(Hr 11:1-2.8-19; Mc 4:35-41)
Tác giả thư Hípri hôm nay trình bày cho chúng ta tấm gương đức tin của Ápraham. Trước khi trình bày chi tiết về những gì đức tin đã mang lại cho Ápraham, tác giả thư Hípri nói về bản chất của đức tin là “bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám” (Hr 11:1-2). Đức tin đưa chúng ta vào huyền nhiệm của những mầu nhiệm vô hình, vào thế giới của những cái không nhìn thấy. Sống trong thế giới mà dường như mọi sự được đánh giá dựa trên những giá trị có thể cân đo đong đếm, chúng ta hơn bao giờ hết cần đến đức tin để bước vào hành trình của niềm hy vọng cho những gì chúng ta không nhìn thấy như Ápraham. Nhờ đức tin, Ápraham đã thực hiện những điều sau: (1) ông “đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp. Ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Hr 11:8); (2) ông đã “tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông Ixaác và ông Giacóp là những người đồng thừa kế cùng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng” (Hr 11:9-10); (3) ông đã vượt qua thử thách để hiến tế Ixaác. Suy gẫm về hành trình đức tin của Ápraham, chúng ta nhận ra đây cũng là hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta hoàn toàn tín thác vào Chúa qua việc vâng nghe lời mời gọi của Ngài để bước vào một hành trình đến vùng Đất Hứa (Nước Trời) mà chúng ta không thấy. Trên hành trình này, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều thử thách. Chúng ta chỉ vượt qua những thử thách này nếu chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong từng bước đi đồng thời Ngài cũng chuẩn bị cho chúng ta những điều thật tốt đẹp cuối hành trình. Liệu chúng ta có đủ niềm tin để đặt trọn vẹn cuộc sống của mình vào vòng tay yêu thương của Ngài không?
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu ba hành động mang tính phép lạ của Chúa Giêsu. Thánh Máccô sắp xếp cấu trúc trong phần này thật tuyệt nhằm cho các môn đệ thấy Chúa Giêsu có uy quyền không chỉ trong việc giảng dạy bằng lời nói, nhưng còn bằng hành động của mình. Vì vậy, sau khi giảng dạy dân chúng và các môn đệ bằng dụ ngôn, Chúa Giêsu thực hiện các hành động mang tính phép lạ để qua đó Ngài cho thấy Ngài có quyền trên Xatan hiện diện trong thiên nhiên (4:35-41), trong những người bị ám (5:1-20), trong những người bệnh tật (5:25-34), và trong sự chết (5:21-24; 35-43).
Câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt biển ám chỉ đến việc Ngài có uy quyền trên Xatan hiện diện trong thiên nhiên. Đây là câu chuyện đầu tiên trong chuỗi những câu chuyện có cùng một cấu trúc hay kiểu mẫu: Một rào cản được vượt qua (biển động), hành động đầy uy quyền của Chúa Giêsu (ra lệnh cho biển im lặng), và một sự khẳng định (biển lặng và các môn đệ kính sợ). Bối cảnh phía sau của câu chuyện này có thể là tư tưởng của vùng Phía Cận Đông cổ (Ancient Near East) về biển như là biểu tượng quyền lực của sự hỗn mang và sự dữ đang cố gắng chống lại Thiên Chúa. Bằng việc làm chủ cơn bão trên biển, Chúa Giêsu làm những gì Thiên Chúa làm và đánh bại các mãnh lực của sự dữ. Các đọc giả của Máccô hiểu hình ảnh này được bao nhiêu thì chúng ta không biết. Vì vậy, câu hỏi của các môn đệ ở cuối trình thuật Chúa Giêsu là ai chỉ ra cho chúng ta rằng Thánh Máccô nhấn mạnh đến chân tính của Chúa Giêsu và thiết lập một lời công bố về Kitô học mang tính mặc nhiên về thần tính của Chúa Giêsu, bởi vì Chúa Giêsu làm những gì Thiên Chúa làm.
Hình ảnh đáng để chúng ta suy gẫm là hình ảnh Chúa Giêsu vẫn an tâm ngủ trong khi các môn đệ vất vả chèo chống với trận cuồng phong. Khả năng ngủ của Chúa Giêsu ở đàng lái giữa sóng biển xô dập dồn chỉ cho chúng ta thấy thái độ hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Điều này mời gọi chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa giữa biển đời nhiều khó khăn và thử thách. Giống như các môn đệ, chúng ta cũng hoảng sợ và kêu lên: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” (4:39) khi đối diện với những sóng gió trong cuộc sống. Chúng ta nghĩ Chúa không lo lắng gì cho chúng ta. Nhưng chúng ta cần biết rằng nhiều khi Chúa ‘chưa’ làm gì, chứ không phải ‘không’ làm gì. Ngài muốn chúng ta hoàn toàn tín thác vào Ngài giữa sóng gió cuộc đời vì chính Ngài là Người đang nắm giữ vận mệnh của hành trình. Chúng ta có sẵn sàng tín thác để Ngài hướng dẫn hành trình của chúng ta không?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB