(Hr 6:10-20; Mc 2:23-28)
Bài đọc 1 bắt đầu với đề tài mà ai trong chúng ta cũng mong muốn tìm được câu trả lời: Thiên Chúa có công bình không? Tại sao người ác lại an nhàn thư thái, còn người tốt thì lại đau khổ? Nhiều người còn xem Chúa là Đấng bất công. Nhưng tác giả của thư gởi Do Thái biện minh cho Thiên Chúa rằng: “Thưa anh em, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên việc anh em đã làm và lòng yêu mến anh em đã tỏ ra đối với danh Người, khi trước đấy anh em phục vụ các người trong dân thánh, và hiện nay vẫn còn đang phục vụ” (Dt 6:10). Theo lời trên, Thiên Chúa luôn công bằng, Ngài sẽ trả cho chúng ta những gì chúng ta đã làm. Chúng ta có thể quên những gì chúng ta làm, còn Thiên Chúa thì không. Thiên Chúa luôn nhớ vì mọi sự đối với Ngài luôn ở hiện tại. Còn chúng ta sống trong thời gian, vì vậy, chúng ta luôn muốn thấy kết quả của những việc chúng ta làm ngay lập tức. Đây chính là lý do mà tác giả thư Do Thái trong bài đọc 1 hôm nay khuyên chúng ta phải có hy vọng như là “cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh” (Dt 6:19). Chỉ những người có hy vọng mới có thể nhận ra Thiên Chúa là Đấng không bất công.
Vì thiếu hy vọng, rất nhiều người trong chúng ta mất đi sự nhiệt thành khi làm điều tốt, nhất là khi bị chống đối, hiểu lầm. Hoặc khi không thấy kết quả, chúng ta ngừng làm điều tốt. Nhìn từ góc độ nào đó, ngừng làm điều tốt vẫn còn có thể chấp nhận được. Nhưng nhiều người trong chúng ta bắt đầu làm điều xấu. Tác giả thư gởi Do Thái khuyên chúng ta phải hy vọng và nhiệt thành làm điều tốt cho đến cùng: “Nhưng chúng tôi ao ước cho mỗi người trong anh em cũng tỏ ra nhiệt thành như thế, để niềm hy vọng của anh em được thực hiện đầy đủ cho đến cùng. Anh em đừng trở nên uể oải, nhưng hãy bắt chước những người nhờ có đức tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa hưởng các lời hứa” (Dt 6:11-12). Để biết Thiên Chúa công bình như thế nào, chúng ta cần kiên nhẫn làm việc tốt. Đừng ngừng làm việc tốt, ngay cả khi bị hiểu lầm và chống đối.
Bài Tin Mừng hôm nay nằm giữa cuộc tranh luận về ăn chay và chữa lành người tay bị bại liệt. Chúng tạo nên một bộ ba thật ăn khớp: Ăn chay – bứt lúa ăn – bại tay. Hành động bứt lúa ăn của các môn đệ liên quan đến luật gặt hái trong ngày sa-bát: “Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động, nhưng ngày thứ bảy ngươi sẽ nghỉ ; dù đang vụ cày hay vụ gặt, ngươi cũng sẽ nghỉ” (Xh 34:21). Việc bứt lúa “của người khác” ăn thì “đúng luật”: “Khi vào vườn nho của người đồng loại của anh (em), thì anh (em) có thể ăn nho tuỳ thích, ăn cho đến no, nhưng không được bỏ vào giỏ của mình” (Đnl 23:25). Các môn đệ chỉ sai về “thời gian bứt lúa ăn,” đó là ngày sa-bát.
Điều làm chúng ta ngạc nhiên là lý do Máccô đặt cuộc tranh luận về bứt lúa ăn trong ngày sa-bát ngay sau cuộc tranh luận về việc ăn chay. Như chúng ta biết, mục đích của luật ăn chay là dấu hiệu của lòng sám hối để ‘mang’ Chúa đến gần con người hơn. Và luật của ngày sa-bát cũng không ngoại lệ. Tất cả luật lệ phải đưa con người đến gần Thiên Chúa và đến gần nhau: Luật để “nuôi dưỡng” hơn là “giết chết” con người. Nói cách khác, mục đích của luật là làm cho con người sống là ‘người’ hơn: “Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát” (Mc 2:27). Tuy nhiên, chúng ta để ý chữ ‘Con Người’ ở đây: “Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát” (Mc 2:28). Chữ này không áp dụng cho con người như chúng ta mà chỉ áp dụng cho Chúa Giêsu: Ngài là Đấng lập luật. Ngài có quyền trên luật và là người cắt nghĩa luật đúng nhất. Như vậy, qua cuộc tranh luận về ngày sa-bát, Chúa Giêsu mặc khải mình là ai, điều mà Ngài luôn cấm người khác nói đến, điều mà Tin Mừng của Máccô xem như là “bí mật của Đấng Messiah.”
Chúng ta thấy trong Tin Mừng của hôm qua và hôm nay việc Chúa Giêsu bênh vực những “sai lỗi” hay “vị phạm luật” của các môn đệ mình. Hôm qua Ngài bênh vực họ về việc không ăn chay, còn hôm nay thì bênh vực họ về việc vi phạm luật của ngày sa-bát. Hôm qua Ngài dùng hình ảnh tiệc cưới để bệnh vực, còn hôm nay thì dùng một hình ảnh trong Cựu Ước: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế’” (Mc 2:24-26). Thật vậy, Chúa Giêsu sử dụng một suy diễn loại suy lấy từ Cựu Ước để bênh vực các môn đệ. Chúng ta thấy trong hình ảnh loại suy của Cựu Ước mà Chúa Giêsu sử dụng và sự kiện bứt lúa ăn trong Tin Mừng hôm nay có những điểm tương đồng sau: (1) cả hai vi phạm luật sa-bát; (2) ăn thức ăn cấm để thoả mãn cơn đói; (3) sự kiện liên quan đến hai nhà “lãnh đạo” vĩ đại là người cho phép những người theo mình vi phạm. Những chi tiết này giúp chúng ta hiểu hai điều: thứ nhất, Chúa Giêsu muốn làm sáng tỏ điều hàm chứa trong lời dạy của Ngài hôm qua về việc phải bảo tồn cả cũ và mới; thứ hai, Chúa Giêsu dùng để chứng minh việc Ngài chính là Con Người, Đấng làm chủ ngày sa-bát.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể rút ra điều sau: Chúa Giêsu là nhà lập luật mới và những người theo Chúa Giêsu sẽ sống theo luật mới này. Và luật mới này được tìm thấy trong Tin Mừng của Thánh Gioan: “Thầy ban cho anh em một giới răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34). Những người theo Chúa Giêsu là những người chỉ có một điều trong con tim và khối óc của họ: Tình yêu [dành cho Thiên Chúa và tha nhân]. Tình yêu sẽ là luật tuyệt hảo nhất. Chỉ khi sống luật này, chúng ta mới biết Thiên Chúa là ai: Ngài là tình yêu (x. 1Ga 4:8). Ai không sống yêu thương sẽ không bao giờ biết Thiên Chúa và họ là những người chỉ “tìm tội” của người khác để lên án!
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB