Ngài hằng thao thức cho mỗi người chúng ta, những đứa con thiêng liêng của ngài hãy có lòng say mê thánh giá Con Thiên Chúa để đạt tới sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Đức Giêsu Kitô[9]. Đồng thời sống vai trò trung gian cách cụ thể, không chỉ bằng sự chuyển cầu nhưng còn mang lấy những đau khổ, bất hạnh và tội lỗi của loài người cùng những thao thức và nhu cầu của Giáo Hội, để chuyển cầu bằng thái độ nài van trước mặt Thiên Chúa. Sứ mạng trung gian chuyển cầu thúc bách chị em sống liên lỉ trong ân sủng của Thiên Chúa, tìm hiểu hoàn cảnh xã hội và nhu cầu của Giáo Hội[10].
Theo ý đấng sáng lập, thái độ nài xin của người nữ tu Mến Thánh Giá phải được diễn tả thành lời kinh chuyển cầu cho ba đối tượng ưu tiên là: lương dân được ơn nhận biết Chúa; các tín hữu sống xa lìa Chúa được ơn hoán cải; các nhu cầu của Giáo Hội phổ quát và Giáo Hội địa phương cũng như xin ơn ân xá cho các linh hồn nơi luyện ngục[11]. Ngài cũng đưa ra bốn nhiệm vụ cụ thể giúp chúng ta thi hành sứ vụ cách sáng tạo và hiệu quả. Đó là giáo dục giới trẻ, phục vụ bệnh nhân, bảo vệ trẻ thơ và thăng tiến nữ giới[12]. Đây cũng là định hướng sống của Hội dòng trong năm này.
Sứ vụ chuyển cầu của người nữ tu Mến Thánh Giá được đấng sáng lập đưa ra một cách rất cụ thể, những đối tượng đó thời nào cũng có, nhưng tùy vào từng thời đại mà nhu cầu lại khác nhau. Chính vì thế, người nữ tu Mến Thánh Giá cần bén nhạy và tinh tế trước mọi biến chuyển của xã hội và Giáo Hội để những thao thức của Đức cha được thực hiện cách tốt đẹp nhất trong thời đại của chúng ta. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta phải biết biến những thao thức đó trở thành những thao thức của chính bản thân mình để bằng lời cầu nguyện, sự suy tư cùng với khả năng sáng tạo riêng mà góp phần làm phong phú thêm phương thức truyền giáo trong thời kỳ hiện tại.
Trong thời đại chúng ta đang sống, có nhiều cách thế để thi hành sứ vụ của Hội dòng, nhưng điều quan trọng là chúng ta có đủ nhiệt thành và lòng hăng say dấn thân trong các công tác được giao để thi hành sứ vụ đó không? Lòng nhiệt thành đó phát xuất từ chính sự yêu mến Thiên Chúa và lòng thao thức của mỗi người. Nếu thực sự yêu mến Thiên Chúa, tự khắc mỗi người sẽ được thôi thúc để xây dựng Hội Thánh Chúa theo cách riêng mà Chúa bày tỏ cho mỗi người. Những công việc chúng ta làm nói lên mức độ thao thức của chúng ta trong việc thể hiện tình yêu đối với Đức Kitô và Giáo Hội của Người. Ước chi nơi tâm hồn mỗi chị em chúng ta đều bừng cháy lòng yêu mến Chúa và khát khao tận hiến cho Ngài.
Xã hội hôm nay không thiếu những tệ nạn xã hội, những trò giải trí thiếu lành mạnh đang lôi cuốn trí tò mò của giới trẻ. Khắp nơi vẫn còn biết bao con người đang rên xiết vì dịch bệnh, vì đói nghèo. Xã hội vẫn còn những người phụ nữ đang đau đáu nhìn về tương lai trong sự mù mờ tuyệt vọng. Đường về chân lý luôn rộng mở nhưng thật vắng vẻ, quạnh hiu. Vẫn còn đó biết bao điều đang đi ngược với ý Chúa. Đó phải chăng là những điều chúng ta cần phải mang vào mình để rồi dâng lên Chúa, và chính chúng ta cũng phải là những người mang trong mình thao thức để dấn thân. Một thao thức rất nhỏ, nhiều con người cộng lại sẽ làm cho thao thức đủ lớn để phát sinh hành động. Ước mong sao mỗi chúng ta đều có đủ can đảm để thực hiện những thao thức chính đáng của mình là xây dựng Hội dòng, xây dựng Giáo Hội và xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Lời kết
Trong đời, ai cũng có ước mơ nhưng không phải ước mơ nào cũng thành hiện thực. Chỉ có những con người thực sự can đảm theo đuổi đến cùng và dám đánh đổi tất cả để đạt cho được thì giấc mơ của họ mới thành hiện thực. Có những ước mơ mãi mãi chỉ là ước mơ bị chôn vùi trong sâu thẳm của cõi lòng, vì họ không đủ can đảm để theo đuổi nó. Cũng vậy, có những thao thức tô đẹp cuộc đời, nhưng cũng có những thao thức mãi chôn sâu trong lồng ngực.
Thánh cả Giuse là một gương mẫu cho chúng ta về sự thao thức thực thi thánh ý Chúa. Trong những năm gần đây, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cho phổ biến lời cầu nguyện với thánh Giuse ngủ. Đó là một bức tượng tạc thánh Giuse đang nằm ngủ với dòng chữ “giấc ngủ bâng khuâng”. Điều đó nói lên rằng, ngài luôn trong tư thế sẵn sàng để thi hành ý Chúa. Kính chúc quý chị luôn noi gương thánh quan thầy của Dòng, sẵn sàng mở lòng để cho chương trình của Thiên Chúa được thực hiện. Đồng thời, kính chúc quý chị cũng mang trong mình những thao thức cho con đường sứ vụ của Hội Dòng và của chính mình. Nguyện chúc cho những gì quý chị đã, đang và sẽ thao thức cho cuộc đời được thành sự tốt đẹp trong năm mới này.
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Thủy
Nguồn: Bản Tin Hiệp Thông HD. MTG Huế
[1] Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, Nxb Đà Nẵng, 2008
[2] X. Lc 14, 28 – 33
[3]Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Tông huấn Giáo Hội Chúa Kitô, số 9 – 14.
[4]www.catechesis.net/thong.diep.ecclesian-suan.
[5]Công Đồng Vatica nô II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 2.
[6]Cuộc nói chuyện của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II với giới trẻ trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Paris, ngày 1.6 .1980.
[7]Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô ngỏ lời với các Giám mục Pháp ngày 23. 3.1982. (trích trong: https://tgpsaigon.net/baiviet/duc-gioan-phaolo-II-vi-giao-hoang-cua-gioi-tre.
[8]Đức Hồng Y Joseph Ratsinger (Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI), Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb Tôn giáo, 1968.
[9] X. Hc, đ 3
[10] X. Hc, đ. 75
[11] X. Hc, đ.63
[12] X. Ltk, III, 2-5