(Kh 7:2-4.9-14; 1 Ga 3:1-3; Mt 5:1-12a)
Trong bài đọc 1 chúng ta tìm thấy ‘công thức’ của lời chúc mừng cho năm mới. Theo kinh nghiệm thường ngày, chúng ta thường chúc cho nhau “an khang-thinh vượng” và “được nhiều điều như ý” trong ngày đầu của năm mới. Tuy nhiên, trong bài đọc 1, Thiên Chúa truyền cho Mô-sê nói cho con cái Israel biết nội dung để chúc mừng cho nhau: (1) Chúc được Chúa chúc lành và gìn giữ; (2) được Chúa tươi nét mặt nhìn đến và dủ lòng thương; (3) được Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an. Nói cách khác, chúng ta chúc nhau có Chúa trong cuộc đời của mình. Thật vậy, mọi sự trên thế gian này nay còn mai mất, chỉ có Chúa luôn ở với chúng ta vì Ngài là vĩnh cửu. Hãy chúc cho nhau có Chúa trong tâm hồn và trong gia đình năm nay.
Thánh Phaolô trong bài đọc 2 khuyên các tín hữu Thessalônika “hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:16-18). Trong những lời này, Thánh Phaolô ám chỉ đến mối tương quan mật thiết giữa niềm vui và đời sống cầu nguyện. Nói cách khác, chỉ khi chúng ta có đời sống cầu nguyện thâm sâu, chúng ta mới có thể cảm nghiệm được niềm vui thật sâu kín trong tâm hồn mà dù hoàn cảnh sống có thế nào cũng không thể lấy đi niềm vui đó khỏi chúng ta. Không những thế, chính đời sống cầu nguyện sẽ giúp chúng ta nhận ra tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời đều là hồng ân: dù vui dù buồn, dù mệt nhọc dù đau khổ, tất cả đều có mục đích làm chúng ta lớn lên trong đời sống tin yêu và tạ ơn. Bên cạnh khuyên các tín hữu Thessalônika những điều cần phải làm, Thánh Phaolô còn khuyên họ những điều cần phải tránh, đó là: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1 Tx 5:19-22). Sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là luôn có con tim rộng mở và biết biện phân, biết chọn lựa những điều chân thiện mỹ. Cụ thể hơn, những người sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là những người “chậm giận, giàu tình thương và lòng thành tín.”
Thánh Mátthêu trình bày trong bài Tin Mừng hôm nay những người được xem là thánh. Họ là những người được chúc phúc. Họ là ai? Thứ nhất, họ là những người có tâm hồn nghèo khó: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Cái nghèo khó ở đây không chỉ mang tính cách vật chất. Điều Thánh Mátthêu muốn nói ở đây là “tâm hồn” hay “tinh thần nghèo khó.” Điều này cho thấy những người giàu cũng có tình thần nghèo khó và những người nghèo chưa chắc đã có tâm hồn nghèo khó. Một người có tâm hồn nghèo khó là người xem Chúa là gia nghiệp duy nhất của mình, là người hoàn toàn để cho mình lệ thuộc vào Thiên Chúa, là người xem mọi sự mình có đến từ Thiên Chúa. Vì vậy, những người này luôn sống trong tâm tình tạ ơn và tôn vinh vì những kỳ công Chúa thực hiện trên cuộc đời họ.
Thứ hai, họ là những con người hiền lành: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5:4). Đây là những người sống theo lời mời gọi của Chúa Giêsu, đó là trở nên như Ngài trong sự hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 11:29). Sự hiền lành của họ không mang tính nhu nhược, tức là du di cho những sai phạm [đến Chúa và anh chị em]. Sự hiền lành của họ là hoa trái của một con tim kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa để rồi kín múc nơi Ngài sự cảm thông và tha thứ.
Thứ ba, họ là những người sầu khổ và than khóc: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5:5). Sầu khổ và than khóc ở đây không chỉ vì những chuyện buồn trong cuộc sống của mình. Trên hết, sự sầu khổ và than khóc ở đây là dấu hiệu của sự sám hối: sầu khổ và than khóc cho tội của mình và cho người khác, than khóc cho những bất công đang xảy ra trong xã hội, than khóc cho những xúc phạm mà con người ngày hôm nay phạm đến Chúa.
Thứ tư, họ là những người khao khát sự công chính: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5:6). Trong bối cảnh của Tin Mừng Thánh Mátthêu, người công chính là người luôn tìm kiếm và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Nói cách khác, họ là những người lắng nghe và đem lời Chúa ra thực hành. Đây là những người chỉ có một mối bận tâm, đó là khao khát thi hành thánh ý Thiên Chúa.
Thứ năm, họ là những người tỏ lòng thương xót người khác: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7). Sự thương xót ở đây không mang tính cảm xúc. Nó gồm hai yếu tố: (1) cảm được nỗi đau của anh chị em mình [đau cùng nỗi đau của anh chị em mình], và (2) làm một cái gì đó để làm giảm đi nỗi đau hoặc làm tan biến nỗi đau của anh chị em mình. Đây là một sự thương xót mang tính hành động.
Thứ sáu, họ là những người có tâm hồn trong sạch: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8). Những người này là người có tâm hồn đơn sơ, không chạy theo những đam mê của dục vọng. Họ yêu Chúa với một con tim không phân chia. Để rồi kín múc từ tình yêu Thiên Chúa, họ yêu anh chị em của mình với một tình yêu trung thành và quảng đại.
Thứ bảy, họ là những người xây dựng hoà bình: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). Những người này khác với những người “gìn giữ” hoà bình. Họ là những người “mang lại” hoà bình ở những nơi có chiến tranh và xung đột. Nơi đâu có sự hiện diện của họ, ở đó có sự bình an và hoà thuận. Đây chính là món quà phục sinh mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ của Ngài. Như vậy, những người này là những người mang nơi mình sứ điệp của đời sống mới, sứ điệp của sự phục sinh.
Thứ tám, họ là những người bị bách hại: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:10). Chúng ta cần lưu ý rằng nguyên nhân họ bị bách hại không gì khác ngoài việc sống một đời sống công chính, đó là luôn làm theo thánh ý Thiên Chúa. Những ai làm theo ý mình mà bị bách hại thì không thuộc vào nhóm này. Những vị thánh là những người luôn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và đem ra thực hành, đồng thời sẵn sàng chịu mọi sự đau khổ và chống đối xảy ra trong quá trình thi hành thánh ý Chúa.
Chúng ta thuộc nhóm nào trong những nhóm người sống thánh mà Thánh Mátthêu đã đưa ra? Nếu chúng ta chưa thuộc nhóm nào, hãy bắt đầu từ hôm nay! Đứng chờ đến lúc quá muộn.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB