Là một giáo sĩ nhiều tài năng và đáng kính trọng, cha Lambert được mời làm giám đốc trung tâm từ thiện tại Rouen. Sau khi đi hành hương và làm tuần cửu nhật xin ơn soi sáng, cha đã nhận công việc này. Tháng 4.1656, ngài đến Rouen, đặt mình dưới sự hướng dẫn của cha linh hướng Simon Hallé, thuộc Dòng Bé Mọn, mà linh đạo khổ hạnh của dòng sẽ giữ ngài trong đường khiêm tốn và từ bỏ.
Ngay khi nhận chức vụ mới, cha phải chiến đấu trên mọi mặt trận chống nghèo đói. Noi gương cha thánh Jean Eudes, cha Pierre Lambert cống hiến tất cả năng lực để phục vụ trung tâm trong sự phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa qua sự trợ giúp của những nhân vật có thế giá ở Rouen:
+ Ngài chú tâm tới hàng giáo sĩ với hy vọng người ta sẽ lập ở Trung tâm Xã hội một cộng đoàn giáo sĩ ưu tuyển và tổ chức các cuộc hội thảo công khai về đời sống nội tâm cũng như nhiều vấn đề khác đang được tranh luận vào thời đó[ 1]. Đặc biệt, ngài ao ước những hội nghị do các Giám mục dành cho linh mục và giáo dân giúp đào tạo những người thợ xứng đáng phục vụ cách thánh thiện các giáo xứ ở thành phố và thôn quê. Vì thế, ngài đã tham gia buổi hội thảo nổi tiếng tại Cambremer[ 2 ]. Năm1658, ngài tìm cách lập Chủng viện tại Rouen để trao lại cho cha thánh Jean Eudes bởi vì đã từ lâu tại thành phố này, đã có những mầm non ơn gọi được ươm trồng[ 3].
+ Do lòng nhiệt tình chống lại tệ nạn đang tấn công đức trong sạch, ngài xây nhà Trú Ẩn ở Rouen cho các thiếu nữ hoàn lương có chỗ dung thân: «Thiên Chúa đã quyết dùng Đức cha Lambert vào việc hoán cải các phụ nữ phóng túng hư hỏng» [ 4 ]. Chính cha thánh Jean Eudes đã xây ngôi nhà Trú Ẩn đầu tiên năm 1641 và lập Hội dòng Đức Bà Bác năm 1655 để chăm sóc những phụ nữ thuộc diện này.
+ Tại Trung tâm xã hội, ngài chăm sóc những người vô gia cư, vô nghề nghiệp và các thiếu niên lang thang đường phố hoặc mồ côi. Ngài đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục các trẻ em: cho học văn hoá, học nghề, học giáo lý, học cầu nguyện và lãnh nhận các Bí tích.
+ Ngài đi thăm viếng người nghèo trong thành phố và tiếp đón nhiều hạng người đến gặp mình tại Trung tâm trong tư cách linh mục và cựu thẩm phán. Ngài khôn khéo giải gỡ những mối bất hoà giữa những gia đình thế giá. Vì trách nhiệm, ngài cũng phải gặp gỡ nhiều bậc vị vọng đạo cũng như đời. Tuy nhiên, ngài không chỉ nhiệt tình giới hạn trong nhiệm vụ mình. Người ta mời ngài đến nhiều nơi để thăm bệnh nhân, giúp người hấp hối, phá bỏ các gương xấu công khai, nâng đỡ các hoạt động đạo đức, nhận lời tuyên thệ từ bỏ lạc giáo, hoặc để giải tội chung. Ngài xây nhà tĩnh tâm cho những người muốn từ bỏ Tin Lành, trở về với Giáo hội Công giáo[ 5 ].
Noi gương Đức cha Lambert, xin cho chúng ta biết quan tâm hơn tới những con người bị đóng đinh trong thời đại chúng ta, đó là những người nghèo, những người yếu đuối, những người bị áp bức và những người bị loại bỏ bởi nhiều hình thức bất công, và đáp lại lời mời gọi của ĐTC Phanxicô: “Chỉ những người bị đóng đinh bởi tình yêu như Chúa Giê-su ở trên Thánh giá, mới có thể giúp những người bị đóng đinh trong lịch sử bằng những lời nói và hành động hữu hiệu.”[ 6]
1 J. CH. DE BRISACIER, sđd, số 90.
2. nt.số 105.
3. nt. số 139, 183-186; ngày 9.11.1658, tại Paris, thánh Jean Eudes ký nhận chủng viện Rouen do Đức cha Lambert và em trai Nicolas cùng thành lập. (x. ĐÀO QUANG TOẢN, Đức cha Lambert de la Motte- giai đoạn tại Pháp, sđd, trang162).
4. nt. số 114-121.
5. nt. số 88-91; 94-95.
6. Trích “Sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxico gửi cha tổng quyền dòng Thương khó Chúa Giê-su nhân kỷ niệm 300 năm thành lập dòng”, https://giaophanvinhlong.net
Trích Tập Sách “52 Bài Đọc Thiêng Liêng về Đức Cha Lambert de la Motte“
Ban Linh Đạo Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế