NHỮNG NGƯỜI YÊU MẾN THẬP GIÁ: THỰC HÀNH
(Tác phẩm: Người Cha Bị Lãng Quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, tr. 406-410)
Các biến cố về việc quyết tâm kiêng thịt và giữ chay trường cũng như kết quả truyền giáo của nó diễn ra vào khoảng tháng 11 năm 1664 vì tháng 1 năm 1665, Đức cha Pierre Lambert mô tả trong một thư gửi ông d’Argenson, kiểu sống mới của các thừa sai: “Từ khi chúng tôi ngủ trên đất, chỉ uống nước lạnh, giữ chay trường và khi bệnh tật chỉ dùng thuốc đức tin, thật không tin được, lối sống đó đã đem lại lợi ích lớn lao cho chúng tôi. Thế nhưng phải thú nhận rằng, được thế là nhờ chúng tôi đã nhìn nhận Thiên Chúa chính là Đấng đã làm chủ những việc linh hồn… chúng tôi làm và chúng tôi dâng cho Ngài phần thu hoạch. Với tâm tình đó, chúng tôi trông chờ mọi sự từ lòng thương xót của Thiên Chúa và chúng tôi quỳ lạy khóc lóc, kêu van lâu giờ khi có thể được, để biết Chúa muốn chúng tôi phải làm gì. Và một khi nhận ra lệnh của Ngài, chúng tôi bỏ chiêm niệm để xuống núi, hành động lo cho việc cứu rỗi các linh hồn và ở đây, chúng tôi cũng được Thiên Chúa chúc lành.
Kinh nghiệm bé nhỏ của chúng tôi, làm chúng tôi hiểu được rằng chúng tôi phải làm như vậy, trong các công việc thần linh của chúng tôi, để có thể làm cho nhiều người được trở lại. Nếu không, khi mình phải nói với người ngoại đạo về đạo Công giáo, mặc dầu thường thì chúng ta thuyết phục họ dựa trên lý trí, hiếm khi chúng ta đánh động họ bằng cách đó. Ý nghĩ của chúng tôi khá phù hợp với ý của Đức Hồng y Perron, khi ngài nói với người ta, có thể đem tới cho ngài những người lạc đạo để có thể thuyết phục họ, nhưng muốn cho họ trở lại thì phải đưa họ tới Đức Giám mục Genève. Chân lý đó dễ thuyết phục nếu người ta coi trong việc làm cho các linh hồn trở lại có phần của Thiên Chúa”.
Việc quy chiếu về Thánh Francois de Sales cho thấy Đức cha Lambert vẫn giữ lòng tôn kính với vị Giám mục thừa sai ở Genève, và ngài đã muốn đi kính viếng kỷ niệm ở Annecy và Lyon trong cuộc hành trình đến Rôma năm 1658, khi ngài được thăm dò cho công cuộc truyền giáo bên Châu Á. Hẳn là xét theo tính tình và phương pháp thì vị Đại diện Tông Tòa vùng Normandie tỏ ra triệt để hơn người bạn đồng nghiệp gốc Savoie. Nhưng đi xa hơn những khác biệt về phong cách, về bối cảnh, về thế hệ, chổ mà người thứ nhất nói về từ bỏ, phó thác và an bình, thì người thứ hai nói tới tự hủy ra không, mục đích giống nhau, đánh động lòng người bằng Lời Chúa và giúp những người hăng say nhất, tiến về trung tâm thâm sâu nhất của họ và về sự kết hợp làm một với Thiên Chúa. Trong lĩnh vực này, bốn năm sống đời sống thừa sai đã làm Đức Giám mục Berythe từ môn đệ trở thành thầy dạy, nóng lòng muốn truyền lại kinh nghiệm của mình, không những cho những người sát cánh chung quanh, nhưng cho tất cả những ai được mời gọi nhập vào nhóm họ.
Ngài viết cho những người ở Nhóm Bạn Hiền ở phố Saint Josse: “Tôi muốn có được hai tiếng đồng hồ để nói chuyện với các bạn về vẻ đẹp của đời sống chưa được biết tới đó. Tôi sẽ nói với các bạn ít điều về tác động của Thần Khí Chúa trong linh hồn người đã chấp nhận tự hủy mình trọn vẹn. Ôi! Các bạn thân mến ơi! Thật là vui sướng khi người ta từ bỏ để dâng cho Thiên Chúa tất cả những gì có thể lấy đi được như hành động của linh hồn, để rồi thấy mình ra nghèo khó bên trong, như một người đã long trọng khấn, không muốn sở hữu một của cải trần gian nào cả, nhưng chưa bao giờ linh hồn lại giàu có và có thế lực như thế, bởi vì tất cả sức mạnh và chổ dựa của linh hồn là ở nơi Thiên Chúa, do đó, linh hồn có thể xin được những ơn vô giá cho Hội Thánh được thánh hóa, tội lỗi bị tiêu diệt, người ngoại được trở lại, nói chung, xin ơn cho mọi nhu cầu của tha nhân. Tôi dám nói rằng trong hoàn cảnh đó, các lời xin, không trước thì sau, sẽ được nhận lời, vì những lời xin đó không phải của linh hồn mà của Đức Giê-su Ki-tô.Linh hồn được Thần Khí Chúa Ki-tô linh hoạt, có thể xin điều mình ao ước như Chúa đã hứa. Tôi nghe một vài người đạo đức phàn nàn, họ không biết có phương tiện nào lớn, dẫn tới Thiên Chúa không. Chúng tôi đề nghị một phương tiện lớn này cho tất cả những ai được mời gọi lo cho người ngoại và những kẻ bị bỏ rơi, xấu số nhất trở lại bởi vì với ơn gọi trên, chỉ cần ba lời khấn mà chúng tôi đang nói, sau đó chỉ suy tư, tìm xem quyết định như Chúa muốn, thánh thiện là ở đó.
Tôi còn nhiều điều còn muốn nói với các bạn, về đề tài thần thiêng này, nhưng tôi muốn nảy ra ý không nói, để cho việc hy sinh này đẹp lòng Chúa hơn. Tôi van nài Chúa cho các bạn biết tôi yêu mến tất cả các bạn, tôi rất kính trọng ơn riêng và rất kính trọng sự trọn lành của các bạn. Vì biết sự trong trắng và trung tín của các bạn, trong lúc sốt sắng nguyện gẫm, tôi nhiều lần xin Chúa rút đi những ơn lớn lao Chúa ban cho tôi mà đổ xuống trên các bạn, bởi vì tôi thấy mình không xứng đáng và trái lại những ơn đó sẽ sinh nhiều hoa trái trong những linh hồn tốt đẹp tôi đang nói. Như vậy, nếu ao ước của tôi không thực hiện được thì chỉ có một lý do, đó là điều không tùy thuộc vào tôi. Tôi không biết các bạn có thấy tôi tâm sự nhiều quá, nhưng khó mà không đi quá xa trong những chia sẻ của bạn bè mà tôi nợ các bạn, nợ mọi người và nợ từng người.”
Mặc dầu có những “chứng từ tình bạn” nói lên một lần nữa, con người rất tình cảm của vị Đại diện Tông tòa khắc khổ, bài học đó không được đón nhận bên Pháp. Trái lại, tại chỗ, nó hình như mang lại hoa trái. Sau vài tuần lễ thực tập, Đức Cha Pierre Lambert có thể thấy rằng các thừa sai không những không gặp vấn đề gì cho sức khỏe, mà còn thấy sốt sắng hơn và công việc tông đồ thêm kết quả. “Có thể là vì sự hy sinh nhỏ bé nói trên mà Thiên Chúa nhân hậu đã ban cho họ một ơn vô giá, là gửi tới cho họ một phụ nữ Thái và hai đứa con, xin nhập đạo. Hai đứa con, thì một đứa là con gái, tên là Maria, ba tuổi, chết ngay hôm nó được rửa tội, còn đứa kia, bé trai hai tuổi, cũng được rửa tội trong khi người ta dạy mẹ nó. Người ta cũng cho rằng nhờ vậy, mà có việc trở lại của hai người đàn ông và một phụ nữ ngoại được rửa tội ngày lễ Giáng sinh sau hai tháng học giáo lý”.
Tuy nhiên, người ta vẫn còn nghi ngờ có nên lập Tu hội không, ngay cả tác giả của dự án. Cuối tháng 10, ngài viết cho người em trai: “Nếu tôi không lầm, thì đó là điều Thiên Chúa muốn cho nhóm bé nhỏ của chúng tôi. Nhưng Ngài chưa cho thấy hết ánh sáng”. Và mặc dầu chính Đức Cha đề nghị kiểu sống trọn lành trên với một vài người bạn ngài xét có thể theo ngài (cha Nicolas, em ngài, cha Tiersaut, cha Jacques de Bourges) đôi khi ngài cũng phân vân trước những đòi hỏi quá sức con người của một kiểu sống như thế. Ngài viết cho ông Duplessis: “Ý muốn sống đừng cho người ta biết, làm chúng tôi nghĩ rằng, nên sống mà không cho ai biết, nhưng chúng tôi lại thấy sẽ tôn vinh Thiên Chúa hơn, nếu chúng tôi đề nghị kiểu sống này với một vài bạn thân bên Châu Âu để nếu họ đồng ý, có thể xin Tòa Thánh phê chuẩn.
Tôi thật xấu hổ khi nói với ông về một dự tính cao cả như thế, mình chỉ là bụi đất và bất trung trước bao ơn lành của Thiên Chúa, đến nỗi chỉ đến ngày chung thẩm, người ta mới biết hết sự xấu xa của tôi. Sự thật này, tôi không bao giờ nghi ngờ cả, trăm ngàn lần tôi đã xin Chúa dành lòng Thương xót của Ngài cho một người nào khác biết dùng ơn Chúa tốt hơn, nhưng mặc dầu vậy, Ngài vẫn tiếp tục cho tôi cảm nhận được quyền năng và lòng thương xót của Ngài, tôi tự coi mình như một người không ra gì cả, chỉ toàn tội lỗi, đã được trao chức thánh do lòng yêu thương, tôi dám nói, thiếu kiềm chế của một vị Đại Vương”.
Thực ra, hình như Đức Cha Lambert không làm chủ được cảm nghiệm thiêng liêng đang trào dâng nơi ngài. Nhưng cảm nghiệm đó lại có thể pha lẫn những phản ứng thái quá của sự nhạy cảm tự nhiên quá mức, trong một bầu khí đấu tranh sôi sục, trong đó ngài cảm thấy bất lực, mà ngài đã phải chịu đựng hai năm nay. Đức Cha Pierre Lambert không phải là một nhà thần bí thanh thản như thánh Francois de Sales, nhưng một tâm hồn dễ xao xuyến, ngài không ngừng cảm nghiệm một cách gay gắt, nỗi đau đớn bị phản đối giữa phần thượng đang hưởng một niềm vui thần thiêng đích thực, và phần hạ đang quằn quại trong những lo âu của lương tâm. Đó là điều gì được hé mở trong lá thư ngài viết cho cha Simon Hallé, một lá thư hơi lạ đối với những con người thời nay.
“Tôi chờ cha lấy lòng bác ái trả lời cho thư tôi, xin ý kiến cha về những tâm tình của tôi lúc đó, để được thấy những sai sót của tôi, tôi xin cha thứ tha tâm tình hiện nay của tôi, đó là sợ quá vui mừng trong ơn gọi của tôi, bởi vì đúng là Thiên Chúa nhân hậu hành động như thế trong mọi tác động Ngài làm nơi tôi, và một cách êm ái đến nỗi tôi không biết là tôi làm theo ý Chúa hay là ý tôi, và đâu là Thánh Giá của một kẻ kế vị các Thánh Tông đồ. Tôi không có lý do để nghi ngờ con đường tôi đi sao? Nhất là nếu tôi nói thêm rằng, niềm vui thường xuyên mà tôi nhận được, làm cho tôi, trong đấng bậc của tôi, thành con người vui sướng nhất trần gian. Tuy nhiên, tôi không dám cầu xin Chúa thay đổi cách Ngài đã sắp đặt, bởi vì kinh nghiệm dạy tôi rằng, không nên xin được vác Thánh Giá, trừ phi có được linh hứng cách đặc biệt. Tuy vậy, khó cho một linh hồn biết vẻ đẹp và sự cao cả của Thánh Giá mà lại cho mình vô phúc nếu không có Thánh Giá. Bởi đâu mà tôi không chỉ được thỏa mãn nơi trần gian nếu sống một đời sống lễ vật hy sinh, được giết để tế lễ và chết đi như Đấng Cứu Độ nhân loại. Tôi tin tưởng vào lòng Chúa nhân lành, đến nỗi những sắp đặt trở nên rất thích thú đối với tôi, đó là vì tôi coi chúng như một cách chuẩn bị cho một đời sống vất vả và một cái chết thảm khốc vì lòng mến Chúa.
Chúng tôi đã đặt nền tảng cho việc đổi mới Tu Hội Tông đồ mà tôi tin rằng tác giả là chính Chúa. Tôi không thấy khó khăn khi phải nói những điều đó, bởi tôi nghĩ phải làm như vậy. Tuy nhiên, tôi không khỏi xấu hổ thấy tên tôi trong một công trình thánh thiêng như vậy, nhưng vì tôi phải làm vinh danh Thiên Chúa, tôi sẵn sàng dấn thân, để cho những ai biết sự nghèo túng cũng như bất trung của tôi, không mất hy vọng được thông phần vào những ân huệ cao siêu, và chớ gì họ biết rằng Thiên Chúa nhân lành nơi con người tôi, đã nâng lên bậc trọn lành nhất, kẻ tội lỗi nhất trần gian. Cha biết chân lý này hơn, đó là cha đã lâu năm giải tội hay linh hướng cho tôi, nếu tin rằng đó là điều đẹp lòng Chúa, đều có thể công bố tội lỗi của tôi để người ta thấy các gian ác của tôi và người ta tôn vinh Chúa Giê-su Ki-tô. Vậy xin cha hãy dùng như cha thấy nên làm.”
Không chỉ chứa đựng những lời chứa đựng lòng khiêm hạ quen thuộc thời đó, bản văn trên phản ánh trung thực, sự sẻ chia nội tâm của Đức Cha Lambert đã được chúng tôi nhấn mạnh trên đây, việc phối hợp chặt chẽ giữa sức mạnh và yếu đuối, đau khổ và vui mừng, cảm giác khó tả của sự tùy thuộc mang tính ngôn sứ, trong đó vang lên lời thú nhận thống thiết của Thánh Phao-lô với tín hữu Cô-rin- tô “nhưng kho tàng ấy chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2Cr 4, 7).