(Hr 10:1-10; Mc 3:31-35)
Trong bài đọc 1, tác giả thư Do Thái nói cho chúng ta về giá trị của Lề Luật. Lề Luật không thể làm cho chúng ta nên hoàn hảo, nhưng chính Đức Kitô, Đấng đến để thực thi ý Chúa Cha làm cho chúng ta nên hoàn hảo. Đây chính là điểm nối kết hai bài đọc hôm nay: Thi hành thánh ý Chúa Cha là con đường trở nên hoàn hảo và là dấu chỉ của những thành viên trong gia đình thiêng liêng của Chúa Giêsu. Như vậy, luật tối hậu của chúng ta không phải là những chữ viết vô hồn trong sách, nhưng chính là Con Người sống động của Đức Kitô. Hãy để Đức Kitô là “thần tượng” của chúng ta trên con đường yêu thương.
Con đường trở nên hoàn hảo bắt đầu với việc nhận ra vẻ đẹp và ý nghĩa của thân thể mà qua đó chúng ta hiện diện cách hữu hình trong trần gian. Tác giả của thư gởi Do Thái nói về sự hiện diện trong thân thể của Chúa Giêsu chính là hiến tế để thực thi ý Chúa: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10:2-7). Chính thân thể của chúng ta là của lễ toàn thiêu và xá tội. Khi chúng ta không sống theo những đam mê của xác thịt, những hy sinh nơi thân xác đó chính là điều Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện trong từng ngày sống của mình để trở nên của lễ đẹp lòng Chúa. Thiên Chúa muốn những của lễ ở bên trong chúng ta, là một phần của cuộc sống của chúng ta chứ không phải là những của lễ vật chất dư thừa bên ngoài. Từ bỏ thái độ ghen tỵ và nói xấu người khác thì đẹp lòng Chúa hơn là từ bỏ một bữa ăn sáng để rồi ăn lại thật nhiều vào những bữa ăn khác! Từ bỏ tính kiêu ngạo và phàn nàn thì đẹp lòng Chúa hơn là từ bỏ không sử dụng điện thoại nhưng trong lòng không vui.
Thật vậy, điều Chúa ưa thích không phải là những việc chúng ta làm vì bổn phận, vì luật buộc. Điều Chúa ưa thích và là của lễ đẹp nhất chúng ta có thể dâng lên cho Ngài chính là làm theo ý muốn của Ngài: “Trước hết, Đức Ki-tô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10:8-9). Mà ý muốn của Ngài chính là đi vượt qua giới hạn của những phản ứng tự nhiên để đón nhận mọi người vào trong con tim của chúng ta, vào trong gia đình thiêng liêng của Chúa Giêsu để yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu thương họ.
Khi liên kết đoạn Tin Mừng hôm nay với đoạn Tin Mừng nói về phản ứng của những người thân của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nói rằng việc “mẹ và anh em người đến tìm gặp người” có thể là hệ quả của phản ứng của họ về Chúa Giêsu vì cho rằng Ngài bị mất trí (x. Mc 3:20-21). Chính vì vậy, có thể họ đến để đem Ngài về. Trước phản ứng tiêu cực đó của người thân, một lần nữa chúng ta thấy phản ứng của Chúa Giêsu thật bình thản và đầy yêu thương. Không những thế, Ngài sử dụng cơ hội này để không chỉ dạy những người đang nghe Ngài, nhưng còn dạy cho cả người thân của Ngài về một gia đình mới mà Ngài đang xây dựng quanh việc lắng nghe và thực hành ý muốn Thiên Chúa. Điều này giúp chúng ta biết phản ứng thế nào khi gặp những thái độ không mấy tích cực về mình: Bình thản và tìm ra ý nghĩa trong mọi sự. Người biết đọc ra ý nghĩa trong những cái mà người khác cho là vô nghĩa chính là người khôn ngoan và hạnh phúc nhất.
Câu hỏi của Chúa Giêsu cho những người đem tin đến cho Ngài làm chúng ta cũng chột dạ: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (Mc 3:33). Đây là câu nói có vẻ hơi nặng về gia đình tự nhiên của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, những câu hỏi như thế này sẽ không còn được hỏi ở giữa những người thuộc gia đình mới của Chúa Giêsu. Ngài muốn chúng ta đi vượt ra những phản ứng tự nhiên của con người, ra khỏi não trạng chỉ xem những người có máu huyết với mình, những người mình yêu mình thích là thành viên của gia đình mình. Nói cách khác, những người theo Chúa Giêsu là những người có khả năng đi vượt ra khỏi phản ứng tự nhiên của “răng đền răng mắt đền mắt” để có thể yêu kẻ thù của mình, cầu nguyện và chúc lành cho những kẻ làm cho mình đau khổ. Những người theo Chúa Giêsu là những người có khả năng đón nhận mọi người vào trong con tim đầy yêu thương của mình, không loại trừ một ai.
Tuy nhiên, để hoàn thành việc giảng dạy của mình về gia đình mới, Chúa Giêsu trình bày điều kiện cần thiết nhất và khó để chấp nhận nhất trong mọi thời, đó là: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3:34-35). Thật vậy, đây là câu nói không dễ dàng được đón nhận trong một xã hội mà tương quan máu mủ trong gia đình rất quan trọng của người Do Thái. Đây cũng là thách đố cho những người môn đệ của Chúa Giêsu trong mọi thời làm thế nào để đặt đúng vị trí của những tương quan máu mủ này trong việc theo Ngài. Khi người môn đệ theo Chúa Giêsu, thì những tương quan gia đình tự nhiên không còn trở nên tuyệt đối, nhưng là tương đối. Những tương quan này từ nay không còn được xem như là tiêu chuẩn và điểm quy chiếu của người môn đệ. Nhưng tiêu chuẩn tuyệt đối để đánh giá các mối tương quan này chính là ý muốn của Thiên Chúa: Những tương quan nào giúp chúng ta tìm thấy và thực hiện ý Thiên Chúa là những tương quan mới vượt ra ngoài tính xác thịt của con người.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB