Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai Tuần I Thường Niên – Sẵn Sàng Trở Nên Môn Đệ Chúa Giêsu

(Hr 1:1-6; Mc 1,14-20)

Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả thư Hípri trình bày cho chúng ta hai cách thức mà qua đó Thiên Chúa phán dạy hay mạc khải chính mình: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Hr 1:1-2). Chúng ta nhận ra trong những lời này hai thời kỳ Thiên Chúa phán dạy: cho cha ông qua các ngôn sứ và cho chúng ta qua Thánh Tử. Một điểm chúng ta cần lưu ý là thuật ngữ “ngôn sứ.” Theo các học giả Kinh Thánh, thuật ngữ này được dùng ở đây không chỉ nói đến các ngôn sứ có tên trong sách Cựu Ước, nhưng bao gồm tất cả những người mà qua họ Thiên Chúa phán dạy trong suốt dòng lịch sử của dân Israel. Trong hai cách thức phán dạy, tác giả thư Hípri cho biết cách thức phán dạy qua Thánh Tử “trổi vượt” hơn cách thức phán dạy qua các ngôn sứ thời xưa vì không còn qua trung gian mà trực tiếp qua chính Con Thiên Chúa. Để chứng minh điều này, tác giả Hípri trình bày cho đọc giả biết Thánh Tử là ai: (1) là Đấng mà qua Ngài Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ; (2) là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa; (3) là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật; (4) là Đấng sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời; (5) là Đấng mà danh hiệu trổi vượt trên các thiên thần và mọi loài; (6) quan trọng nhất, là Đấng mà Thiên Chúa gọi là Con. Qua và trong Đức Kitô, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa. Chúng ta cần noi gương Chúa Giêsu để trở nên những người con được Thiên Chúa yêu thương.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta về sứ điệp rao giảng của Chúa Giêsu và những người đầu tiên đáp lại sứ điệp này. Chúng ta thường gọi trình thuật hôm nay là việc kêu gọi những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Phân tích bài Tin Mừng, chúng ta thấy có hai phần: phần 1 (Mc 1:14-15) nói về nội dung của sứ điệp Chúa Giêsu rao giảng và trong phần 2 (Mc 1:16-20) chúng ta tìm thấy trình thuật về việc Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên.

Trong phần 1, ngoài nội dung sứ điệp rao giảng của Chúa Giêsu, điểm đáng để chúng ta lưu ý là việc “ông Gioan bị nộp” (Mc 1:14). Động từ được dùng ở đây là paradothenai. Động từ này được dùng nhiều lần trong Tin Mừng Thánh Maccô để ám chỉ đến cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu. Động từ này xuất hiện ở đây làm cho định mệnh của Gioan Tẩy Giả như là tiên báo về định mệnh của Chúa Giêsu. Định mệnh của vị tiền hô và định mệnh của người được vị tiền hô tiên báo dường như quyện chặt lấy nhau không thể tách rời. Chi tiết này cũng nhắc nhở chúng ta về định mệnh mà chúng ta phải đối diện khi chia sẻ trong công việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng sẽ bị nộp và giết chết để làm chứng cho những gì chúng ta loan báo. Nói cách khác, chúng ta phải lấy chính cuộc sống của mình để làm chứng cho Đấng mà chúng ta loan báo.

Điều thứ hai trong phần 1 chúng ta suy gẫm là sứ điệp Tin Mừng của Chúa Giêsu: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Trong những lời này, chúng ta nhận ra việc phân chia lịch sử nhân loại thành những thời điểm khác nhau là lối thực hành thông dụng giữa những người Do Thái khi nhìn về viễn cảnh cánh chung. Với Chúa Giêsu, thì lịch sử nhân loại đã đạt đến thời kỳ viên mãn. Nói cách khác, với sự hiện diện của Chúa Giêsu, lịch sử nhân loại đạt đến sự hoàn thành của nó. Áp dụng vào trong cuộc sống của mỗi người, lịch sử cuộc đời của chúng ta chỉ đạt đến sự hoàn thành khi chúng ta để Chúa Giêsu bước vào trong cuộc đời của mình. Khi Ngài bước vào trong cuộc đời chúng ta, thì Triều Đại Thiên Chúa cũng đến gần chúng ta. Theo Do Thái Giáo vào thời của Chúa Giêsu, ‘Nước Thiên Chúa’ trước tiên ám chỉ đến việc Thiên Chúa sẽ tỏ uy quyền và phán xét trong tương lai. Nó cũng ám chỉ đến việc thiết lập quyền thống trị của Thiên Chúa trên tất cả công trình sáng tạo trong tương lai. Tuy nhiên, để cho Triều Đại Thiên Chúa đến gần, chúng ta phải thực hiện hai đòi hỏi, đó là “sám hối và tin vào Tin Mừng.” Nói cách cụ thể hơn, Nước Thiên Chúa đòi hỏi một sự thay đổi cuộc sống cách toàn diện như Gioan Tẩy Giả đã chỉ rõ trong 1: 4. Đây chính là điều chúng ta thấy qua hình ảnh của bốn môn đệ đầu tiên được trình bày trong phần thứ hai của Tin Mừng hôm nay.

Câu chuyện về việc gọi các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu thật đáng kinh ngạc khi chúng ta hiểu rõ bối cảnh của câu chuyện. Theo các học giả Kinh Thánh, câu chuyện này cung cấp cho chúng ta một kiểu mẫu tuyệt vời về việc đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu. Để hiểu câu chuyện, chúng ta cần lưu ý rằng: Sự chuẩn bị và thiếu sự ‘thích thú’ trong quá trình phát triển tâm lý của bốn môn đệ đầu tiên được dùng như là điểm làm nổi bật câu chuyện. Đây là điều nhiều người chúng ta thường không lưu ý khi đọc hoặc nghe câu chuyện này. Trong câu chuyện, chúng ta thấy người kiểm soát mọi sự chính là Chúa Giêsu. Ngài đơn giản gọi các ông mà không cần phải có sự chuẩn bị cũng không cần có sự làm quen với tư tưởng của Ngài. Sự chuẩn bị và làm quen với tư tưởng của Ngài là không quan trọng trong bước đầu. Điều quan trọng nhất là họ ‘nghe lời mời gọi’ của Ngài và đáp lại. Đây là điều họ đã làm: “‘Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.’ Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người. Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người. (Mc 1:17-20). Việc Chúa Giêsu làm rất đáng lưu tâm vì Ngài đi ngược lại với phong tục thời đó. Theo phong tục thời đó, chính các môn đệ đến với vị thầy mình kính phục và đi theo vị thầy đó để học. Còn trong trường hợp này, chính Chúa Giêsu là người đến với các môn đệ. Điều này cho chúng ta thấy, sáng kiến trong ơn gọi mỗi người đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn là người đi bước trước, là Người mời gọi. Còn chúng ta là những người bỏ hết mọi sự để đáp trả. Chúng ta đã hoàn toàn bỏ hết mọi sự để đáp trả lại lời mời gọi của Chúa Giêsu để phục vụ Nước Thiên Chúa chưa?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB