(Hr 3:7-14; Mc 1:40-45)
Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả thư Hípri mời gọi chúng ta mở rộng và thay đổi cõi lòng mỗi khi nghe tiếng Thiên Chúa chứ đừng như con cái Israel xưa trong sa mạc: “Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, thì chớ cứng lòng như hồi chúng nổi loạn, như ngày chúng thử thách Ta trong sa mạc, nơi cha ông các ngươi đã từng dò xét mà thử thách Ta và đã thấy các việc Ta làm suốt bốn mươi năm. Vì thế, Ta đã nổi giận với dòng giống này, Ta đã nói: Tâm hồn chúng cứ lầm lạc mãi, chúng nào biết đến đường lối của Ta. Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng: chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta!” (Hr 3:7-11). Lời khuyến cáo này cũng tìm thấy âm hưởng trong ngày sống của chúng ta. Ai trong chúng ta cũng phải chân nhận rằng chúng ta đã nghe lời Chúa dường như mỗi ngày [hoặc mỗi tuần] khi tham dự thánh lễ, nhưng lòng chúng ta vẫn chai đá, không sống theo lời Thiên Chúa dạy bảo. Nhiều lần, chúng ta còn thử thách Đức Chúa bằng việc “đòi hỏi” Ngài phải thực hiện điều này điều kia theo ý của mình. Tâm hồn chúng ta càng ngày càng đi xa đường lối của Chúa vì chúng ta thường làm theo ý của mình hơn là tìm kiếm và thực hành thánh ý Thiên Chúa. Để sống trọn vẹn cho Chúa, Tác giả thư Hípri khuyên nhủ chúng ta hai điều, đó là đề phòng cám dỗ níu kéo mà có lòng dạ xấu xa chối bỏ đức tin và khuyên bảo nhau tránh xa con đường tội lỗi. Nói cách khác, để sống trọn vẹn cho Chúa, bên cạnh nỗ lực hết sức mình, chúng ta còn cần đến sự trợ giúp của anh chị em.
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người mắc bệnh phong. Câu chuyện này có hai phần: phần 1 của câu chuyện (Mc 1:40-42) đi theo trình tự thông thường của một câu chuyện chữa lành, đó là căn bệnh được mô tả, Chúa Giêsu chữa lành và căn bệnh hoàn toàn được chữa lành. Câu chuyện trở nên ‘phức tạp’ một tí bởi phần 2 (Mc 1:43-44), đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu nói cho người mắc bệnh phong đi trình diện với tư tế. Tuy nhiên, câu chuyện trở nên ‘phức tạp’ nhất với câu kết (câu 45). Nhiều học giả Kinh Thánh hỏi rằng: Câu này có thuộc về câu chuyện không? Nếu thuộc về thì có phải người bị bệnh phong không vâng lời Chúa Giêsu? Làm thế nào để việc người mắc bệnh phong ‘rao truyền và loan tin’ hợp với mong ước của Chúa Giêsu là giữ bí mật về căn tính của mình? Tất cả những chi tiết trên gợi cho chúng ta một câu hỏi: Làm thế nào để biết và thực hiện ‘ước mơ’ của Thiên Chúa cho cuộc đời của mình?
Điểm đầu tiên chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là người bị bệnh phong và thái độ của anh ta: “Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng: ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch’” (Mc 1:40). Trong Kinh Thánh, bệnh phong không phải là căn bệnh phong hủi như chúng ta biết ngày hôm nay. Nó là một thuật ngữ chung cho bất kỳ căn bệnh nào về da. Sách Lêvi chương 13 mô tả những loại khác nhau của bệnh phong và cách thức để các tư tế nhận biết. Người mắc bệnh phong sẽ bị loại ra khỏi đời sống thờ phượng cũng như các sinh hoạt của cộng đoàn. Đây chính là nỗi đau lớn nhất của người bị bệnh phong hơn là nỗi đau thể xác. Mỗi người chúng ta cũng là những người mắc bệnh phong khi chúng ta tách mình ra khỏi đời sống tương quan với anh chị em mình. Căn bệnh phong là những gì ngăn cản chúng ta đến với Chúa và đến với nhau. Khi mắc bệnh này, chúng ta hãy chạy đến với Chúa và van xin như người bị bệnh phong trong Tin Mừng hôm nay: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Trong lời cầu xin của người bệnh phong với Chúa Giêsu, chúng ta thấy có một điều gì đó khác với điều đã được quy định trong sách luật, đó là chỉ có các tư tế mới có thể công bố một người khỏi bệnh phong. Như vậy, khi người bị bệnh phong đến với Chúa Giêsu và xin Ngài, một thầy dạy người Galilê, không phải là các tư tế ở Giêrusalem, để công bố mình được ‘sạch bệnh,’ người này một cách mặc nhiên tuyên nhận Chúa Giêsu là tư tế. Tuy nhiên, theo ngữ cảnh của câu chuyện thì người bị bệnh phong đơn giản chỉ đến xin được chữa lành chứ không xin ‘được công bố là đã lành sạch.’ Điều này giải thích lý do tại sao Chúa Giêsu nói anh đi trình diện các tư tế. Điều chúng ta lưu ý ở đây là thái độ xin chữa lành của người bị bệnh phong. Anh xin, nhưng để quyền cho hay không là của Chúa Giêsu: ‘Nếu Ngài muốn’ chứ không phải ‘tôi muốn.’ Thái độ này nhắc nhở chúng ta về thái độ đúng đắn chúng ta cần phải có mỗi khi đến với Chúa. Chúng ta cầu xin, nhưng chúng ta để cho Ngài toàn quyền quyết định trên cuộc đời chúng ta. Việc chúng ta cần làm là hoàn toàn phó thác vào bàn tay đầy yêu thương của Thiên Chúa.
Chi tiết thứ hai của câu chuyện đáng để chúng ta suy gẫm là thái độ của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch! Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: ‘Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế; và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết’” (Mc 1:41-44). Trong những lời trên, chúng ta nhận ra rằng tình yêu [chạnh lòng thương] chính là động lực thúc đẩy việc chữa lành của Chúa Giêsu. Chính tình yêu thúc đẩy Chúa Giêsu ‘giơ tay đụng’ vào người bị bệnh phong, điều mà theo luật Ngài không được làm. Tình yêu đã thúc đẩy Ngài vượt qua hàng rào ngăn cách giữa hai thế giới thanh sạnh và ô uế. Điều này cho chúng ta biết rằng chỉ có tình yêu mới có thể phá đổ mọi bức tường ngăn cách chúng ta với Chúa và với anh chị em mình. Hãy để tình yêu là động lực thúc đẩy chúng ta trong mọi sự, nhất là trong việc phục vụ người khác.
Chi tiết làm cho câu chuyện phức tạp nhất đó là thái độ ‘không vâng phục’ của người bị bệnh phong: “Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giêsu không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người” (Mc 1:45). Các học giả Kinh Thánh đặt giả thiết cho câu này như sau: Nếu từ ‘anh’ trong câu này ám chỉ đến Chúa Giêsu, thì câu này là câu khởi đầu một đoạn mới để tóm kết tất cả hoạt động của Chúa Giêsu được trình thuật trong Mc 1:40-44 và 2:1-12. Những hoạt động này đã được nói đến trong câu 38, đó là giảng dạy, chữa lành những người bị bệnh. Nếu từ ‘anh’ được đồng hoá với Chúa Giêsu, vấn đề người bị bệnh phong không vâng phục Chúa Giêsu biến mất và sự liên kết với ‘bí mật của Đấng Mesia’ cũng biến mất. Tuy nhiên, những chi tiết trên chỉ là những thông tin để chúng ta hiểu hơn về câu này. Chi tiết quan trọng là việc “Chúa Giêsu ở lại những nơi thanh vắng.” Hành động này thường được Chúa Giêsu thực hiện sau một ngày làm việc. Nó ám chỉ đến việc cầu nguyện, đến việc kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa. Và ‘dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người trong nơi thanh vắng.’ Thật vậy, chúng ta chỉ có thể gặp Chúa Giêsu cách thân mật ‘nơi thanh vắng,’ đó là trong cầu nguyện của mình, vì chỉ nơi thanh vắng mà chúng ta mới tìm được sự thinh lặng của con tim nói lên lời yêu thương với Thiên Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB