Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Tư Tuần I Thường Niên – Cầu Nguyện: Nền Tảng Của Đời Sống Thường Ngày

(Hr 2:14-18; Mc 1:29-39)

Trong bài đọc 1, tác giả thư Hípri nói đến sự liên đới của Chúa Giêsu với chúng ta qua việc Ngài đã cùng mang thân phận con người như chúng ta. Nhờ sự liên đới này, và qua cái chết của mình, Chúa Giêsu đã “tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Hr 2:14-15). Những lời này cho thấy, Đức Kitô tiêu diệt tội lỗi và chiến thắng sự chết bằng việc trải qua sự chết khi mang thân phận con người. Một cách cụ thể hơn, khi mang lấy thân phận con người, Chúa Giêsu trở nên gương mẫu cho chúng ta, đồng thời qua đó Ngài nâng đỡ chúng ta trong mọi gian nan thử thách của kiếp sống con người vì Ngài đã trải qua những gì mà chúng ta trải qua: “Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Hr 2:17-18). Khi gặp thử thách đau khổ, chúng ta cần chạy đến với Chúa Giêsu, vì Ngài đã trải qua những thử thách của kiếp con người. Nhiều người trong chúng ta không chạy đến với Ngài vì chúng ta nghĩ Ngài xa vời không hiểu những gì chúng ta đang trải qua. Nếu chúng ta biết Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra rằng không ai trong chúng ta phải đối diện với thử thách và đau khổ như Ngài đã phải đối diện và trải qua. Hãy chạy đến với Chúa Giêsu khi đau khổ; hãy nhìn lên thập giá khi bị loại trừ và ghét bỏ, vì chỉ trong mầu nhiệm thập giá chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của đau khổ và thử thách trong cuộc sống.

Bài Tin Mừng hôm nay gồm ba trình thuật khác nhau: (1) trình thuật về việc chữa lành mẹ vợ của Simon (Mc 1:29-31); (2) trình thuật về những chữa lành vào chiều tối của Chúa Giêsu (Mc 1:32-24); và (3) trình thuật về việc Chúa Giêsu tạm thời lánh đi một nơi thanh vắng để cầu nguyện (Mc 1:35-39). Chúng ta cùng nhau phân tích ba trình thuật này để rút ra những ý niệm sống cho ngày hôm nay.

Trong trình thuật chữa lành mẹ vợ của Simon, chúng ta học được điều gì? Câu chuyện đơn giản được kể lại với một vài chi tiết từ một người chứng kiến mà không có cuộc đối thoại nào giữa Chúa Giêsu và người được chữa lành. Điều kiện của người bệnh được nêu ra và Chúa Giêsu liền chữa lành bà: “Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simôn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1:30-31). Một chi tiết quan trọng chúng ta cần lưu ý là việc chữa lành của bà chỉ được hoàn thành qua việc phục vụ của bà sau khi cơn sốt dứt. Theo các học giả Kinh Thánh, việc chữa lành được thực hiện bởi hai hành động: (1) của Chúa Giêsu, đó là ‘cầm lấy tay và đỡ bà dậy’ và (2) của bà mẹ vợ Simon, đó là phục vụ các Ngài. Hai hành động này ám chỉ rằng trong bất kỳ cuộc chữa lành nào cũng phải có sự cộng tác của chúng ta. Trong lãnh vực phục vụ, chúng ta chỉ có thể phục vụ Chúa và người khác chỉ khi chúng ta được Chúa ‘cầm lấy tay và đỡ dậy’ ra khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi của chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta biết cộng tác với Ngài trong việc chữa lành chính mình hầu được khoẻ mạnh về mọi mặt để phục vụ mọi người.

Trình thuật về các chữa lành vào buổi chiều tối đưa chúng ta về với sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu trong một ngày sống. Trong hình ảnh chữa lành người đàn ông bị thần ô uế nhập trong hội đường và người phụ nữ bị sốt là mẹ vợ của Simon, chúng ta thấy hai loại người phổ quát được Chúa Giêsu chữa lành trong buổi chiều tối, đó là “mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám” (Mc 1:32). Hai loại người này cũng được lặp lại trong câu 34: “Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.” Một chi tiết chúng ta cần lưu ý trong Tin Mừng Thánh Máccô là việc Chúa Giêsu không cho quỷ hoặc bất kỳ ai nói cho người khác biết Ngài là ai sau khi chữa lành họ. Theo các học giả Kinh Thánh, việc Chúa Giêsu từ chối cho phép họ nói về căn tính của mình là một phần của điều được gọi là “bí mật của Đấng Messa” trong Tin Mừng Thánh Máccô. Điều Thánh Máccô muốn trình bày trong bí mật này là trong khi các ‘đối thủ’ [ma quỷ] của Ngài biết Ngài là ai, con người [đại diện là các môn đệ] cần có một bức tranh đầy đủ hơn về Chúa Giêsu trước khi họ có thể biết Ngài như là Đấng Messia sẽ chết và sẽ phục sinh. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về việc phải cẩn thận trong mọi nhận định và quyết định của mình. Khi chúng ta chưa có đầy đủ bức tranh của một sự kiện hay vấn đề, tốt nhất chúng ta giữ im lặng trong tinh thần cầu nguyện và cảm thông.

Sau một ngày bận rộn, Chúa Giêsu “chỗi dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1:35). Việc cầu nguyện của Chúa Giêsu đã đặt sứ vụ chữa lành sang một bên. Động lực của việc Ngài đi ra một nơi hoang vắng để cầu nguyện là Ngài muốn được hiệp nhất với Thiên Chúa. Chỉ trong giây phút hiệp nhất với Thiên Chúa mà Chúa Giêsu biết được thánh ý của Chúa Cha, để Ngài không ở lại nơi mà Ngài được người ta tôn vinh và kính phục, nhưng “chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1:38). Thái độ của Chúa Giêsu dạy chúng ta biết cắt đi những dính bén trong cuộc sống. Trong đời sống phục vụ, chúng ta thường muốn ở lại những nơi nào chúng ta được người ta quý mến và tôn vinh. Chúng ta cần nhớ rằng điều quan trọng nhất trong đời sống phục vụ là tìm kiếm và làm theo thánh ý Chúa, chứ không tìm vinh danh cho chính mình.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB