(Hr 7:1-3.15-17; Mc 3:1-6)
Hôm qua, chúng ta đã phần nào biết được sự khác biệt giữa chức vụ thượng tế của Chúa Giêsu và chức vụ thượng tế được chọn lên giữa người phàm. Tác giả thư Hípri làm sáng tỏ hơn sự khác biệt đó trong bài đọc 1 ngày hôm nay. Chúa Giêsu là thượng tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê, người “không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế” (Dt 7:3). Theo tác giả thư Hípri, chức vụ thượng tế của Chúa Giêsu không có khởi đầu cũng không có kết thúc. Mãi mãi Ngài vẫn là thượng tế. Còn chức vụ thượng tế của các phàm nhân có giới hạn về thời gian và không gian.
Theo tác giả thư Hípri, Chúa Giêsu là thượng tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê. Nhưng Men-ki-xê-đê là ai? “Ông Men-ki-xê-đê là vua Sa-lem, là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, đã đón gặp và chúc lành cho ông Áp-ra-ham, lúc ông này đang trên đường về sau khi đánh bại các vua. Ông Áp-ra-ham đã chia cho ông Men-ki-xê-đê một phần mười chiến lợi phẩm. Trước hết, ông tên là Men-ki-xê-đê, nghĩa là “vua công chính”; rồi ông lại là vua Sa-lem, nghĩa là “vua bình an” (Dt 7:1-2). Hai tước hiệu này [“vua công chính” và “vua bình an”] chính là tước hiệu của Đấng Messiah sẽ sinh ra bởi Isaiah: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9:5). Chúng ta học được gì ở điều này? Như chúng ta đã chia sẻ, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được chia sẻ trong chức vụ tư tế của Chúa Giêsu, Đấng là vua công chính và hoà bình. Như vậy, chúng ta cũng được mời gọi sống công chính thánh thiện trước mặt Thiên Chúa để sự hiện diện của chúng ta là sự hiện diện mang lại sự hiệp nhất và vui tươi, chứ không phải là sự hiện diện mang đến sự chia rẽ và buồn sầu.
Cuộc tranh luận về ngày sa-bát bắt đầu hôm qua được tiếp tục cách mạnh mẽ hơn trong bài Tin Mừng hôm nay. Hôm qua, cuộc tranh luận xảy ra trên đồng lúa, còn hôm nay xảy ra trong hội đường, nơi lời Chúa được công bố và giải thích. Đây là cuộc tranh luận thứ năm giữa Chúa Giêsu với các biệt phái và kinh sư [(1) tranh luận về việc tha tội; (2) tranh luận về việc ăn uống với người tội lỗi; (3) tranh luận về việc ăn chay; (4) tranh luận về việc bứt lúa ăn trong ngày sa-bát]. Cuộc tranh luận thứ năm này giống với cuộc tranh luận thứ nhất [tranh luận về việc tha tội] vì nó được đặt trong bối cảnh chữa lành và cả hai nói lên việc Chúa Giêsu có uy quyền cả trong lời nói và việc làm. Theo các học giả Kinh Thánh, mục đích của cuộc tranh luận này cũng giống với cuộc tranh luận hôm qua là để nói về việc Giáo Hội sơ khai “bào chữa” mình về luật của ngày sa-bát. Là một cộng đoàn đang từ từ tách ra khỏi lối thờ phượng của người Do Thái, những Kitô hữu tiên khởi không còn nghĩ đến việc phải giữ luật ngày sa-bát, nhưng tìm cho mình một luật mới trong Đức Kitô, luật mà sẽ được diễn tả trong ngày phục sinh của Ngài: Ngày mà họ làm lành và cứu sống!
Chúng ta thấy thái độ của các đối thủ của Chúa Giêsu càng ngày càng trở nên ít thân thiện hơn. Trong các cuộc tranh luận trước, phản ứng của họ là sự kinh ngạc hoặc không được nhắc đến. Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Máccô nói đến phản ứng của họ: (1) Nhưng họ làm thinh (Mc 3:5), và “Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su” (Mc 3:6). Thật vậy, chỉ trong năm cuộc tranh luận, thái độ của đối thủ của Chúa Giêsu thay đổi từ “kinh ngạc” đến “thù địch.” Điều này cảnh báo chúng ta về việc sống chung với nhau [trong gia đình hay cộng đoàn]. Thái độ của chúng ta có thể sẽ thay đổi theo thời gian khi thấy người khác sống và làm những điều “khác” với cách thức sống và làm việc quen thuộc của chúng ta. Lúc đầu, chúng ta kinh ngạc vì thấy “hay hay,” nhưng dần dần thái độ thiện cảm bị thay thế bởi thái độ “khó chịu” hoặc “chướng mắt.” Và kết quả là từ “bạn” biến thành “thù.” Tệ nhất là chúng ta “làm thinh” và xem người khác như không hiện hữu! Hãy cố gắng tránh thái độ làm thinh, không đối thoại để tìm ra ý Chúa, vì đây là thái độ của những người ‘tìm cách hại’ anh chị em mình.
Hơn nữa, thái độ “rình xem” của nhóm Pha-ri-sêu cũng là điều cảnh tỉnh chúng ta: “Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tố cáo Người” (Mc 3:2). Trong Tin Mừng hôm qua, họ đã chứng kiến các môn đệ của Chúa Giêsu phạm luật ngày sa-bát và Chúa Giêsu đã bảo vệ các môn đệ. Bây giờ, họ xem chính Ngài có phạm luật ngày sa-bát không. Giống hôm qua, vấn đề là ở chổ “thời gian” – đó là ngày sa-bát, và bản chất của căn bệnh không phải là nguy kịch. Theo luật, các kinh sư cho phép chữa những người mặc bệnh sinh tử trong ngày sa-bát. Chúng ta không tìm thấy điều này trong Cựu Ước, nhưng điều này được viết trong Yoma 8: 6 [luật của các Ra-bi]: “Tất cả những nguy hiểm hại đến mạng sống con người vượt qua luật ngày sa-bát.” Như vậy, vấn đề ở đây là họ quan sát Chúa Giêsu có vượt qua giới hạn này không, đó là cứu một người mắc bệnh không nguy hiểm đến tính mạng trong ngày sa-bát. Khi Chúa Giêsu “vi phạm” luật này, Ngài không vi phạm luật của Thiên Chúa, Ngài chỉ “vi phạm” luật của con người. Qua điều này, Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng: Luật của Thiên Chúa thì vượt trên luật của con người và mọi luật của con người phải dựa trên luật của Thiên Chúa. Nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta nại đến luật của con người hơn là luật của Thiên Chúa để đối xử với nhau. Hãy đối xử với nhau với con tim đầy yêu thương. Đó là luật căn bản nhất và tuyệt hảo nhất mà chúng ta có thể thực hành.
Trước thái độ thù nghịch và chống đối của những người “rình xem để tố cáo Ngài,” Chúa Giêsu bình thản hỏi họ về mục đích và ý nghĩa của ngày sa-bát: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết người ?” (Mc 3:4). Câu hỏi này vượt ra ngoài giới hạn của luật mà thầy thông luật đặt ra. Qua câu hỏi này, Chúa Giêsu tuyên nhận mình là “Con Người” trong bài Tin Mừng hôm qua, Đấng có quyền trên ngày sa-bát, Đấng hiểu thấu ý nghĩa và mục đích của ngày sa-bát là để cứu sống và làm lành. Trái ngược với các thầy thông luật, Chúa Giêsu muốn khẳng định cho họ rằng: Làm điều lành và cứu sống không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Nói cách khác, đừng chậm trễ trong việc làm lành và cứu chữa anh chị em mình. Nếu chúng ta có thể làm một việc tốt cho nhau, hãy làm ngay, đừng đợi đến ngày mai, vì chúng ta không biết chúng ta hoặc người khác còn sống đến ngày mai hay không. Hãy yêu thương và tha thứ ngay, đừng đợi đến lúc quá muộn để hối hận cả đời!
Điểm cuối cùng chúng ta quan tâm đó chính là thái độ “giận dữ” của Chúa Giêsu khi thấy những người biệt phái lòng chai đá: “Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn bực vì lòng họ chai đá” (Mc 3:4). Theo Thánh Mác-cô, đây là lối diễn tả cảm xúc để chứng mình rằng Chúa Giêsu là con người thật. Nhưng những diễn tả như, “Người cảm thấy đói” (cám dỗ trong sa mạc), hay “Ta khát” (trên cây thập giá), chúng ta không tìm thấy trong Tin Mừng của Thánh Máccô. Cảm xúc ‘giận dữ’ này là cảm xúc của một “con người thật” – giận dữ trước “lòng họ chai đá.” Sự giận dữ này khác với giận dữ bình thường của chúng ở chỗ là sự giận giữ của Chúa Giêsu không chứa đựng ‘sự trả thù’ hoặc ‘hơn thua,’ nhưng là sự “giận dữ” của Người muốn làm cho trái tim người khác trở nên bằng xương bằng thịt để không còn chai đá, nhưng biết rung động và cảm thông với nỗi đau của người khác. Hãy dừng sự giận dữ làm chúng ta mất bình an và tình thân với người khác. Nhưng hãy giận dữ vì con tim của chúng ta quá chai đá trước những đau khổ của anh chị em mình!
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB